Nông nghiệp - Nông thôn

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản và thặng dư thương mại tăng cao kỷ lục

NGÂN HẠNH-VGP 28/12/2024 06:30

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản và thặng dư thương mại của Việt Nam tăng cao kỷ lục lần lượt là 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% và 17,9 tỷ USD, tăng 46,8% (chiếm khoảng 71,6% thặng dư cả nước).

thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-tong-ket-nam-2024-cua-nganh-nn-ptnt-143549_729.jpg
Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Chiều 27/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Cùng dự có Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. Tham dự hội nghị tại các điểm cầu địa phương có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh, thành phố.

Đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hải Dương.

le-minh-hoan
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan điều hành phần tham luận của các địa phương, hiệp hội ngành hàng tại hội nghị. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện kế hoạch năm 2024 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Đặc biệt, cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía bắc. Thiệt hại cho sản xuất nông lâm thủy sản khoảng 31.800 tỷ đồng và làm giảm khoảng 0,3-0,5 điểm % tăng trưởng của toàn ngành. Nhưng ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu.

Nổi bật là tăng trưởng GDP toàn ngành ước khoảng 3,3% (giảm 0,53% so với năm 2023, chủ yếu do thiệt hại của bão). Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Sản lượng, năng suất nhiều sản phẩm chủ lực tăng khá cao, tiêu biểu như lúa gần 43,7 triệu tấn, tăng 0,4% so với năm 2023 và năng suất 61,4 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha; thịt hơi các loại 8,1 triệu tấn, tăng 3,5%; thủy sản 9,6 triệu tấn, tăng 2,4%; gỗ khai thác gần 22,9 triệu m3, tăng 9,8%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản và thặng dư thương mại tăng cao kỷ lục lần lượt là 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% và 17,9 tỷ USD, tăng 46,8% (chiếm khoảng 71,6% thặng dư cả nước). Trong đó đã có 7 hàng, nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD (thêm mặt hàng cao su so với năm 2023).

thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-tong-ket-nam-2024-cua-nganh-nn-ptnt-150520_660.jpg
Quang cảnh hội nghị

Các bộ, ngành liên quan và địa phương đã kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai đồng bộ, kịp thời các nhóm chính sách, giải pháp hỗ trợ, khắc phục hậu quả bão số 3 để nhanh chóng ổn định đời sống, chỗ ở của người dân, khôi phục sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (thiệt hại do bão số 3 gây ra trên 83.700 tỷ đồng, trong đó sản xuất nông nghiệp chiếm 38%).

nganh-nong-nghiep.jpg
Đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hải Dương

Chương trình xây dựng nông thôn mới và đổi mới tổ chức sản xuất tiếp tục được triển khai, thực hiện theo hướng thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu. Đến hết năm 2024, cả nước có khoảng 78,7% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó 2.225 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 532 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 302 đơn vị cấp huyện và 5 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục như: Việt Nam chưa gỡ được “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản; vẫn xảy ra vi phạm tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới duy trì không tăng từ đầu năm…

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực, kết quả, thành tựu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu, kết quả chung của cả nước trong năm 2024.

Theo Thủ tướng, 2025 là năm tăng tốc, bứt phá về đích của cả nhiệm kỳ 2020-2025, năm sẽ diễn ra Đại hội Đảng các cấp, chuẩn bị tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Do đó, ngành phải tăng tốc, bứt phá, cùng cả nước thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong đó mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất trên 8% và phấn đấu đạt 2 con số trong năm 2025.

Về các chỉ tiêu chủ yếu năm 2025, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,5-4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản phấn đấu đạt 70 tỷ USD; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn trên 60%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%...

Về tư tưởng chỉ đạo, Thủ tướng trước hết yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược, thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để phát triển ngành nhanh, bền vững.

Hai là đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm…

Ba là góp phần đắc lực, hiệu quả vào ứng phó với biến đổi khí hậu tại các địa bàn trọng điểm, nhất là sụt lún, sạt lở, khô hạn, ngập úng tại đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Bốn là người nông dân phải được ấm no, hanh phúc hơn, nông thôn hiện đại hơn, nông nghiệp phải tiên tiến hơn. Người nông dân là trung tâm, là chủ thể, nông nghiệp là động lực, nông thôn là nền tảng...

NGÂN HẠNH-VGP