Bổ sung hơn 5.834 tỷ đồng để trả chế độ cho giáo viên, an sinh xã hội
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung cho các địa phương hơn 5.834 tỷ đồng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội các năm 2023 - 2024 và hỗ trợ chi trả chế độ cho số lượng biên chế giáo viên được bổ sung.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân bổ dự toán kinh phí hoạt động của các Đoàn Đại biểu Quốc hội năm 2025 và việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương năm 2024 cho các địa phương.
Cụ thể, tại Nghị quyết số 1338, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương số tiền hơn 5.834 tỷ đồng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội các năm 2023 - 2024 và hỗ trợ chi trả chế độ cho số lượng biên chế giáo viên được bổ sung cho năm học 2022 - 2023 và năm học 2023 - 2024 theo đúng nội dung, số liệu tại tờ trình của Chính phủ.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương số tiền 600 tỷ đồng để thực hiện đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn vốn từ các nông, lâm trường quốc doanh cho 19 địa phương theo đúng nội dung, số liệu tại tờ trình của Chính phủ.
Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ chịu trách nhiệm về căn cứ pháp lý của các nội dung đề xuất, tính chính xác của số liệu, tính đầy đủ, tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi và các điều kiện bổ sung dự toán, giao dự toán theo đúng quy định của pháp luật.
Chính phủ chịu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí được phân bổ đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và pháp luật liên quan; bảo đảm triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm trong việc xây dựng dự toán, hạn chế thấp nhất các khoản kinh phí không phân bổ được dự toán ngay từ đầu năm.
Trong quá trình điều hành, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt để sớm giao dự toán các khoản chưa phân bổ, tránh chậm trễ, kéo dài, lãng phí, kém hiệu quả nguồn lực ngân sách nhà nước và xảy ra tình trạng giao dự toán cuối năm không kịp sử dụng, phải thực hiện việc chuyển nguồn kinh phí sang năm sau, nhất là các nguồn kinh phí liên quan đến an sinh xã hội và chế độ chính sách cho con người.
Phân bổ gần 190 tỷ đồng cho các Đoàn Đại biểu Quốc hội
Tại Nghị quyết số 1337, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị phân bổ dự toán kinh phí hoạt động năm 2025 cho các Đoàn Đại biểu Quốc hội (chi hoạt động của cơ quan nhà nước, đảng, đoàn thể - kinh phí không thực hiện tự chủ) gần 190 tỷ đồng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thực hiện ra Quyết định giao dự toán kinh phí năm 2025 của các Đoàn Đại biểu Quốc hội cho Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xem xét, quyết định việc điều chỉnh dự toán cho Đoàn Đại biểu Quốc hội đối với các nhiệm vụ chưa bố trí dự toán và các nhiệm vụ được giao bổ sung, điều chỉnh trong năm 2025.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giao Văn phòng Quốc hội rà soát, bảo đảm tính chính xác của nội dung, thông tin, số liệu trong phương án phân bổ dự toán kinh phí hoạt động của các Đoàn Đại biểu Quốc hội năm 2025.
Trong đó tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi và các điều kiện bổ sung, điều chỉnh dự toán, giao dự toán theo đúng quy định của pháp luật; quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí được phân bổ đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và pháp luật có liên quan; bảo đảm triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, không để xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.