Bâng khuâng tháng chạp
Tháng chạp về trong sắc vàng rực của vạt hoa cải trên đồng, trên nụ đào nở sớm e ấp trước cổng, trong sắc thắm của các loài hoa chờ đến kỳ nở rộ...
Khi cái nắng hanh hao, xao xác, cái rét khô lạnh đến nứt nẻ làn môi dần nhường chỗ cho hơi may chỉ còn se se, cho bầu trời khi âm u xám xịt rét mướt, lúc chợt bừng nắng ấm, ta bỗng nhận ra tháng chạp đã về.
Tháng chạp về trong sắc vàng rực của vạt hoa cải trên đồng, trên nụ đào nở sớm e ấp trước cổng, trong sắc thắm của các loài hoa chờ đến kỳ nở rộ.
Tháng chạp, tháng của những hối hả ngược xuôi vội vã, của tất bật lo toan với mong ước đủ đầy. Nhưng tháng chạp đôi khi cũng là hoài niệm, tiếc nuối, bâng khuâng khi chưa làm được gì mà thời gian cứ trôi vội vã.
Tháng chạp về, những cánh đồng mênh mông, ngập trắng nước đổ ải. Nước về ngập tràn, những luống cày được phơi khô trắng bao ngày trở nên bở tơi, mềm nhuyễn. Trẻ con kéo nhau đi vầy nước, dẫm bùn nghịch ngợm thỏa thích mà không hề biết lạnh. Có khi bọn nhỏ còn kiếm được cá tôm theo nước trôi về.
Người lớn thì hối hả cày bừa chuẩn bị ruộng cấy, kịp xong mùa màng trước Tết, bởi tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng của lễ hội. Cánh đồng hối hả, nhộn nhịp, râm ran tiếng cười đùa, trêu chọc nhau trong không khí thoang thoảng mùi đất ngai ngái, mùi hăng hăng của những vạt cải vàng rực rỡ trên đồng.
Tháng chạp, bao sự lo toan, dành dụm chuẩn bị cho Tết đủ đầy. Ông sửa sang, dọn dẹp phần mộ tổ tiên, xếp lại đống củi đã trữ từ bao giờ cho khô, ngắm nghía khóm lá dong cuối vườn chuẩn bị cho nồi bánh chưng Tết.
Bà thì cắt những cây mùi già về phơi làm hạt giống cho vụ sau nhưng không quên bớt lại một ít nấu nồi nước thơm ngày Tết. Bà luôn miệng nhắc nhở, dặn dò con cháu cẩn thận trong “tháng củ mật” mà mãi sau này tôi mới hiểu rõ ý nghĩa đầy đủ của cái từ “củ mật” đó.
Bố sơn lại cánh cửa, mua vôi trắng để quét lại bức tường nhà đã ố màu thời gian, sửa sang chỗ này, chỗ kia cho nhà cửa khang trang, sáng đẹp.
Mẹ sắm sửa, đong thêm đỗ, lạc, gạo nếp để chuẩn bị gói bánh, đồ xôi, nấu chè, làm mứt nhưng thế nào cũng dành dụm để các con có tấm áo mới. Bọn trẻ con thì háo hức đếm từng ngày chờ đón Tết gần kề...
Dẫu cho “mùa theo mùa đi mãi” nhưng trong vòng tuần hoàn ấy dù trong ký ức, ở hiện tại hay mai sau, tháng chạp vẫn luôn là những hối hả, vội vã, lo toan tất bật bởi ai cũng muốn trọn vẹn những dự định, những công việc trong một năm.
Nông dân muốn hoàn thành mùa vụ, muốn thu hoạch thành quả lao động của mình qua một năm để có Tết vui vẻ, đủ đầy. Công nhân chờ lương, thưởng Tết. Những người con xa quê sắp xếp, gói ghém đồ đạc trong nỗi bâng khuâng, nhớ mong háo hức ngày được trở về bên người thân yêu.
Trong nhịp sống hối hả, tháng chạp như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng: “Đường về nhà là vào tim ta, dẫu nắng mưa gần xa…”. Trở về, để được sống trọn vẹn trong tình yêu thương và sự ấm áp của quê hương như dòng máu nóng chảy về tim.
Có thể ví tháng chạp như người mẹ, cứ lặng lẽ hy sinh, chấp nhận vất vả lo toan, chắt chiu dành dụm những yêu thương để đến mùa xuân bật chồi non lộc biếc cho đời, để vạn vật lại bắt đầu một vòng quay mới đầy hứa hẹn...