Tài chính - Ngân hàng

Ngân hàng không 'nhớ hộ' mật khẩu đăng nhập, người dùng phải làm gì?

VN (tổng hợp) 23/12/2024 15:26

Theo quy định mới, từ đầu năm 2025, app ngân hàng không ghi nhớ mật khẩu đăng nhập của khách hàng.

mat-khau-ngan-hang.jpg
Chủ tài khoản ngân hàng cần chuẩn bị một số biện pháp để thích ứng và bảo đảm an toàn, bảo mật cho các giao dịch trực tuyến của mình

Điều 8, Thông tư 50/2024/TT-NHNN với nhiều quy định về an toàn, bảo mật cho cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành ngân hàng sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.

Đặc biệt, tại khoản 2 điều 8 quy định: “Không cho phép chức năng ghi nhớ mã khóa bí mật truy cập”. Quy định này khiến nhiều người lo lắng.

Anh Lê Hoàng Minh (quận Vĩnh Tuy, Hà Nội) nói: "Tôi vốn đã quen với việc ngân hàng ghi nhớ giúp mật khẩu mỗi khi đăng nhập nên từ lâu không quan tâm đến việc phải nhớ mật khẩu. Điều này rất thích hợp với những người bận rộn như tôi. Nhưng khi biết sắp tới ứng dụng ngân hàng không còn chức năng ghi nhớ mật khẩu đăng nhập nữa, tôi lo rằng nếu chưa quen và lỡ quên mã khóa thì có thể gặp khó khi cần thực hiện các giao dịch gấp. Nguy hiểm hơn là tài khoản có thể bị tạm khóa nếu tôi nhập sai nhiều lần".

Tương tự, chị Hương (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết việc ngân hàng ghi nhớ mật khẩu đăng nhập đã giúp chị thực hiện các giao dịch online một cách nhanh chóng và dễ dàng. Khi biết về quy định mới, chị Hương đang loay hoay tìm cách ghi chú mật khẩu ngân hàng\mà vẫn bảo đảm được an toàn. "Đặt mật khẩu bằng những con số dễ nhớ thì lại dễ bị phát hiện. Còn đặt mật khẩu cầu kỳ thì lại khó nhớ. Tôi cũng đang chưa biết làm như thế nào cho vẹn cả đôi đường. Chắc phải ghi ra để nếu bị quên thì vẫn có thể tra lại được", chị Hương nói.

Theo khuyến cáo của ngành ngân hàng, sau khi quy định mới có hiệu lực từ 1/1/2025, chủ tài khoản cần chuẩn bị một số biện pháp để thích ứng và bảo đảm an toàn, bảo mật cho các giao dịch trực tuyến của mình, gồm:

Sao lưu mã khóa bí mật: Người dùng nên sao lưu mã khóa bí mật truy cập của mình ở một nơi an toàn. Ví dụ, có thể ghi chép mã khóa vào một cuốn sổ bảo mật hoặc sử dụng các ứng dụng quản lý mật khẩu uy tín. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng truy cập khi cần mà không phải lo lắng về việc quên mã khóa.

Cập nhật thông tin liên lạc với ngân hàng: Cần bảo đảm rằng thông tin liên lạc của bạn với ngân hàng (email, số điện thoại) được cập nhật đầy đủ và chính xác. Điều này giúp ngân hàng liên hệ với bạn kịp thời trong trường hợp cần xác nhận danh tính hoặc hỗ trợ khi bạn gặp vấn đề với mã khóa bí mật.

Sử dụng sinh trắc học: Thao tác đăng nhập thông qua bảo mật sinh trắc học như vân tay, khuôn mặt là một trong những phương pháp đăng nhập thay thế tốt, những phương pháp này đang áp dụng những công nghệ tiên tiến hơn, an toàn và tiện lợi. Bên cạnh để đăng nhập ứng dụng, công nghệ sinh trắc học còn được sử dụng cho các giao dịch chuyển khoản, xác định tài khoản chính chủ.

Sử dụng phương thức xác thực bổ sung khác: Nhiều ngân hàng cung cấp các phương thức xác thực bổ sung như mã OTP (One-Time Password), xác thực hai yếu tố (2FA) để tăng cường bảo mật. Hãy kích hoạt và sử dụng những tính năng này để bảo đảm an toàn khi giao dịch trực tuyến.

Ngoài ra, người dùng nên thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ ngân hàng với những gợi ý sau:

Kiểm tra tài khoản thường xuyên: Dành thời gian kiểm tra tài khoản ngân hàng thường xuyên để phát hiện kịp thời bất kỳ hoạt động bất thường nào. Điều này giúp bạn nhanh chóng phản ứng và liên hệ với ngân hàng nếu phát hiện dấu hiệu gian lận.

Thực hiện giao dịch tại nhà riêng: Cố gắng thực hiện các giao dịch tài chính tại nhà hoặc ở nơi an toàn, tránh sử dụng mạng Wifi công cộng để giảm nguy cơ bị tấn công mạng.

Lập tức liên hệ ngân hàng: Nếu gặp khó khăn trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến hoặc quên mã khóa, hãy liên hệ ngay với ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời.

VN (tổng hợp)