Mẹ chồng Hàn Quốc mê cuộc sống Việt Nam
Gần một tháng nay, người dân Gò Quao thường xuyên gặp một người phụ nữ Hàn Quốc mặc bà ba đi tập thể dục quanh làng rồi xách làn đi chợ như người miền Tây chính hiệu.
Không chỉ vậy, bà còn dậy sớm theo chân mọi người đi vườn, làm ruộng và những lúc rảnh rỗi lại ngồi "buôn chuyện" với hàng xóm dù chỉ lõm bõm vài ba từ tiếng Việt. "Cảnh sông nước miền Tây yên bình, con người thân thiện khiến tôi muốn ở đây mãi", bà nói.
Người phụ nữ này là Joo Sun Seon, 68 tuổi, ở tỉnh Nam Gyeongsang, Hàn Quốc - mẹ chồng của chị Phạm Thị Kiều Tiên. Bà Seon kể tình cờ biết đến cảnh sắc và con người Việt Nam từ nhiều năm trước nên thường xuyên tìm hiểu qua sách báo, truyền hình. "Từ 20 năm trước tôi đã mơ ước một lần được sang Việt Nam để thử mặc áo dài, đội nón lá", bà kể.
Trong khi chưa biết lúc nào thực hiện được ước mơ, đầu năm 2011 bà Seon nghe tin con trai Na Eop Dong yêu một cô gái Việt Nam, lập tức mời Kiều Tiên về nhà chơi. Bà mê mẩn những câu chuyện về miền Tây với chợ nổi, hàng hóa xếp lên ghe và buôn bán trên sông mà Tiên kể mỗi lần đến chơi nhà.
"Từ đó ngày nào tôi cũng gọi cho Tiên vì thích nghe con kể chuyện về văn hóa, ẩm thực Việt Nam", bà Seon nói.
Đầu năm 2012, Dong và Tiên quyết định kết hôn. Mẹ chồng Hàn mất ngủ trước ngày được về Việt Nam dự lễ cưới của hai con. Bà vừa lo lắng vừa mong đợi được nhìn thấy Việt Nam ngoài đời thực.
Đặt chân tới Kiên Giang, để tới được nhà gái phải đi ghe qua sông, người phụ nữ Hàn Quốc vừa sợ vừa ngạc nhiên khi thấy chiếc ghe nhỏ có thể chở được cả xe máy, hành lý cùng người.
Thử ra đầu thuyền ngồi, đặt tay chạm xuống mặt nước, ngắm nhìn cảnh hai bên với vườn trái cây trĩu quả, bà Seon nhắm mắt tận hưởng không khí yên bình. Sau hơn 10 phút tới nơi, bà được nhà gái đón từ cổng, phía xa là họ hàng Tiên đang cùng nấu cỗ ở ngoài sân, trong lòng bà Seon "bỗng dâng lên cảm giác quen thuộc và ấm áp" dù lần đầu đặt chân đến đất nước xa lạ.
"Khoảnh khắc được ngồi chung mâm cơm cùng hàng chục người, vừa ăn vừa hàn huyên khiến tôi không thể nào quên", bà Seon nói.
Không chỉ mê mẩn cảnh sắc và nếp sinh hoạt của người Việt, sau đám cưới của con trai, Seon còn đâm ra "nghiện" ẩm thực Việt. Cô con dâu Kiều Tiên trở thành thầy dạy nấu ăn của mẹ chồng. Bà đặc biệt thích món rau muống xào tỏi, bánh chưng, củ kiệu. "Ở Hàn Quốc nhưng bữa nào của gia đình tôi cũng phải có món Việt, nhờ con dâu tôi được ăn rất nhiều món ngon ở miền Tây", bà Seon nói.
Bận bịu với công việc buôn bán cũng như chăm sóc chồng bệnh, suốt hơn 10 năm xa Việt Nam, Seon "chữa nỗi nhớ Việt Nam" bằng cách gọi video cho bà sui để được ngắm cảnh sông nước. Năm 2023, bà Seon bàn với các con về Việt Nam đón Tết bởi quá nhớ nơi này.
Điều đầu tiên khi về lại Kiên Giang, mẹ chồng Hàn tiến vào khu bàn thờ, thắp hương thay lời chào hỏi thăm tới ông sui, người cha quá cố của Tiên. Sau đó, bà xách làn cùng thông gia đi chợ quê sắm đồ Tết. Nhìn cảnh mọi người chen nhau mua gà, vịt, mổ lợn, mua trái cây, rau củ, đồ khô dự trữ, bà cũng chen chân vào lựa đồ ngon.
"Tôi được dạy chọn gà thế đẹp để về nấu cỗ, chọn măng khô làm miến rồi mua đủ loại hoa đào, mai, cúc vạn thọ về cắm Tết", Sun Seon nói.
Hơn một tuần ăn Tết ở Việt Nam, cứ 5h sáng mỗi ngày, bà Seon lại đội nón lá một mình đi tập thể dục gần cả tiếng vòng quanh ao làng rồi về. Bà thích thú mỗi lần ngồi sau xe máy của bà thông gia đi chợ sáng sớm, ăn bún nước lèo. Chiều rảnh rỗi, bà cùng cô dì, chú bác của Tiên ngồi dưới gốc cây đầu làng buôn chuyện với hàng xóm. Dọc đường thấy nhà nào trồng dừa, chuối, ổi, bà đều hái xin vài quả ăn thử.
"Tôi thực sự muốn sống cuộc sống của người miền Tây, đi gặt lúa, hái bông súng, ra đồng làm ruộng, bắt ốc, tối đến nằm võng nghe dân ca", người phụ nữ Hàn Quốc nói.
Sau lần cùng con dâu về ăn Tết, Seon đặt mục tiêu mỗi năm "về quê" Việt Nam vài lần.
"Tôi thật may mắn và tự hào, hạnh phúc khi thấy gia đình chồng yêu và trân trọng lối sống, văn hóa quê hương mình", Kiều Tiên nói.
Bà Cẩm Vân, 53 tuổi, ở Kiên Giang, mẹ của Tiên cho biết dù mình và bà thông gia không hiểu tiếng của nhau nhưng vẫn có thể ngồi nói chuyện hàng giờ đồng hồ về cuộc sống ở hai đất nước. "Tôi như có thêm một người bạn để tâm tình tuổi già, cả hai cứ diễn tả hành động, biểu cảm gương mặt rồi tự hiểu nhau", bà Vân nói.
Cuối tháng 11 năm nay, biết gần tới ngày đám giỗ ông sui, bà Sun Seon lại rủ con dâu về Việt Nam.
Bước chân về tới Gò Quao, thay bộ đồ bà ba là Sun Seon như biến thành con người khác. Bà ngồi đổ bánh xèo rồi đi bê cỗ, rửa bát, "thấy gì làm nấy" không ngại ngần phụ giúp mọi người tiếp đón khách.
"Tôi đã mua hàng chục bộ bà ba, đồ hoa lụa, khăn rằn, nón lá để mặc mỗi lần về Việt Nam cũng như ở Hàn cho ra dáng phụ nữ Việt chuẩn", bà Seon nói.