Con khổ vì bố mẹ lạm dụng bồi bổ
Không ít phụ huynh thấy con nhẹ cân, biếng ăn, đã tự ý tìm mua thực phẩm chức năng, thuốc bổ cho con mình, dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Bạn tôi kể, mỗi tháng ngoài tiền ăn học cho con gái đang học lớp 5 thì gia đình chị còn chi khoảng 2 triệu đồng mua thực phẩm chức năng và thuốc bổ cho con.
Sau khi ăn sáng, cháu uống can-xi, đến trưa uống sữa dinh dưỡng và trước khi đi ngủ buổi tối, cháu uống viên thúc đẩy chiều cao. Thỉnh thoảng chị cho con uống thêm nhung hươu, sâm...
Theo chị, cháu đang ở giai đoạn tiền dậy thì, bố mẹ phải tận dụng "thời điểm vàng" để con đạt chiều cao tối đa. Chị không cho con đi khám mà chỉ nghe đồng nghiệp, bạn bè mách về thuốc tốt nên mua về cho con dùng. Thế nhưng chiều cao của cháu đang ở mức thiếu nhẹ so với lứa tuổi mà cân nặng đã thừa và có dấu hiệu của trẻ béo phì.
Tình trạng tùy tiện cho trẻ uống thuốc bổ, thực phẩm chức năng khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ diễn ra khá phổ biến.
Ngày nay, kinh tế khá giả, phần lớn các gia đình đều quan tâm chăm lo con em với mong muốn con phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ. Họ chi hàng triệu đồng mỗi tháng, thậm chí nhiều hơn để bổ sung dinh dưỡng cho con. Cũng từ đó, thị trường thực phẩm chức năng, thuốc bổ sôi động lên và như "ma trận" khiến người tiêu dùng "hoa mắt". Phần lớn do truyền tai nhau và tự mua về sử dụng.
Mới đây, một trẻ nhỏ ở TP Hà Nội nhập viện trong tình trạng quấy khóc, nôn, đi tiểu nhiều, có dấu hiệu mất nước nặng do ngộ độc vitamin D. Nguyên nhân do gia đình cháu tự ý bổ sung vitamin D nhưng không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng mà cho dùng cả vitamin D của người lớn.
Hậu quả của việc lạm dụng thuốc bổ, thực phẩm chức năng rất lớn, có thể gây ngộ độc, thậm chí tử vong khi lạm dụng quá đà. Chị bạn tôi có con gái, khi nhỏ cháu kén ăn, nhẹ cân. Ai mách gì chị làm nấy, mua đủ các loại thực phẩm bồi bổ cho con. Đến nay, khi trưởng thành, thân hình cháu có phần mập mạp, việc giảm cân rất khó thực hiện.
Không phải ai cũng cần sử dụng thuốc bổ, vitamin và thực phẩm chức năng. Các khuyến cáo của ngành chuyên môn đã chỉ ra những người bệnh cần phục hồi sức khỏe, phụ nữ mang thai, sau khi sinh, người làm việc cường độ cao, hoạt động quá sức mới cần bổ sung thêm chất. Trước khi sử dụng cần được bác sĩ thăm khám, tư vấn. Đặc biệt phải sử dụng đúng thời gian, liều lượng và phù hợp với lứa tuổi. Không nên mua những sản phẩm tràn lan trên mạng, chưa được cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép.
Thuốc bổ, thực phẩm chức năng như "con dao hai lưỡi" sẽ tốt cho người cần và phản tác dụng nếu bị lạm dụng.
Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em nói riêng và bản thân mỗi người nói chung, điều quan trọng nhất là phải ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Nên chọn các loại thực phẩm sạch, tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng. Bữa ăn cần cân đối giữa các loại dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa, tinh bột, chất xơ, chất đạm, trái cây… Cần cho trẻ vận động, tập thể dục, tắm nắng… thường xuyên.
Nếu cho trẻ uống thuốc bổ hoặc thực phẩm chức năng, bổ sung các loại dưỡng chất thì nhất thiết phải tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng. Cần tuân thủ nghiêm hướng dẫn, không nên sử dụng theo thói quen, sở thích... mới có thể giúp trẻ phát triển toàn diện cả thể chất, trí não và tinh thần.