Gia đình

Nam giới Việt kết hôn lần đầu muộn hơn nữ 4 tuổi

TB (theo VnExpress) 08/01/2025 06:26

Người Việt Nam kết hôn lần đầu ngày càng muộn hơn, trong đó nam giới trung bình trên 29 tuổi, còn nữ giới hơn 25 tuổi.

dam-cuoi-tap-the.jpg
Đám cưới tập thể tại Hà Nội vào tháng 10/2022

Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 được Tổng cục Thống kê công bố hôm 6/1, cho thấy tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người Việt ngày càng muộn, tăng 2,1 tuổi so với năm 2019.

Nam giới kết hôn ở tuổi bình quân 29,4, muộn hơn 4,2 năm so với nữ giới ở tuổi 25,2. Phụ nữ ở thành thị kết hôn muộn đáng kể, bình quân 26,8 tuổi so với 24,1 ở nông thôn.

Vào tháng 7/2024, Tổng cục Thống kê cũng công bố độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại TP Hồ Chí Minh là 30,4 - cao nhất cả nước, vượt xa nhiều tỉnh thành khác. Con số này có xu hướng tăng liên tục từ năm 2019, bình quân mỗi năm tăng 0,7 tuổi.

Thạc sĩ Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP Hồ Chí Minh, cho biết các nghiên cứu ghi nhận ngày càng nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân, không kết hôn, sinh con do gặp khó khăn về tài chính, muốn theo đuổi sự nghiệp, khao khát tự do.

Ngoài ra, người trẻ không mặn mà kết hôn còn do ảnh hưởng từ các câu chuyện gia đình đổ vỡ, chưa tìm kiếm được mẫu hình lý tưởng...

Trong khi tuổi kết hôn tăng, mức sinh của Việt Nam giảm từ 1,96 con mỗi phụ nữ năm 2023 xuống 1,91 con năm 2024 - thấp hơn mức sinh thay thế. Mức sinh ở thành thị chỉ đạt 1,67 con, thấp hơn đáng kể so với nông thôn (2,08 con).

Sự chênh lệch giữa các vùng kinh tế rõ rệt, với mức sinh cao tại Trung du miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng (2,34 con), Tây Nguyên (2,24 con), nhưng thấp nhất ở Đông Nam Bộ (1,48 con) và đồng bằng sông Cửu Long (1,62 con).

Các chuyên gia cho rằng độ tuổi kết hôn tăng cùng tỷ lệ sinh giảm sẽ đẩy nhanh hơn quá trình già hóa dân số ở Việt Nam.

Bên cạnh con số về độ tuổi kết hôn, cơ quan thống kê cũng công bố giai đoạn 2019-2024, sức khỏe người dân cải thiện khi tỷ suất chết của trẻ dưới một và 5 tuổi giảm, tuổi thọ trung bình tăng.

Cụ thể, tỷ suất chết trẻ em dưới một tuổi giảm từ 16 xuống 11,3 trên 1.000 trẻ sinh sống; tỷ suất chết trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 21 xuống 16,9. Tuy nhiên, tỷ suất này ở nông thôn vẫn cao hơn gần hai lần thành thị. Tây Nguyên ghi nhận mức tử vong cao nhất của trẻ dưới 5 tuổi, với 26,7 trẻ trên 1.000 sinh sống.

Tuổi thọ trung bình người dân tăng thêm 1,1 năm, đạt 74,7 tuổi, trong đó nam 72,3 tuổi và nữ 77,3 tuổi.

Tỷ số giới tính khi sinh tiếp tục mất cân bằng, đạt 111,4 bé trai/100 bé gái, cao hơn nhiều so với mức tự nhiên là 106 bé trai/100 bé gái. Tình trạng này kéo dài nhiều năm qua, gây hệ lụy nghiêm trọng dù đã có chính sách can thiệp.

Cuộc điều tra giữa kỳ là cơ sở để đánh giá kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, hoạch định chính sách cho những năm 2026-2030 và giám sát mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

TB (theo VnExpress)