Tinh gọn bộ máy đâu phải việc bất ngờ
Lợi dụng chủ trương tinh gọn bộ máy của Đảng, Nhà nước ta, các thế lực thù địch đang ra sức chống phá, rêu rao rằng việc này làm bí mật, bất ngờ.
Trong khi toàn Đảng, toàn dân ta đang tích cực triển khai chủ trương tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị thì thế lực thù địch lại đưa ra quan điểm, thông tin sai trái rằng lần sắp xếp bộ máy này, Đảng và Nhà nước ta làm ''giật cục'', bí mật, gây bất ngờ, thiếu sự chuẩn bị, gây hoang mang trong xã hội.
Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng nhằm xuyên tạc, bôi nhọ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, hòng cản trở sự đổi mới hệ thống chính trị, cũng chính là ngăn cản con đường phát triển của dân tộc Việt Nam trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình.
Đáng buồn thay, một số cá nhân thiếu hiểu biết, cho rằng mình bị ảnh hưởng đến quyền lợi trong đợt tinh gọn bộ máy này lại hùa theo, phụ họa với quan điểm sai trái đó.
Vậy chủ trương tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” có phải là bí mật, bất ngờ, là chuyện mới làm không?
Rõ ràng là không, bởi Nghị quyết số 18 được Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thảo luận kỹ lưỡng và quyết định ban hành ngày 25/10/2017. Thực hiện một bản nghị quyết đã ban hành cách đây hơn 7 năm mà gọi là bí mật, bất ngờ, bị động… thì có ai tin.
Hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 đã có những kết quả bước đầu. Các cấp, ngành, địa phương trong cả nước đang tiến hành tổng kết việc thực hiện và nhiều nơi đã công bố những số liệu đáng tin cậy.
Nhìn tổng thể, như Tổng Bí thư Tô Lâm và nhiều lãnh đạo chủ chốt của đất nước đã chỉ ra, việc thực hiện Nghị quyết số 18 đã bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại...
Một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.
Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển. Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp điều kiện mới là trái với quy luật phát triển…
Đất nước ta đang đứng trước vận hội lớn để phát triển vượt bậc. Không kịp thời nắm bắt cơ hội này, dân tộc sẽ tụt hậu. Nếu hệ thống chính trị không được đổi mới kịp thời thì sẽ tạo lực cản. Do đó khẩn trương, kiên quyết thực hiện Nghị quyết số 18 thể hiện quyết tâm, tầm nhìn, khát vọng của toàn Đảng, toàn dân để nắm bắt vận hội cho đất nước phát triển, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình.
Thế mới thấy luận điệu cho rằng Đảng và Nhà nước ta thực hiện tinh gọn bộ máy là ''giật cục'', bí mật, gây bất ngờ, thiếu sự chuẩn bị là vô căn cứ.
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” xác định: Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kiên quyết giảm và không thành lập mới các tổ chức trung gian; giải thể hoặc sắp xếp lại các tổ chức hoạt động không hiệu quả. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của các ban bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cán bộ theo hướng chuyển giao cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ cho cơ sở y tế và sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp.
Điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các đảng uỷ khối cơ quan theo hướng tinh gọn tổ chức bộ máy và tập trung vào một số nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đối với các đảng uỷ khối doanh nghiệp, tiếp tục nghiên cứu, tổ chức lại cho phù hợp với điều kiện mới ở cả Trung ương, địa phương nhằm nâng cao tính thực chất và hiệu quả hoạt động.
Nghiên cứu việc giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp. Quy định số lượng với tỷ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, uỷ viên thường trực, uỷ viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội theo hướng giảm số lượng cấp phó và uỷ viên thường trực. Sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong của Văn phòng Quốc hội theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả
Các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng.
Đối với một số lĩnh vực được tổ chức theo ngành dọc, như: Thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội... tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức theo khu vực liên tỉnh hoặc liên huyện để thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế.
Tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như: ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo…