Những hệ lụy khi Chính phủ Mỹ đóng cửa
Hạ viện Mỹ đã bác dự luật tài trợ được các nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đưa ra, khiến Chính phủ Mỹ lại một lần nữa đứng trước nguy cơ bị đóng cửa.
Nếu dự luật trên được thông qua, Chính phủ Mỹ sẽ được gia hạn các khoản tài trợ đến giữa tháng 3/2025 nhằm duy trì ngân sách liên bang ở mức hiện nay khoảng 6.200 tỷ USD, cung cấp tài chính cho các chương trình quân đội, kiểm soát viên không lưu cũng như các cơ quan giám sát liên bang. Tuy nhiên, với 174 phiếu ủng hộ và 235 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 19/12 (giờ địa phương) đã bác bỏ dự luật. Đến nay, Quốc hội Mỹ cũng chưa có kế hoạch rõ ràng để ngăn chặn nguy cơ Chính phủ Mỹ đóng cửa.
Nếu các nhà lập pháp không ban hành tất cả hoặc một số dự luật phân bổ ngân sách, nhiều hoạt động của Chính phủ sẽ bị đình trệ, dẫn đến việc Chính phủ phải đóng cửa toàn bộ hoặc một phần cho đến khi Quốc hội hành động. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn tiếp tục vận hành các chức năng thiết yếu.
Mỗi cơ quan liên bang đưa ra một kế hoạch dự phòng trong đó nêu rõ chức năng nào sẽ tiếp tục trong thời gian ngừng hoạt động và chức năng nào sẽ dừng, cũng như bao nhiêu nhân viên sẽ tiếp tục làm việc và bao nhiêu người sẽ bị cho nghỉ phép cho đến khi việc đóng cửa kết thúc.
Những tác động đến người dân khi Chính phủ Mỹ đóng cửa
Việc nhiều nhân viên liên bang nghỉ việc trong thời gian Chính phủ đóng cửa, nhiều dịch vụ công sẽ bị tạm dừng hoặc chậm trễ khiến cuộc sống thường ngày của người dân sẽ bị xáo trộn. Trong đó, do thiếu hụt về nhân viên an ninh hàng không và kiểm soát không lưu, số chuyến bay bị chậm sẽ tăng lên. Tòa án di trú có thể đóng cửa, khiến hồ sơ tồn đọng tăng lên. Việc kiểm tra an toàn thực phẩm của Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm (FDA) có thể bị gián đoạn. Việc xây dựng các công trình giao thông trên toàn quốc có thể bị đình trệ. Nhiều công viên quốc gia sẽ đóng cửa, mặc dù một số công viên vẫn có thể tiếp cận được với dịch vụ hạn chế dành cho du khách
Tuy nhiên, các khoản thanh toán an sinh xã hội cho người yếu thế trong xã hội như người cao tuổi, người khuyết tật vẫn sẽ được phân bổ. Bưu điện cũng sẽ hoạt động bình thường. Một số bang sẽ sử dụng quỹ riêng của mình để tiếp tục mở cửa một số công viên quốc gia.
Nhân viên nhà nước ở Mỹ sẽ bị tác động như thế nào?
Khi tình trạng Chính phủ đóng cửa xảy ra, hàng triệu nhân viên liên bang và quân nhân không được trả lương cho đến khi lệnh đóng cửa kết thúc.
Tuy nhiên, những nhân viên “thiết yếu” làm việc trong các lĩnh vực bảo vệ an ninh công cộng hoặc an ninh quốc gia, vẫn tiếp tục làm việc. Ở chiều ngược lại, những nhân viên không thiết yếu sẽ bị cho nghỉ phép hoặc tạm thời bị đình chỉ công việc.
Dù vậy, cả hai nhóm trên đều phải rút tiền tiết kiệm hoặc tìm những cách khác để tiếp tục chi tiêu, không chỉ cho đến khi tình trạng Chính phủ đóng cửa kết thúc, mà còn cho đến khi Chính phủ có tiền chi trả. Số lượng công nhân bị ảnh hưởng tùy thuộc vào việc Chính phủ đóng cửa toàn bộ hay một phần. Nếu một số dự luật phân bổ ngân sách được thông qua đúng hạn, các cơ quan liên bang tương ứng sẽ có nguồn ngân sách được phê duyệt và tiếp tục hoạt động như bình thường, dẫn đến việc Chính phủ chỉ đóng cửa một phần.
Khi Chính phủ bị đóng cửa, các nhà thầu Chính phủ sẽ đối diện với viễn cảnh còn tồi tệ hơn. Các nhà thầu “không có bảo đảm” sẽ chỉ được nhận tiền khi Chính phủ mở cửa trở lại. Số lượng công nhân làm việc cho nhà thầu cung cấp dịch vụ cho Cơ quan Hàng không vũ trụ quốc gia (NASA), Bộ An ninh Nội địa, Cục Hàng không Liên bang và các cơ quan liên bang khác lên tới hàng triệu người.
Chính phủ Mỹ đóng cửa tác động như thế nào đến nền kinh tế
Ở quy mô quốc gia, việc Chính phủ đóng cửa có thể gây ra những hậu quả kinh tế sâu rộng, là lực cản cho tăng trưởng và kéo theo sự bất ổn, đặc biệt nếu kéo dài. Việc này có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp và chi phí vay tăng lên, trong khi tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm xuống. Theo ước tính, mỗi tuần Chính phủ Mỹ đóng cửa có thể khiến nền kinh tế nước này thiệt hại tới 6 tỷ USD.
Việc Chính phủ đóng cửa cũng khiến cho nước này khó có điều kiện để đánh giá được tình hình “sức khỏe” của nền kinh tế. Khi đó, cơ quan Thống kê Lao động ngừng công bố dữ liệu, chẳng hạn như các số liệu chính về lạm phát và thất nghiệp, khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc hiểu rõ nền kinh tế và đưa ra quyết định liên quan.
Hoạt động kinh doanh cơ bản trên khắp nước Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Chính phủ Mỹ có thể tạm dừng các chương trình cho vay, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các doanh nghiệp. Mặt khác, việc thành lập mới, sáp nhập các doanh nghiệp cũng sẽ trở nên khó khăn hơn khi các cơ quan công quyền không có đủ nhân viên để xử lý hồ sơ.