Lộ diện thành viên EU, NATO không được Ba Lan mời dự lễ nhậm chức Chủ tịch EU
Ba Lan tuyên bố đại sứ Hungary không được chào đón tại sự kiện bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU).
Hãng tin Reuters ngày 3/1 dẫn tiết lộ của một quan chức cấp cao cho biết Ba Lan đã quyết định không mời đại sứ Hungary tham dự sự kiện bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) của Vacsava (Warsaw) diễn ra cùng ngày, sau khi Budapest cấp quyền tị nạn cho một cựu Thứ trưởng Ba Lan đang bị điều tra vì cáo buộc lạm dụng công quỹ.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan phụ trách các vấn đề châu Âu, bà Magdalena Sobkowiak-Czarnecka, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng không được mời tham dự buổi lễ tại Nhà hát Lớn Vacsava.
Vacsava đã phản ứng giận dữ khi Hungary cấp quyền tị nạn chính trị vào tháng trước cho ông Marcin Romanowski, cựu Thứ trưởng Tư pháp Ba Lan, người đã bị bắt giữ vào tháng 7 năm ngoái trong khuôn khổ cuộc điều tra về lạm dụng công quỹ.
Ông Romanowski nhanh chóng được thả sau khi Chủ tịch một Hội đồng Nhân quyền châu Âu tuyên bố chính trị gia này có quyền miễn trừ với tư cách là thành viên của cơ quan này.
Về phần mình, ông Romanowski cũng phủ nhận các cáo buộc chống lại bản thân.
Phát biểu trên truyền hình hôm 3/1, bà Sobkowiak-Czarnecka cho biết: “Khi chúng tôi gửi lời mời tới các khách mời cho buổi lễ cách đây gần một tháng, chúng tôi đã mời toàn bộ đoàn ngoại giao”.
Tuy nhiên, sau sự việc liên quan đến ông Romanowski, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Sikorski đã quyết định rằng đại sứ Hungary không phải là vị khách được chào đón tại Nhà hát Lớn Vacsava (nơi diễn ra buổi lễ)” ngày 3/1.
Thủ tướng Ba Lan, ông Donald Tusk và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Antonio Costa dự kiến sẽ phát biểu tại buổi lễ bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Ba Lan, nhiệm kỳ mà mỗi quốc gia thành viên luân phiên nắm giữ trong sáu tháng. Hungary đã giữ chức Chủ tịch trong nửa cuối năm 2024.
Ông Tusk đã chỉ trích ông Orban về các vấn đề như lập trường của Hungary đối với cuộc chiến ở Ukraine và các chính sách của Hungary mà Ba Lan cho là thân Liên bang Nga.
Trong khi đó, ông Orban từng tuyên bố với truyền thông Hungary rằng chính phủ của ông Tusk coi người Hungary là kẻ thù.
Theo Đài Sputnik, Hungary là quốc gia thành viên EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ Liên bang Nga.
Trong gần 3 năm xung đột Nga-Ukraine, Hungary giữ quan điểm tương đối trung lập với cả Liên bang Nga và Ukraine và nhiều lần kêu gọi đàm phán. Lập trường của Hungary khiến một số nước EU không hài lòng.
Trong thời gian làm Chủ tịch luân phiên của EU, ông Orban đã sử dụng vai trò để cố gắng khởi động tiến trình riêng của mình nhằm chấm dứt chiến sự thông qua đàm phán.