Giữa dòng gió bụi
Cả chặng đường 'gà trống' nuôi con thiên hạ, ông thấy mình đã thấm chữ nhẫn.
Đang ngồi tiếp chuyện hai vị khách thì Tỏ đi qua, hất hàm hỏi ông Quà: “Lão thấy ví tôi không? Đưa đây?”.
Câu hỏi của hắn làm ông hàng nước giật thót. Ông lắc đầu. Chỉ thế thôi mà thằng Tỏ lấn tới. Nó tìm cách gây sự, quấy phá chuyện mưu sinh của ông Quà. Lời qua tiếng lại ỏm tỏi. Vài người nữa phải ào ra ủn Tỏ đi chỗ khác. Ông thường xuyên nhặt được của rơi. Ông sinh ra ở quê thời thanh xuân vào chiến trường cầm súng đánh giặc, xuất ngũ, lang thang tìm việc, đi bốc vác một thời gian rồi nhờ cơ duyên về góc đường ven làng Đổng, dưới tán cây muỗm ngồi bán nước trà, đến nay đã ngót ba mươi năm. Trước mặt ông là con đường nối với quốc lộ, dẫn về trung tâm thành phố lúc nào cũng mờ mờ vì bụi. Đoạn đường nhiều xe tải cày xới nên chi chít ổ gà. Từ ngày bán nước ở đây, ông Quà rất hay nhặt được của rơi, bao giờ ông cũng chờ đợi hoặc nhắn chủ món đồ đến nhận lại. Ông tâm niệm thứ không phải của mình nên trả để nhận về quả phúc. Phần mình ông cứ sống đạm bạc bằng mấy đồng lãi từ quầy nước nhỏ, thế đã đủ thảnh thơi tươi vui.
Hơn chục năm trước, một lần ông nhặt được bọc tiền của chủ một lò gạch xã dưới đánh rơi. Hôm đó, chủ lò đi thanh toán tiền, dùng mảnh bao tải rách bọc số tiền treo ở xe máy, rồi đi uống rượu, lúc về vô tình đánh rơi. Chủ lò từng la cà vài bận ở quầy nước, lạ gì. Ông tức khắc nhờ người báo đến nhận lại. Lúc nhận lại bọc tiền, chủ lò phốp pháp giọng lớn, rưng rưng cảm ơn, tặng một món nhưng ông từ chối. Cuối cùng ông cũng phải nhận lại một tờ gọi là tượng trưng để chủ lò vui.
Chừng một tuần sau, ông nhặt được gói đựng hơn ba cây vàng, rồi sau nữa là một gói tiền buộc ngang bằng dây rơm khô. Còn ví đựng tiền, đồng hồ đeo tay, dây chuyền, khuyên tai, khăn, mũ, tất tay, gói băng vệ sinh chưa bóc… thường xuyên xuất hiện trước mắt ông. Có ngày nhặt được vài lần. Người này truyền tai người kia đến hỏi han, xin lại đồ, ngồi lại chuyện trò dăm câu ba điều, uống nước chém gió. Tính ông xởi lởi, không tham nên nhiều người quý. Câu chuyện và hành động của ông có một lực hấp dẫn kỳ lạ.
Thật thà, tốt tính nhưng ông cũng gặp không ít phiền toái. Ông đã sống đến bạc mái tóc, hít bao nhiêu bụi đường, phổi lọc biết bao cánh gió, thế mà có đêm ông nằm mơ về chuyện mình làm phúc mà giật mình thon thót. Ông mơ thấy người ta rơi nhiều quá, vung vãi đầy đường, như lá thu, nhặt chẳng hết, không có thời gian mà tiếp người đến nhận lại đồ. Mỗi người một khuôn mặt, dáng vẻ, nhưng đều giãn nở hớn hở khi được nhận lại. Có người ào đến rồi ào đi, lời cảm ơn cục cằn như ngói vỡ. Một người nhận lại cái ví có rất nhiều giấy tờ quan trọng, nói lời cảm ơn kỹ quá đến phiền hà, rồi buộc ông nhận một chục trứng vịt lộn. Lại có những kẻ tham lam, cố tình nhận nhầm đồ giá trị hơn, có kẻ không mất thứ gì cũng đến hỏi, rồi tỏ ra tức tối, rót muộn phiền cho ông. Như thằng Tỏ chẳng hạn. Nếu không vì lão Rõ, bố thằng Tỏ với ông từng là đồng đội thì ông đã cho nó nắm đấm rồi.
Lại nói về đồng đội cũ. Ông Quà bặt tin lão Rõ từ ngày xuất ngũ, thế rồi tình cờ hai người gặp nhau tại làng Đổng. Thì ra làng Đổng là quê vợ lão Rõ. Quê lão ở mãi miền biển. Bố mẹ lão mất, năm đó tuổi đã khá nhiều nên khi lấy vợ liền gửi rể luôn. Lão Rõ muốn giới thiệu một cô em họ xa về đằng vợ cho ông Quà, gọi là giúp đồng đội cũ có người nâng khăn, sửa túi. Ông Quà cũng nghĩ, mình sẽ ngày càng già đi, có một người làm bạn, đỡ đần nhau khi trái gió trở trời cũng tốt. Ông gặp người phụ nữ quá lứa nhỡ thì đó một hai lần, nói chuyện chủng chẳng, lại bị bên ngoài xì xèo đồn thổi nên chẳng đâu vào đâu. Ông rút lui. Lão Rõ phật ý, lại “đi buôn”, rằng ông đã nghèo còn chảnh. Chuyện vặt vãnh đó lọt vào tai, nhưng ông cố gắng làm nó trở nên bé tẻo teo để giữ mối quan hệ đồng đội. Song cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, gia đình cô quá lứa cũng động lòng, thế là xảy ra cãi vã. Ông ốm mất mấy ngày không mở hàng nước vì tổn thương. Điều lạ là từ ngày đó, thằng Tỏ như kẻ mất trí, chốc chốc lại ra quậy ở quầy nước.
Nhưng ông bị lôi vào một bi kịch lớn hơn nhiều. Ngày hè nọ, lúc trưa vắng ông đang nhẩm đọc vè người ta tặng mình thì có người phụ nữ xách theo một cái giỏ tiến đến, ngồi xuống gọi một chén nước trà. Trong giỏ có một đứa trẻ đang ngủ. Ông Quà xởi lởi: “Hai mẹ con định đi đâu, vẫy xe ôm mà đi”. Cô gái cười, nhỏ nhẹ: “Nhà cháu chỉ đến ngã tư phía trước, thăm bác họ, không cần đi xe”. Ông đứng lên, loay hoay đun thêm nước sôi, phòng lát nữa khách đông. Lúc ông quay ra thì cô gái đã biến mất, cái giỏ có đứa trẻ còn ở lại. Nhìn xung quanh không thấy, chừng nửa tiếng sau thì ông rờn rợn trong óc. Toi rồi. Chẳng lẽ… Ông nghĩ, cô ta cố tình bỏ rơi con? Mấy người uống nước lo thay cho ông. Ông ngó vào, đứa bé lim dim mắt, môi nhếch lên như chào. Dân xung quanh bắt đầu chạy ra, ngó nghiêng, xì xào. Có người đoán hay là con ông hàng nước, giờ mẹ nó đến trả? Ông lặng đi, suýt nữa đã mang nó đến gặp chính quyền để tìm cách nhờ vả nhà chùa. Ngồi thần một hồi, ông nghĩ, hay là mình cứ nuôi nó...
Quyết định nuôi đứa bé thật nhanh. Ông được những người vẫn ngồi tỉ tê nước nôi giúp đỡ hoặc tìm người giúp. Không có kinh nghiệm nuôi con trẻ, ông đành nghỉ bán nước, thành ông bố bỉm sữa bất đắc dĩ trong sự bao bọc của nhiều tấm lòng. Ông đặt tên con là Hạnh với mong muốn sau này nó trở thành người tốt nết. Thằng Hạnh được một tuổi thì ông lại “nhặt” được một bé gái. Người ta đặt điều rằng ông hư thân, tằng tịu với người ta để giờ họ lại mang con đến trả. Ông chẳng còn hơi sức mà thanh minh. Cuộc sống đã vất vả, không thể đèo bòng thêm đứa bé đỏ hỏn, ông báo chính quyền, rồi gửi vào chốn cửa Phật.
Khổ nỗi, sau vài ngày trụ trì chùa Đổng tiếp nhận bé gái thì ông lại “nhặt” được một bé nữa. Liên tiếp trong vài tháng, sáu đứa trẻ bị bỏ nơi ông bán nước. Sao chẳng thấy mấy tên nghiện ngập, lũ tham đến nhận con, cưu mang các bé? Ông lại mở lòng làm phúc, gọi người, đỡ đần cưu mang, với hy vọng tình người sẽ là bóng mát chở che cho những thân phận cơ nhỡ, bị bỏ rơi giữa bụi đường. Bọn trẻ đâu có lỗi.
*
Nhoáng một cái thằng Hạnh đi mẫu giáo, mặt tươi như hoa, suốt ngày bi bô. Giờ ông cảm thấy ở bên nó là diễm phúc. Nó làm vui cửa, vui nhà. Trong sâu thẳm, ông cảm thấy nó là đứa trẻ trời ban cho mình để làm chỗ dựa sau này. Một vài đêm, vắt tay lên trán, ông chợt lo sợ một ngày nào đó mẹ thằng bé tìm đến xin lại con. Lúc đó ông phải làm sao?
Cả chặng đường gà trống nuôi con thiên hạ, ông thấy mình đã thấm chữ nhẫn. Ông trải qua bao sương gió, vất vả, chịu điều tiếng để mang về cho nhà chùa hơn hai mươi đứa trẻ bị bỏ rơi ngoài đường
Hôm ấy, ngoài quầy nước, mấy tên xăm trổ đầy mình, bụng phưỡn, đội mũ đen, đeo kính đen đến vờ vịt đòi đồ. Một luồng sát khí tỏa ra xung quanh. Chúng nói vừa làm rơi hôm qua, khôn hồn thì trả lại. Ông Quà ngớ người, nghĩ đang gặp chuyện chẳng lành. “Các anh vừa bảo làm rơi mấy gói như bao thuốc lá à, tôi không nhặt được”. Bọn chúng vây quanh, bảo lão già tham của, không trả lại đồ sẽ cho biết mặt. Một thằng rút sẵn con dao nhọn, lăm lăm sát khí. Ớn lạnh chạy dọc sống lưng ông. Người đi đường không ai dừng lại. Làm sao bây giờ?. “Điếc hay sao hả lão kia? Có nôn đồ ra không?”. “Tôi đã bảo không nhặt được”. Thằng béo nhất hất hàm. Trong nháy mắt, thằng đeo dây chuyền vàng to như ngón tay đấm vào mặt ông Quà một cú như trời giáng, khiến ông ngã xuống, choáng váng. Những tên còn lại đập phá tan tành mọi thứ...
*
Sau khi xuất viện, ông đưa con về quê tá túc, nương nhờ lòng tốt của anh em, họ hàng. Một hôm, lão Rõ tìm về tận nơi ông Quà dưỡng tâm đề trò chuyện, nói lời xin lỗi, rằng trước đây đã có những hiểu lầm. Lão Rõ mang chuyện của nhóm xã hội đen đến nữa. Thì ra, bọn chúng cố tình vu vạ, đánh đập nhằm chiếm chỗ ông Quà bán hàng. Mấy tên xã hội đen cử năm sáu tên túc trực, bán nước, quan sát, nhưng ở đường vẫn chỉ là cát sỏi và khói bụi. Lão Rõ tỏ ý muốn mời ông Quà tiếp tục đi bán trà, nhưng là một góc chợ ở quận trung tâm thành phố. Ông Quà nhận lời. Ông nhớ những mùa sương chùng chình qua đường. Việc bán nước trở thành định mệnh của cuộc đời, một niềm mê thích của ông.
*
Người phụ nữ ăn mặc sang trọng, nước hoa thơm nức tiến lại, ngồi xuống ghế. Chị ta nhìn ông, gọi một chén trà nóng. Ông Quà đưa nước cho chị, rồi thoáng giật mình. Đúng là đôi mắt năm đó, long lanh to đen. Đây chắc là mẹ đẻ của thằng Hạnh rồi. Sau vài hớp nước, chắc để định thần, người phụ nữ cất lời.
- Cháu chào chú. Hôm nay cháu gặp chú là xin thưa với chú một chuyện, mong chú thông cảm và bỏ qua cho cháu. Cháu chính là mẹ đẻ của thằng cu mà mười hai năm trước đã bỏ rơi ở quầy nước của chú.
Ông không kìm được, chặn lại:
- Giờ chị đến đòi con chứ gì? Không được.
Người phụ nữ từ tốn, đôi mắt long lanh cầu khẩn:
- Dạ, không phải thế ạ. Chú cứ để cho cháu nói hết đã ạ. Lúc đầu thì cháu cũng định đến xin chú cho phép cháu đưa con về nuôi. Cháu đã rất ân hận vì dại dột mà bỏ con. Nhưng lúc ấy, hoàn cảnh của cháu không cho phép. Giờ cuộc sống đã ổn hơn. Cháu có hỏi về chuyện của chú. Mọi người cho cháu biết. Chính chú dày công nuôi thằng Hạnh, nhặt được nhiều đứa bé nữa, rồi bỏ tiền hằng tháng dành dụm được để trợ cấp cho bọn trẻ đang được nuôi ở chùa Đổng.
Ông Quà lặng đi. Người phụ nữ trước mặt khóc vì xúc động. Chị tiếp:
- Nghĩ về tấm lòng của chú, cháu chẳng dám xin thằng Hạnh nữa. Chú xứng đáng có nó. Nhưng cháu chỉ xin, thi thoảng cho cháu được đứng từ xa nhìn nó và gửi chút tiền trợ cấp hằng tháng.
Lòng ông được cởi mở, nhẹ nhõm...
- Chuyện đã như thế này thì tôi cũng chẳng từ chối được. Chị vẫn là mẹ nó. Thi thoảng, chị cứ gặp, đợi nó lớn lên chút nữa, chúng ta sẽ nói rõ sự thật, rồi để tự nó ứng xử. Tôi tin mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi.
Người phụ nữ trao ông một gói tiền, nói là góp một chút cho thằng Hạnh ăn học và để ông chu cấp cho bọn trẻ đang sống ở chùa Đổng. Ông hơi chần chừ, rồi cũng nhận lấy. Người phụ nữ quý phái bước lên chiếc xe con, rồi hẹn một ngày xin được gặp con.