Cán bộ cần thích nghi với thay đổi, tinh gọn bộ máy
Cuộc sống vận động không ngừng buộc mọi người phải thích nghi với sự thay đổi để tiến bộ và phát triển.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang diễn ra làm không ít cán bộ, công chức, viên chức, người lao động lo lắng, nhất là người làm việc trong các cơ quan thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập.
Lo vì tới đây khi tinh giản biên chế, giảm số lượng người làm việc mình có thuộc diện phải tinh giản hay không? Lo vì hợp nhất cơ quan, tái cấu trúc lại bộ máy mình sẽ làm việc với đồng nghiệp mới, cũng có thể là thủ trưởng mới, liệu có ăn ý, hòa hợp như ở cơ quan cũ không? Rồi vị trí công tác, thu nhập có bị giảm không?…
Lo như vậy là điều dễ hiểu bởi bất cứ thay đổi nào cũng sẽ tác động đến người trong cuộc. Nói như Tổng Bí thư Tô Lâm, đã là cách mạng thì sẽ phải có người chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân.
Bạn bè tôi ở các tỉnh cũng gọi điện hỏi thăm xem tình hình cơ quan tôi thế nào. Tôi bảo bạn yên tâm, dù thế nào chúng tôi cũng vẫn làm việc bình thường, không để việc chung bị gián đoạn. Trong mọi tình huống, tôi đều tin rằng, cánh cửa này khép lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra. Tương lai sẽ tươi sáng hơn hay u ám đi phụ thuộc phần nhiều vào ý chí và nỗ lực của mỗi người.
Cuộc sống luôn vận động không ngừng đòi hỏi mỗi người đều phải học cách thích nghi với sự thay đổi. Có những giai đoạn, chủ trương này là đúng đắn nhưng đến giai đoạn sau sự phát triển của kinh tế - xã hội, công nghệ cho thấy cách làm cũ không còn phù hợp, phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới là xu thế tất yếu. Lê - nin từng nói: “Ưu điểm quá kéo dài thành khuyết điểm”, nếu cứ tư duy rằng, trước đây bộ máy cũng từng nhập vào, tách ra, đội ngũ, cơ cấu công việc như vậy vẫn ổn để không thích nghi với việc đổi mới thì sớm muộn cũng sẽ bị tụt hậu.
Nói như vậy là bởi ngay tại cơ quan tôi, thực tiễn cho thấy những người chậm thay đổi là những người dễ bị bỏ lại phía sau. Để cán bộ, nhân viên có cơ hội “làm mới” mình, chúng tôi thường xuyên thực hiện việc luân chuyển, đảo đổi vị trí công tác. Như vậy, một người có thể được làm quen với nhiều công việc, biết nhiều việc, nhiều lĩnh vực.
Ngay khi cùng làm một công việc thì chúng tôi cũng phải thường xuyên tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao trình độ, bắt kịp xu thế phát triển.
Rõ ràng là những thay đổi mang tính cách mạng của công cuộc tinh gọn bộ máy chính là cơ hội để rèn luyện và sàng lọc cán bộ. Khi mỗi người đều xác định rằng mình có thể bị thay thế bất cứ lúc nào nếu không làm tốt họ sẽ phải cố gắng nhiều hơn để trụ vững với công việc hoặc phải tìm cho mình công việc mới phù hợp hơn.
Trở lại với câu chuyện sắp xếp tinh gọn bộ máy, với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, không thể chậm trễ hơn, thực hiện với quyết tâm làm những việc có lợi cho nước, cho dân, thì vấn đề đầu tiên quan trọng là làm tốt công tác tư tưởng.
Khi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có quyền lợi bị ảnh hưởng bởi việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, cần giúp họ hiểu được ý nghĩa của cuộc cách mạng này. Cùng với việc bảo đảm chế độ cho cán bộ thuộc diện tinh giản, người bị mất việc làm, cần xây dựng cơ chế sàng lọc cán bộ thật khách quan, khoa học, bảo đảm người ở lại là những người giỏi việc, có tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng cống hiến vì dân, vì nước.
Sẵn sàng thích nghi với những thay đổi tiến bộ là phẩm chất cần thiết, không chỉ riêng với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước mà còn với cả lao động trong khu vực tư nhân.
Thay đổi để phát triển là việc nên làm.