Kinh tế

Phân loại rác tại nhà trước 'giờ G'

NGÂN HẠNH-HÀ KIÊN 31/12/2024 15:26

‘Giờ G’ - thời điểm ngày 1/1/2025 sắp điểm, 100% số hộ gia đình trong cả nước sẽ phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Việc này quá khó với Hải Dương khi nhìn vào thực trạng ‘bức tranh’ phân loại rác dưới đây.

PHÂN LOẠI RÁC TẠI NGUỒN-4

‘Giờ G’ - thời điểm ngày 1/1/2025 sắp điểm, 100% số gia đình trong cả nước sẽ phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Thực trạng ‘bức tranh’ phân loại rác tại Hải Dương trước "giờ G" ra sao?

PHÂN LOẠI RÁC TẠI NGUỒN-2

70.000 HỘ THAM GIA PHÂN LOẠI RÁC, Ủ MÙN HỮU CƠ

Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được quan tâm thực hiện từ nhiều năm nay tại Hải Dương và được cụ thể hoá tại Đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án xử lý chất thải rắn) do UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt ngày 31/8/2021.

Từ đó đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương đã chủ trì, phối hợp thực hiện. Cả hệ thống chính trị từ các cấp ủy đảng, chính quyền đến các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân ở một số địa phương đã tích cực vào cuộc thực hiện đề án này. Quyết tâm lớn, mục tiêu đã rõ, nhưng kết quả thực hiện vẫn dừng ở con số khá khiêm tốn.

Hải Dương triển khai thực hiện thí điểm mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ủ rác thải hữu cơ tập trung theo đề án tại tất cả các xã, thị trấn của Nam Sách với 39.581 hộ; 2 xã Thanh Hải (Thanh Hà), Cẩm Văn (Cẩm Giàng) với 5.590 hộ. Bên cạnh đó, huyện Bình Giang chủ động triển khai thực hiện phân loại rác thải theo mô hình của đề án tại 2 xã Vĩnh Hồng và Hùng Thắng với 6.029 hộ.

8.jpg
Huyện Bình Giang chủ động triển khai thực hiện phân loại rác thải theo mô hình của đề án tại 2 xã Vĩnh Hồng và Hùng Thắng
9.jpg
Người dân xã Thanh Hải (Thanh Hà) thực hiện thí điểm mô hình phân loại, ủ rác thải hữu cơ tập trung
7.jpg
Cán bộ Hội phụ nữ xã Thái Tân (Nam Sách) kiểm tra việc phân loại rác thải tại gia đình hội viên

Một số địa phương gắn thực hiện theo hoạt động của hội, đoàn thể. Có 18.800 hộ hội viên Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tham gia phân loại rác tại nguồn. Riêng TP Hải Dương phân loại rác thải theo mô hình đô thị bao gồm phân loại thành phần rác có khả năng tái chế, tái sử dụng và các thành phần khác để giảm lượng rác thải phải xử lý tại nhà máy.

phan-loai-rac-tai-nguon-do-hoa.png

Như vậy, toàn tỉnh mới có hơn 70.000 hộ tham gia phân loại, ủ mùn rác hữu cơ, đạt 13,3% tổng số hộ; sau khi phân loại, ủ mùn, lượng rác thải phải chuyển về nhà máy xử lý giảm 50%.

Ngoài ra, ở những xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và một số địa phương khác cũng đã thực hiện phân loại chất thải tái chế.

PHÂN LOẠI RÁC TẠI NGUỒN-3

NHỮNG ĐỊA PHƯƠNG ĐI ĐẦU

Nam Sách là địa phương đi đầu và cũng là điển hình của Hải Dương trong thực hiện Đề án xử lý chất thải rắn, đặc biệt là hoạt động phân loại rác thải tại nguồn thực hiện ở tất cả các xã, thị trấn.

Giống như nhiều địa phương khác, trước khi thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, rác sinh hoạt của Nam Sách được vận chuyển về bãi chôn lấp ở các thôn. Nhưng hầu hết các bãi này đã đầy nên thường xuyên diễn ra tình trạng đốt rác gây ô nhiễm môi trường. Không những thế còn có tình trạng rác từ nơi này đổ trộm sang nơi khác.

Trước thực trạng này, để bảo đảm vệ sinh môi trường, ngày 22/3/2022, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU về thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. UBND huyện cũng ban hành kế hoạch thực hiện phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn toàn huyện từ ngày 1/5/2022.

Thời điểm này, việc áp dụng thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 còn mới, chưa có hướng dẫn kỹ thuật phân loại. Trên cả nước cũng chưa có mô hình thí điểm hoặc địa phương nào triển khai phân loại rác với quy mô cấp xã, cấp huyện mà chỉ thí điểm tại một cụm dân cư hoặc một số hộ. Đây cũng là khó khăn với Nam Sách và những địa phương đi đầu thực hiện.

Tuy nhiên, quyết tâm làm cho bằng được, Nam Sách đã đầu tư đồng bộ hạ tầng phục vụ cho hoạt động phân loại rác. Địa phương đã đầu tư xây dựng 44 ô ủ rác hữu cơ với 120 ngăn và 21 điểm tập kết, trung chuyển rác thải vô cơ, tổng kinh phí 11,3 tỷ đồng .

Theo đề án dự kiến 1-2 thôn, khu dân cư có 1 điểm trung chuyển, nhưng để thuận lợi cho công tác quản lý, vận hành, mỗi xã ở Nam Sách bố trí 1-2 điểm trung chuyển; mỗi điểm trung chuyển kết hợp ủ mùn tập trung kinh phí hỗ trợ hơn 50 triệu đồng, thực tế huyện triển khai mỗi điểm khoảng 350 triệu đồng.

1920x1080-3.png

Tại Nam Sách, để gia tăng hiệu quả trong công tác phân loại rác, những xe thu gom rác vô cơ thường xuyên được kiểm tra

Một số loại rác thải được thu gom, bán phế liệu

10.jpg
Kiểm tra việc phân loại rác đối với các xe thu gom rác
11.jpg
Thu gom, bán phế liệu tại nhiều điểm tập kết rác ở xã Thanh Quang (Nam Sách)

Nam Sách đã triển khai thực hiện phân loại thành phần hữu cơ để ủ mùn compost cho khu vực nông thôn và khu vực đô thị là thị trấn Nam Sách. Sau phân loại, rác thải hữu cơ (dễ phân huỷ và khó phân huỷ) chiếm 52,6%, rác thải thu hồi tái chế, tái sử dụng chiếm 7,2%, rác vô cơ và các loại khác chiếm 40,2%. Trong đó lượng rác trơ được sử dụng làm vật liệu san lấp, xử lý tại chỗ sẽ được để lại địa phương, lượng rác vô cơ được vận chuyển, xử lý tại nhà máy.

12.jpg

Tất cả 2.512 hộ của xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) cũng đã thực hiện phân loại rác tại nguồn. Trong đó có 380 hộ thực hiện phân loại, ủ rác thải thực phẩm tại hộ, đạt 15,1% số hộ thực hiện phân loại; 2.132 hộ ủ rác thực phẩm tại ô ủ tập trung, đạt 84,9%.

Xã cũng xây dựng 1 ô ủ rác hữu cơ tập trung 6 ngăn, 1 điểm tập kết, trung chuyển rác thải vô cơ. Kinh phí xây dựng ô ủ 60,3 triệu đồng, cải tạo bãi chôn lấp để làm ô ủ, mở rộng đường vào điểm trung chuyển với kinh phí 993,843 triệu đồng. Huyện Cẩm Giàng hỗ trợ chế phẩm sinh học cho xã với kinh phí 115 triệu đồng. Các hộ đã được cấp phát thùng phân loại rác 3 ngăn, Hội Phụ nữ xã đã cấp 200 thùng ủ rác thải hữu cơ bằng chế phẩm IMO cho các hộ tận dụng làm phân bón cho cây trồng.

Rác thải thực phẩm sau phân loại được ủ mùn chiếm 30%, rác thải vô cơ sau khi phân loại chiếm 60%, còn lại 10% là các loại rác thải sinh hoạt khác như bàn ghế, đồ gỗ hỏng...

Rác thải sinh hoạt của xã Cẩm Văn đã được thu gom, tập kết tại một điểm và được vận chuyển, xử lý tại nhà máy. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trong toàn xã đã đạt 95%.

Hiện nay, tỷ lệ thu gom rác tại xã Thanh Hải (Thanh Hà) cũng đạt 100% sau khi thực hiện mô hình điểm phân loại rác tại nguồn tại tất cả các hộ. Trong đó lượng rác thải thực phẩm sau phân loại được ủ mùn chiếm 31,7%, rác thải vô cơ sau phân loại 66,8%, rác thải sinh hoạt khác (rác thải cồng kềnh và rác thải nguy hại) chiếm 1,5%.

Xã Thanh Hải đã xây dựng 1 ô ủ rác hữu cơ tập trung 7 ngăn, 2 điểm tập kết, trung chuyển rác thải vô cơ; cấp phát thùng phân loại rác 3 ngăn, hỗ trợ chế phẩm sinh học, thùng ủ rác tại hộ cho các gia đình thực hiện ủ rác hữu cơ. Địa phương còn lắp đặt 4 camera giám sát tại các điểm tập kết rác vô cơ, khu ủ rác hữu cơ tập trung của xã và điểm tập kết rác thải đã dừng hoạt động để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm. Tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 2,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, xã Thanh Hải còn thực hiện sáng kiến “Giảm thiểu ô nhiễm không khí do hoạt động đốt mở, từ đó giảm các tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng” từ Dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường của Liên danh CECoD-Nhân văn-DLCorp.

Sáng kiến tổ chức thực hiện phân loại, ủ mùn bằng thùng ủ tại 200 hộ gia đình thôn Tiền Vỹ đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Sản phẩm sau ủ gồm nước rỉ rác được pha loãng để tưới rau, mùn sau ủ bón cho các loại cây ăn quả. Các hộ còn lại thực hiện ủ bằng phương pháp đào hố chôn lấp trong vườn.

Ngoài các địa phương trên, đến nay có 2 xã Vĩnh Hồng, Hùng Thắng (Bình Giang) cũng triển khai theo mô hình phân loại, ủ rác hữu cơ tập trung theo mô hình của huyện Nam Sách.

Nhờ vậy, tổng diện tích bãi rác phục vụ chôn lấp đã giảm 90%, mỗi xã chỉ cần gần 1.000 m2 để xử lý rác cho toàn xã. Lượng rác thải phải xử lý giảm rõ rệt, hai xã trên đã đóng cửa được 4/8 bãi chôn lập rác (mỗi xã đóng cửa được 2 bãi).

Tình trạng ô nhiễm cục bộ tại các bãi chôn lấp rác ở hai xã cũng cơ bản được khắc phục. Khối lượng rác thải sau phân loại phải vận chuyển, xử lý tại nhà máy giảm 35-50% so với không phân loại.

Ngoài các địa phương trên, đến nay 12 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và kế hoạch triển khai Đề án chất thải rắn trên địa bàn.

13(1).jpg
5.jpg

LẮM KHÓ KHĂN, RÀO CẢN

Hiện nay, địa bàn đô thị đang gặp nhiều khó khăn trong triển khai phân loại rác thải tại nguồn do diện tích chật hẹp, không thể áp dụng các mô hình như những địa phương trên.

Năm 2024, TP Hải Dương triển khai Đề án “Phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình và tái chế chất thải thực phẩm sau phân loại trên địa thành phố Hải Dương”. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt được phân thành 5 loại: chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải trơ và chất thải còn lại.

Trong đó chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải trơ giữ lại tại địa phương, giảm lượng rác thải phải xử lý bằng phương pháp đốt. Thành phố đang triển khai phân loại tại 8 phường, xã: Gia Xuyên, Ngọc Sơn, Tân Hưng, Tiền Tiến, Liên Hồng, Thạch Khôi, Quyết Thắng, Tứ Minh.

Việc phân loại như trên phù hợp với khu vực đô thị; không làm thay đổi nhiều thói quen phân loại của người dân cũng như phương thức thu gom, vận chuyển, xử lý và đầu tư trang thiết bị cho hoạt động phân loại.

Tuy nhiên như vậy lại chưa thực hiện bảo đảm theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định phải phân loại và xử lý riêng thành phần chất thải thực phẩm; tỷ lệ giảm khối lượng chất thải phải chuyển về nhà máy để xử lý không lớn. Theo đánh giá sơ bộ của TP Hải Dương, tỷ lệ khối lượng chất thải chuyển về nhà máy xử lý mới giảm được khoảng 10-15% so với thời điểm chưa thực hiện phân loại.

Để xử lý khối lượng rác khổng lồ hằng ngày được thải ra, một trong những giải pháp căn cơ là xây dựng nhà máy xử lý rác. Tuy nhiên, việc này cũng còn nhiều khó khăn tại Hải Dương.

Trên cơ sở các vị trí quy hoạch và kết quả tham khảo của các tỉnh bạn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước mắt xem xét thu hút thêm 1 nhà máy với công nghệ đốt rác phát điện tại xã Việt Hồng (Thanh Hà) do Công ty CP Môi trường APT- Seraphin Hải Dương làm chủ đầu tư.

Dự án đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí chủ trương. Tuy nhiên, do đặc thù có vốn đầu tư lớn và là dự án đầu tư nâng công suất, thay đổi công nghệ của dự án nhà máy xử lý rác hiện có, nhà đầu tư phải thực hiện một số hoạt động hợp tác chuyển giao công nghệ, các thủ tục về điều chỉnh dự án... nên tiến độ còn chậm.

Hiện nay, nhà đầu tư đã hoàn thiện hồ sơ đề xuất đầu tư dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang trình UBND tỉnh để phê duyệt. Dự án dự kiến được đầu tư triển khai xây dựng trong năm 2025, đi vào hoạt động sau 18 tháng xây dựng.

Dù rất nỗ lực nhưng năm qua, Hải Dương mới giảm được 9 bãi chôn lấp so với năm 2023. Toàn tỉnh hiện vẫn còn 606 bãi chôn lấp, với tổng khối lượng chất thải đã chôn lấp khoảng 2,6 triệu tấn.

tinh-trang-bai-chon-lap-rac(1).png

Trong đó 384 bãi chôn lấp đang hoạt động; 222 bãi chôn lấp đã dừng hoạt động. Đối với các bãi chôn lấp đang hoạt động hiện có 78 bãi chôn lấp có tỷ lệ lấp đầy dưới 50%, 177 bãi chôn lấp có tỷ lệ lấp đầy từ 50-70% còn khả năng tiếp nhận rác thải, còn lại 129 bãi chôn lấp có tỷ lệ lấp đầy trên 70%.

Chừng nào còn tồn tại những bãi chôn lấp rác này thì chừng đó còn ô nhiễm môi trường. Bởi thực tế nhiều nơi xử lý bãi chôn lấp rác này chưa đúng, tình trạng đốt rác ngày đêm vẫn diễn ra gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân.

14.jpg
6.jpg

CẦN SỰ ĐỒNG LÒNG, QUYẾT TÂM

Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đã quy định sau ngày 31/12/2024, người dân không phân loại rác thải sinh hoạt có thể bị phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, các địa phương phải phân loại rác thải sinh hoạt từ ngày 1/1/2025.

Thực hiện đạt mục tiêu trên là điều rất khó khăn. “Muốn thực hiện được thì cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các đoàn thể từ tỉnh xuống tận thôn, khu dân cư, các chi hội, tổ hội. Thực tế ở đâu chính quyền, người đứng đầu quyết liệt, người dân đồng thuận thì việc này mới thành công”, đồng chí Dương Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Sách cho biết.

Để việc triển khai đề án trên địa bàn tỉnh đồng bộ, hiệu quả, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung của tỉnh; triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên toàn tỉnh.

Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường trong việc phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt để duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phân loại tại nguồn.

Việc phân bổ ngân sách chung về cấp huyện cho hoạt động quản lý, xử lý chất thải sinh hoạt theo tiêu chí về địa bàn và khối lượng chất thải phát sinh để các địa phương chủ động áp dụng các mô hình phân loại tại nguồn. Đồng thời đầu tư hoàn thiện hạ tầng thu gom, phân loại, áp dụng cách thức quản lý, giảm thiểu phát sinh chất thải phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương đáp ứng hiệu quả sau phân loại: khu vực nông thôn giảm ít nhất 50%, khu vực đô thị không thực hiện phân loại rác thải thực phẩm giảm ít nhất 15% lượng chất thải phải chuyển về nhà máy xử lý.

PHÂN LOẠI RÁC TẠI NGUỒN (1920 x 2100 px)

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý trên địa bàn tỉnh. Ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Triển khai dự án giải phóng mặt bằng các quy hoạch khu xử lý chất thải rắn của tỉnh.

Kiểm tra, rà soát, xây dựng lộ trình di chuyển các nhà máy xử lý chất thải công nghiệp không bảo đảm khoảng cách môi trường vào khu quy hoạch xử lý chất thải rắn của tỉnh…

Thực hiện: NGÂN HẠNH - HÀ KIÊN

Tác phẩm có sử dụng tư liệu video của DƯƠNG HÒA

NGÂN HẠNH-HÀ KIÊN