Giải bài toán phân loại rác thải tại nguồn ở TP Hải Dương
Đối diện với những khó khăn từ thực tế tốc độ đô thị hoá, diện tích chật hẹp, lượng rác thải rất lớn, TP Hải Dương làm gì để thực hiện mục tiêu phân loại rác tại nguồn?
Phân thành 5 loại rác
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Quy định không nêu sự khác nhau khi thực hiện giữa khu vực nông thôn và đô thị, đồng nghĩa với việc không phân biệt khả năng xử lý của từng địa phương. Đây là một bất cập với khu vực đô thị nói chung, TP Hải Dương nói riêng. Bởi ở nông thôn, rác thải được phân loại và hoàn toàn có thể xử lý ngay tại nhà với rác thải hữu cơ dễ phân huỷ trong vườn hay ủ trong thùng và làm phân bón cho cây trồng.
Tuy nhiên, tại thành phố lại khác. Mỗi ngày trên địa bàn TP Hải Dương phát sinh 230 tấn chất thải rắn sinh hoạt, 67% trong số đó là chất thải hữu cơ. Việc phân loại chất thải hữu cơ, chất thải thực phẩm và thực hiện xử lý tập trung tại các điểm trên địa bàn bằng phương pháp ủ phân hữu cơ là không phù hợp do mức độ đô thị hóa cao; phương pháp xử lý này có nhiều bất cập về mùi, nước rỉ rác trong quá trình ủ… Do vậy, TP Hải Dương chỉ khuyến khích các hộ tự thực hiện tại nhà nếu bảo đảm các điều kiện về vườn đất và không gian. Vì vậy, ở hầu hết các địa bàn của thành phố, rác thải buộc phải đưa đến điểm thu gom và xử lý tại nhà máy.
Xác định được khó khăn này, TP Hải Dương đã thực hiện phân rác sinh hoạt thành 5 loại là chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải trơ và chất thải còn lại (gồm chất thải hữu cơ).
Với chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế thì chủ nguồn thải, các gia đình vẫn thường làm là bán phế liệu, hoặc để riêng để nhân viên thu gom rác mang đi.
Đối với chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt rất ít. Hiện nay thành phố đã quy hoạch hệ thống các điểm tập kết có thùng chứa rác nguy hại do Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương quản lý. Ngoài ra, các thôn, khu dân cư cũng bố trí những điểm tiếp nhận phù hợp và được hỗ trợ thùng chứa rác thải nguy hại từ nguồn xã hội hóa. Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương hướng dẫn để các hộ chủ động mang chất thải nguy hại tập kết tại các điểm này, theo định kỳ Công ty CP Quản lý công trình đô thị sẽ vận chuyển đi xử lý.
Đối với chất thải cồng kềnh, người dân thực hiện tháo dỡ, thu gọn thể tích, mang ra điểm tập kết trước ngày thu gom. Định kỳ mỗi tháng 2 lần, Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương sẽ thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn.
Tương tự, chất thải trơ cũng được mang đến điểm tiếp nhận để vận chuyển đi xử lý. Với những chất thải còn lại, các hộ dân cho vào bao bì, gạn sạch nước, buộc chặt và bỏ ra cửa trong khung giờ thu gom để nhân viên Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương tiếp nhận mang đến nơi xử lý.
Bên cạnh đó, nhiều năm qua, người dân thành phố có thói quen được phục vụ thu gom rác hằng ngày, tất cả rác bỏ vào 1 thùng hoặc túi. Để thay đổi thói quen này, TP Hải Dương xác định cần làm dần dần, từ đơn giản đến phức tạp và không làm cho người dân phải phát sinh thêm chi phí, công sức thực hiện.
Tiến độ chậm
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, từ ngày 1/1/2025, 100% số hộ gia đình phải phân loại rác sinh hoạt tại nguồn. TP Hải Dương và nhiều địa phương khác của tỉnh không thể thực hiện được mục tiêu này.
Khi triển khai “Đề án xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, TP Hải Dương cũng không thuộc địa bàn thực hiện các mô hình thí điểm của tỉnh. Vì vậy, thành phố triển khai việc phân loại rác thải tại nguồn muộn hơn so với nhiều địa phương khác.
UBND TP Hải Dương phê duyệt Đề án “Phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình và tái chế chất thải thực phẩm sau phân loại trên địa bàn TP Hải Dương” hồi tháng 6/2024. Tiến độ thực hiện đề án bị ảnh hưởng của bão số 3.
Đến nay, thành phố đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền và hướng dẫn phân loại rác đến người dân của 9 phường, xã vùng ven là Gia Xuyên, Ngọc Sơn, Tân Hưng, Liên Hồng, Thạch Khôi, Tiền Tiến, Quyết Thắng, Tứ Minh và Ái Quốc. Các phường, xã sau khi được tập huấn, hướng dẫn đã cơ bản thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn theo 5 loại rác thải nêu trên.
UBND thành phố cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn, hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các điểm cầu của UBND các phường, xã để ban chỉ đạo, các tổ tuyên truyền nắm được để triển khai.
Đánh giá bước đầu cho thấy người dân tại các xã, phường trên đã có ý thức trong việc tuân thủ phân loại rác thải tại nhà.
Đến nay, Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương đã thực hiện hàng chục chuyến vận chuyển riêng rác thải trơ, rác thải cồng kềnh đến nơi xử lý riêng biệt. Khối lượng phát thải 3 loại rác nguy hại, trơ, cồng kềnh rất ít. Tại các xã Gia Xuyên, Ngọc Sơn, lượng rác nguy hại chưa đến 1/2 thùng 240 lít, rác trơ khoảng 2 xe tải loại 1 tấn; rác cồng kềnh tại xã Gia Xuyên có 1 xe tải loại 1 tấn cành cây. Các phường, xã còn lại bước đầu thực hiện, người dân chưa hình thành thói quen nên lượng phát thải của 3 loại trên còn ít hơn.
TP Hải Dương cũng thực hiện thí điểm tái chế chất thải thực phẩm thành phân hữu cơ tại khu vực tập trung ở thôn Đồng Bào, xã Gia Xuyên từ tháng 7/2024 đến nay. Chất thải thực phẩm sau phân loại tại các gia đình được đưa một phần về bãi tập kết thôn Đồng Bào để chế biến thành phân hữu cơ. Sau khi thực hiện phân loại, đến tháng 9/2025 thành phố sẽ tổ chức họp đánh giá, tổng kết kết quả để rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho giai đoạn tiếp theo, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo đánh giá của anh Nguyễn Thành Đô, Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương, việc phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt theo mô hình trên của TP Hải Dương có thể chưa đạt được kết quả giảm rõ rệt lượng rác thải phải xử lý tại nhà máy. Tuy nhiên, kết quả rõ nhất là cảnh quan môi trường của thành phố được cải thiện đáng kể.
TP Hải Dương phấn đấu đến hết năm 2025, 100% số hộ được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác sinh hoạt; 95% số hộ thực hiện phân loại rác thành 5 nhóm và chuyển giao cho đơn vị thu gom đúng quy định.
Để thực hiện mục tiêu trên, TP Hải Dương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm huy động các nguồn lực xã hội cho công tác phân loại rác thải. Để việc phân loại rác tại nguồn có hiệu quả, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ từ việc phân loại, vận chuyển và xử lý. Việc phân loại và xử lý riêng chất thải thực phẩm tiến tới có đầu ra cho sản phẩm phân hữu cơ…