Tần suất tai nạn lao động trên cả nước ước giảm 6 - 7% trong năm 2024
Các hoạt động an toàn vệ sinh lao động đã chú trọng đến phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tăng cường cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động trong sản xuất.
Tại hội nghị về công tác giám sát tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc diễn ra ngày 26/12 tại TP Hồ Chí Minh, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Khánh Long cho biết tình hình tai nạn lao động năm 2024 tiếp tục được kiểm soát, tần suất tai nạn lao động ước giảm 6 - 7%.
Trong số đó, 6 tháng đầu năm 2024, trên toàn quốc đã xảy ra hơn 3.200 vụ tai nạn lao động (giảm 227 vụ, tương ứng với 7,09% so với cùng kỳ năm 2023) làm hơn 3.000 người bị nạn (giảm 197 người, tương ứng với 6,04%).
Con số trên bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Nguyên nhân để xảy ra tai nạn lao động thuộc về người sử dụng lao động chiếm tỷ lệ trên 40% và trên 16% thuộc về người lao động.
Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và thường xảy ra ở các lĩnh vực xây dựng, xi măng, khai thác khoáng sản.
Theo ông Nguyễn Khánh Long, công tác an toàn vệ sinh lao động trong năm qua đã được các cấp, ngành, cơ quan, doanh nghiệp quan tâm, tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực.
Nhận thức của các cấp quản lý, người sử dụng lao động và người lao động về an toàn vệ sinh lao động được nâng lên rõ rệt. Các hoạt động an toàn vệ sinh lao động đã chú trọng đến phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tăng cường cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động trong sản xuất; gắn an toàn vệ sinh lao động với bảo vệ môi trường, mở rộng việc quản lý an toàn vệ sinh lao động ra khu vực phi chính thức.
Để chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động Nguyễn Khánh Long khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, người sử dụng lao động, người lao động chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, nhất là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, thiết bị nâng, thang máy.
Chính quyền địa phương cùng các bên liên quan đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề.
Cùng với đó là vận động người sử dụng lao động chú trọng xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc.
Đối với doanh nghiệp, cần tăng cường triển khai hoạt động an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng tự kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa tai nạn lao động do sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, chứng chỉ nghề cho người lao động theo quy định.
Với người lao động, cần chấp hành quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động; tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Đồng thời sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp, thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao.
Hơn hết, mỗi người lao động cần nhận diện yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn và biện pháp ngăn ngừa tai nạn; sử dụng đúng, đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc.
Khi phát hiện vi phạm quy định về quản lý an toàn lao động hoặc các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động cần có biện pháp ngăn chặn và chấn chỉnh kịp thời, không để xảy ra sự cố đáng tiếc.