Tinh giản 'cơ học' sẽ gây thiếu người ở những nơi quan trọng
Khu vực công ở Việt Nam nơi thừa, chỗ thiếu người, nếu áp dụng giảm biên chế một cách cơ học sẽ gây quá tải tại những nơi quan trọng.
Ý kiến được giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Mỹ), đưa ra tại hội thảo khoa học "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề đặt ra cho TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ" do Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện nghị quyết 98 và Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh (HIDS) tổ chức sáng 23/12.
Theo chuyên gia này, Việt Nam đang tập trung vào giảm số lượng người làm trong khu vực công để tinh gọn bộ máy, chống lãng phí. Tuy nhiên, khu vực công đang có chỗ thừa và chỗ thiếu người, nếu thực hiện giảm biên chế một cách cơ học sẽ dẫn đến quá tải công việc ở những cơ quan quan trọng.
Do đó, giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Anh khuyến nghị nên áp dụng khoa học quản trị để xác định xem chỗ nào nên cắt giảm, chỗ nào cần tăng. Đơn cử như TP Hồ Chí Minh khi định hướng sáp nhập sở cần làm rõ phòng chức năng nào quan trọng để sắp xếp theo thứ tự. Để làm được, ngay từ bây giờ phải có tổ rà soát, chỗ nào hiệu quả, phần nào gây lãng phí để làm căn cứ sắp xếp.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cần xây dựng hệ thống đáng tin cậy làm nhiệm vụ thu thập ý kiến của người dân toàn diện, biết những chính sách nào đang tắc, chỗ nào phục vụ dân có vấn đề để giải quyết ngay. "Nếu không có phương pháp, phân tích quản trị hiệu quả mà cắt cơ học thì sắp tới TP Hồ Chí Minh sẽ quá tải", ông Ngọc Anh nói.
Ở cấp quốc gia, chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể lập một hội đồng tư vấn về hiệu quả và chống lãng phí gồm các chuyên gia độc lập và uy tín, nhằm đánh giá hiệu quả và lãng phí tạo ra bởi từng quy định và từng cơ quan nhà nước. Dẫn ví dụ của Mỹ, ông Trần Ngọc Anh cho rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump dự định thành lập Cơ quan hiệu quả chính phủ, đứng đầu bởi tỷ phú Elon Musk và Vivek Ramaswamy, nhằm loại bỏ những cơ quan nhà nước kém hiệu quả, gây lãng phí.
Giáo sư Trần Ngọc Anh là thành viên sáng lập và hiện là Cố vấn của Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam (Vietnam Initiative). Ông đã học tập và công tác tại nhiều quốc gia như Nga, Pháp, Úc và Mỹ. Ông nhận bằng tiến sĩ Chính sách công tại Đại học Harvard năm 2009 và từng giảng dạy tại Harvard từ năm 2014-2015. Năm 2014, giáo sư Trần Ngọc Anh đạt danh hiệu giảng viên trẻ xuất sắc của Đại học Indiana.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Hoàng Văn Tú, Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh cho rằng khi tinh giản thành phố cần rà soát và tái cơ cấu bộ máy theo nguyên tắc khoa học và thực tiễn. Đầu tiên là rà soát toàn diện chức năng và nhiệm vụ của các đơn vị hành chính, nhận diện những phần việc chồng chéo, từ đó hợp nhất hoặc loại bỏ các tổ chức không cần thiết. Việc này không chỉ giúp tăng cường hiệu quả mà còn giảm thiểu xung đột quyền hạn.
Tiến sĩ Tú cũng cho rằng cải cách bộ máy hành chính không thể tách rời khỏi sự hỗ trợ của trung ương. TP Hồ Chí Minh cần chủ động kiến nghị sửa đổi hoặc bổ sung các quy định pháp lý chưa phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tinh giản.
Việc phân cấp quản lý từ trung ương xuống địa phương cũng cần được thúc đẩy để tăng tính tự chủ và linh hoạt trong việc triển khai các sáng kiến cải cách hành chính. Đồng thời, thành phố có thể học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình quản lý đô thị thông minh trên thế giới và điều chỉnh áp dụng sao cho phù hợp với bối cảnh địa phương.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế (Ban kinh tế Trung ương) nói khi tinh gọn bộ máy phải có chính sách thu hút người tài đủ tâm, tầm và tạo cơ chế động lực để họ yên tâm làm việc, cống hiến. "Đây là điều cực kỳ quan trọng của quá trình tinh gọn. Công chức được hưởng lương 6 triệu đồng hàng tháng thì khó mà đủ tâm huyết để xây dựng kiến tạo", ông Tú Anh nói.
Tương tự, giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Anh cũng cho rằng muốn có đội ngũ cán bộ ưu tú, ít nhất phải bảo đảm lương đủ sống. Đồng thời, cần có hệ thống đánh giá công việc - là cơ sở để khen thưởng và bổ nhiệm công bằng, biến kết quả công việc thành động lực. Bên cạnh đó, để cán bộ có môi trường sáng tạo thì luật pháp cần rõ ràng, cần có quy định cho phép thí điểm và phải tạo được niềm tin là cán bộ sẽ được bảo vệ khi sáng tạo.
Trước đó, để sắp xếp, tinh gọn bộ máy trên cơ sở gợi ý của Ban Chỉ đạo Trung ương, TP Hồ Chí Minh định hướng sáp nhập 10 sở, kết thúc hoạt động 2 sở, chuyển các ban quản lý từ đơn vị hành chính thành đơn vị trực thuộc UBND thành phố. Theo phương án này, thành phố sẽ giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính.