Nhà đất

Hơn 1.000 dự án ở Hà Nội vướng phương án bồi thường

T.H (theo VnExpress) 21/12/2024 18:15

Chênh lệch giá đất đền bù theo Luật Đất đai 2024 và luật năm 2023 dẫn tới phát sinh vướng mắc trong hơn 1.000 dự án trên địa bàn Hà Nội.

du-an-nha.jpg
Tuyến đường 500 tỷ nối đường Cienco 5 với quốc lộ 21B ở huyện Thanh Oai, Hà Nội

Tại hội nghị Tổng kết 2024 và triển khai nhiệm vụ 2025, sáng 21/12, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 1.000 dự án dở dang đã thực hiện thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một phần theo Luật Đất đai 2013, phần diện tích còn lại sẽ thực hiện theo Luật Đất đai 2024.

Theo cơ quan quản lý, thực tế này đã dẫn đến một số vướng mắc như chính sách giải phóng mặt bằng trong cùng một dự án không đồng nhất, người được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2024 cơ bản có lợi hơn.

Cùng với đó, nhiều dự án thông báo thu hồi đất đã quá 12 tháng theo quy định của Luật Đất đai 2024, không thuộc trường hợp chuyển tiếp cũng phát sinh vướng mắc.

Nhiều dự án đã được UBND quận, huyện, thị xã thực hiện các bước như điều tra kiểm đếm và tài sản trên đất; xác nhận nguồn gốc sử dụng đất lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức niêm yết công khai phương án theo quy định của Luật Đất đai 2013 nhưng chưa quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

"Nếu thực hiện theo quy định của Luật Đất đai 2024 sẽ phát sinh rất nhiều khó khăn về thời gian, tiến độ, chi phí", Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết.

Để tháo gỡ, TP Hà Nội đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến với Chính phủ và các cơ quan trung ương cho phép thành phố sử dụng tài liệu đã thực hiện như kết quả đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất để triển khai các bước tiếp theo với các dự án đã thực hiện đầy đủ các quy trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2013.

Đối với các trường hợp áp dụng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành mà các chính sách cơ bản không thay đổi và được sự đồng tình của hộ dân thì thực hiện ngay các bước theo quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Những trường hợp sau khi rà soát, quyền lợi của người bị thu hồi đất phát sinh tăng có lợi cho người bị thu hồi đất theo Luật Đất đai 2024 thực hiện điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phê duyệt theo quy định.

Trường hợp chính sách theo Luật Đất đai 2013 và chính sách đặc thù khác đã được UBND thành phố chấp thuận có lợi hơn cho người có đất bị thu hồi thì cho phép áp dụng chính sách có lợi hơn đã được chấp thuận.

Bảng giá đất điều chỉnh của Hà Nội có hiệu lực từ 20/12 đến hết năm 2025. Trong đó, giá đất ở có mức cao nhất là hơn 695,3 triệu đồng một m2 với các thửa mặt đường tại loạt phố của quận Hoàn Kiếm. Mức này gấp gần 3,7 lần bảng giá cũ.

Còn đất ở mặt đường thuộc các tuyến phố của ba quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ tăng bình quân 225%. Tương tự, vị trí này ở 5 quận Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm cũng được điều chỉnh cao hơn bình quân 210%. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nhìn chung, giá đất ở theo bảng mới tăng bình quân 150-270%.

Các mức điều chỉnh này được Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra trên cơ sở điều tra, khảo sát giá chuyển nhượng thực tế hai năm qua. Cơ quan này thu về hơn 20.740 phiếu khảo sát tại 30 quận, huyện và 579 xã, phường, thị trấn.

T.H (theo VnExpress)