Quốc phòng

9 vị tướng tài của Quân đội nhân dân Việt Nam

VN (theo VnExpress) 22/12/2024 06:39

Chân dung và hình ảnh đời thường của 9 vị tướng từng chỉ huy hàng loạt trận đánh lớn trong các cuộc kháng chiến được trưng bày tại triển lãm ở nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.

Di tích nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) đang trưng bày ảnh tư liệu Gan vàng dạ sắt, tóm lược hành trình 80 năm của Quân đội nhân dân Việt Nam và chân dung 9 vị tướng tài.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được các thế hệ yêu mến gọi là "anh cả" của toàn quân. Ảnh bên trái chụp lúc ông 19 tuổi, bị Pháp giam tại nhà lao Thừa Phủ (Huế), ảnh phải là thầy giáo Giáp dạy lịch sử tại Trường tư thục Thăng Long (Hà Nội).

Mang hàm đại tướng lúc 37 tuổi, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam từng trực tiếp dẫn dắt toàn quân trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, tạo bước ngoặt kết thúc chiến tranh chống Pháp, Mỹ.

"Nếu không trở thành người lính, tôi có thể là một giáo viên, một nhà triết học hoặc lịch sử", đại tướng từng trả lời nhà sử học Mỹ Stanley Karnow trong cuộc phỏng vấn tại nhà riêng năm 1990. Nhiều chuyên gia quân sự trong nước lẫn thế giới đánh giá đại tướng là "người toàn tài trong thời chiến lẫn thời bình".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đại biểu quân đội tại kỳ họp Quốc hội khóa 6 tháng 7/1976. Kỳ họp Quốc hội đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất đã thông qua nghị quyết về tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô và Quốc ca.

Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam qua đời ngày 4/10/2013 khi vừa bước sang tuổi 103. Ông được an táng tại quê nhà Quảng Bình. Căn nhà số 30 Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội), nơi ông sống cùng gia đình thuở sinh thời nhiều năm qua vẫn là địa chỉ thăm viếng của các cựu chiến binh, quân nhân mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên, ngày 22/12...

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tên thật Nguyễn Vịnh (phải) nổi tiếng với chiến thuật "Nắm thắt lưng địch mà đánh". Trong ảnh, ông Nguyễn Chí Thanh, lúc là Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Chính ủy Quân giải phóng miền Nam, cùng trung tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, nghe báo cáo tại Bộ chỉ huy miền năm 1966.

Ông từng phụ trách nông nghiệp những năm 1960-1964 trước khi lên đường vào Nam chiến đấu.

Tướng Nguyễn Chí Thanh và con gái Nguyễn Thanh Hà ở chiến khu Việt Bắc năm 1952. "Ba là đại tướng, chúng tôi khi đó còn chưa hiểu gì về sự nghiệp và tài chỉ huy quân sự của ông. Chỉ có điều ai cũng biết quân đội là sự nghiệp, là lẽ sống, là máu thịt, là niềm say mê và tình yêu của ông. Mẹ là bộ đội, chị em gái tôi đều vào bộ đội khi vừa tốt nghiệp lớp 10. Còn Vịnh, ba luôn bảo rằng khi lớn lên con đường của Vịnh là bộ đội", triển lãm dẫn lời bà Thanh Hà kể lại.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, con trai út của ông, từng giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng.

Đại tướng Văn Tiến Dũng - người đã kinh qua các nhà ngục Hỏa Lò, Sơn La, Bắc Ninh những năm 1940-1944. Ông từng cải trang thành nhà sư tại chùa Bột Xuyên (Hà Tây cũ) tháng 1-8/1943 để tránh tai mắt thực dân và hoạt động cách mạng.

Đại tướng Văn Tiến Dũng, khi là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng), đi thị sát và chỉ huy bộ đội chiến đấu tại Ninh Bình năm 1952. Ông từng được cử làm Trưởng đoàn Đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh tham gia Hội nghị quân sự Trung Giã, tháng 7/1954. "Cuộc đàm phán" chính thức đầu tiên của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam với Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng Liên hiệp Pháp tại Đông Dương nhằm thỏa thuận biện pháp hiện thực hóa quy định của hội nghị Geneve về ngừng bắn, tập kết chuyển quân, trao trả tù binh...

"Trên bàn đàm phán, chúng ta là tân binh. Nhưng với ý chí cố gắng thực hiện nhiệm vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Tổng quân ủy giao, chúng ta sẽ thành cựu binh", ông nói trước khi vào hội nghị.

Sau này, ông tham gia chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn như Đường 9 - Nam Lào năm 1971, chiến dịch Trị Thiên 1972, chiến dịch Tây Nguyên 1975 và là Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đại tướng Văn Tiến Dũng gặp nhau sau ngày đất nước thống nhất, tháng 5/1975. Trong chiến dịch mùa xuân 1975, đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo, còn đại tướng Văn Tiến Dũng là Tư lệnh chiến dịch. Hai vị tướng từng là Bộ trưởng Quốc phòng.

Trung tướng Vương Thừa Vũ, người con trai của Hà Nội trong ngày trở về tiếp quản Thủ đô 10/10/1954. Ông là Đại đoàn trưởng Đoàn 308 (Đại đoàn quân Tiên Phong), đơn vị bộ binh chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

"Khi luyện tập, nếu tiến quân sai có thể ra lệnh lại, làm lại và đổ vài giọt mồ hôi. Nhưng trong chiến đấu, tiến quân sai có khi không có điều kiện làm lại nữa, hoặc tiến quân lại được thì máu xương cũng đổ rồi. Do vậy, đã là chỉ huy, dù chỉ huy mấy người cũng nhất thiết phải rèn luyện lập trường, tư tưởng, rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật và học tập công tác tổ chức, chỉ huy", trích lời tướng Vương Thừa Vũ.

Thượng tướng Song Hào, người có nhiều đóng góp cho công tác Đảng, công tác chính trị của quân đội. Ông từng là Chính ủy Đại đoàn 308 thời chống Pháp, Chính ủy mặt trận Quảng Trị những năm đánh Mỹ.

Sinh thời, ông coi công tác chính trị là nhiệm vụ trọng tâm và nhấn mạnh "bản lĩnh cán bộ chỉ huy trước hết phải thể hiện ở tinh thần chiến đấu, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần đoàn kết hiệp đồng. Bản lĩnh cán bộ chỉ huy phải thể hiện ở trình độ hiểu biết quân sự phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu và thực tiễn đòi hỏi của chiến trường".

Thượng tướng Đinh Đức Thiện (người đứng thứ nhất từ phải sang) - "anh cả" của ngành vận tải quân sự. Ông góp công lớn trong xây dựng đường ống dẫn xăng dầu Trường Sơn hơn 5.000 km xuyên lòng đất từ biên giới Việt Trung tới tận Bình Phước, chi viện cho chiến trường và bộ đội tác chiến trong các chiến dịch.

Trong ảnh, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện chỉ đạo làm container bằng tre dùng cho ôtô vận tải đường dài thuận tiện trong xếp dỡ, tháng 1/1973.

Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên (bên trái) và Chính ủy Vũ Xuân Chiêm tại Sở chỉ huy tiền phương tháng 11/1971.

Trung tướng Vũ Xuân Chiêm là tướng hậu cần của đường Trường Sơn huyền thoại. "Bát quái trận" xuyên rừng với 5 trục dọc, 21 trục ngang, tổng chiều dài 20.000 km phủ kín dãy Trường Sơn cả bên đông lẫn bên tây, đưa hơn hai triệu bộ đội vào Nam ra Bắc dưới bom đạn, khiến quân Mỹ "không cách nào ngăn cản nổi". Từng giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, ông cùng toàn ngành bảo đảm kịp thời nhân lực, vũ khí, hậu cần cho chiến trường miền Nam năm 1975. Sau ngày đất nước giải phóng, ông làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần rồi Thứ trưởng Quốc phòng.

Ảnh đời thường của gia đình thiếu tướng Trần Tử Bình năm 1960 - người có nhiều đóng góp trên mặt trận quân sự lẫn ngoại giao. Ông từng tham gia phong trào công nhân đồn điền cao su Phú Riềng, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 tại Hà Nội và sau này giữ trọng trách trong chính quyền lẫn quân đội. Năm 1959, ông là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc kiêm Đại sứ tại Mông Cổ.

Ông Trần Việt Trung, con trai thiếu tướng Trần Tử Bình, kể: "Trong buổi tiễn cha tôi làm Đại sứ, Cụ Hồ đã nói trước là tướng quân trên mặt trận quân sự, bây giờ chú là tướng quân trên mặt trận ngoại giao".

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (thứ ba từ trái sang), người con đất Quảng Nam đã đồng hành cùng quân đội từ những ngày đầu thành lập cho đến hôm nay. Ông từng "tiên phong lĩnh ấn" nhiều vị trí trong và ngoài quân. Trong Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, ông là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam, trải qua nhiều chức vụ trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ, tới Chính ủy quân tình nguyện và Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào.

Ở tuổi 104, ông vẫn tham gia nhiều hoạt động. Hồi tháng 9, thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương đại diện Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp đỡ Lào gặp mặt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam; tham quan triển lãm tại Nhà tù Hỏa Lò giữa tháng 12...

Triển lãm sẽ diễn ra đến hết tháng 12.

VN (theo VnExpress)