Y tế - Sức khỏe

Người thứ 5 trên thế giới được ghép thận lợn

T.H (theo VnExpress) 18/12/2024 15:10

Towana Looney, 53 tuổi, hồi phục tốt sau ca ghép thận lợn biến đổi gene tại Bệnh viện Đại học New York, giúp bà thoát khỏi 8 năm chạy thận.

ghep-than-lon.png
Towana Looney, 53 tuổi, sau ca cấy ghép thận lợn

Đây là nỗ lực mới nhất nhằm cứu sống người bằng nội tạng động vật. Looney là người Mỹ thứ 5 được ghép nội tạng lợn biến đổi gene. Ca cấy ghép được thực hiện từ tháng 11, song đến ngày 17/12 mới công bố với truyền thông do các bác sĩ muốn theo dõi bệnh nhân một cách chắc chắn.

Đáng chú ý, bà Looney không gặp nhiều vấn đề như những bệnh nhân trước đó. Hầu hết người từng được phẫu thuật cấy ghép khác loài đều đã tử vong trong vòng hai tháng sau khi nhận thận hoặc tim lợn.

Looney mô tả đây là "một khởi đầu mới", đem lại "năng lượng đáng kinh ngạc" cho bà. Ca phẫu thuật của Looney đánh dấu một bước tiến quan trọng, khi giới khoa học chuẩn bị cho các nghiên cứu chính thức về cấy ghép dị chủng, dự kiến bắt đầu vào năm sau, bác sĩ Robert Montgomery, NYU Langone Health, người dẫn đầu quy trình thử nghiệm, cho biết.

Bà Looney hồi phục tốt, xuất viện chỉ 11 ngày sau phẫu thuật và theo dõi sức khỏe tại một căn hộ gần đó. Dù vậy, bà vẫn phải nhập viện lại trong tuần này để điều chỉnh lượng thuốc. Các bác sĩ dự kiến bà sẽ trở về nhà ở Alabama sau ba tháng. Nếu thận lợn bị suy, bà có thể bắt đầu chạy thận nhân tạo lại.

"Thật phi thường khi chứng kiến bà ấy và gia đình có lại niềm hy vọng", tiến sĩ Jayme Locke, bác sĩ phẫu thuật ban đầu của bà Looney, cho biết. Ông và các đồng nghiệp đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho phép thực hiện ca ghép thận vào ngày 25/11.

Mỹ có hơn 100.000 người trong danh sách chờ ghép tạng, hầu hết cần ghép thận. Hàng nghìn người chết trong khi chờ đợi, nhiều người thậm chí không đủ điều kiện làm điều này. Hiện tại, để tìm nguồn cung thay thế, các nhà khoa học đang biến đổi gene lợn để khiến nội tạng của chúng giống người, phù hợp cấy ghép.

Bà Looney đã hiến một quả thận cho mẹ vào năm 1999. Sau đó, bà gặp biến chứng thai kỳ gây huyết áp cao, quả thận còn lại bị hỏng, cuối cùng dẫn đến suy thận. Rất hiếm khi người hiến tạng sống bị suy thận. Họ là nhóm được ưu tiên đặc biệt trong danh sách chờ ghép.

Tuy nhiên, Looney không thể tìm được người hiến thận phù hợp. Bà có các kháng thể bất thường, có thể tấn công thận ghép. Các xét nghiệm cho thấy cơ thể bà sẽ đào thải mọi loại thận hiến tặng.

Sau một thời gian tuyệt vọng, bà Looney nghe nói về nghiên cứu ghép thận lợn tại Đại học Alabama ở Birmingham và quyết định trở thành tình nguyện viên. Tháng 4/2023, bác sĩ Locke đã nộp đơn lên FDA xin phép thử nghiệm khẩn cấp, theo quy định dành cho những người không còn lựa chọn điều trị nào khác như Looney.

FDA không đồng ý ngay lập tức. Các ca ghép thận lợn biến đổi gene đầu tiên trên thế giới được thực hiện cho hai bệnh nhân nặng hơn vào mùa xuân năm ngoái, tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Boston, và Bệnh viện Đại học New York. Cả hai cũng mắc bệnh tim nghiêm trọng.

Bệnh nhân ở Boston đã hồi phục và trở về nhà một tháng, song tử vong vì ngừng tim đột ngột, không liên quan đến thận lợn. Người thứ hai gặp biến chứng tim, khiến thận lợn bị hỏng, buộc phải cắt bỏ. Sau đó bà đã qua đời.

Những kết quả đáng thất vọng đó không khiến Looney nản lòng. Các đợt chạy thận nhân tạo khiến bà kiệt sức. Tuy nhiên, theo bác sĩ Locke, bà Looney không mắc bệnh tim và các biến chứng khác. Đây được coi là điểm sáng so với các ca phẫu thuật trước đây. Cuối cùng, FDA cho phép bà ghép tạng tại Bệnh viện Đại học New York.

Thận ghép được biến đổi 10 gene tại công ty công nghệ sinh học Revivicor. Ngay sau khi được bác sĩ Montgomery khâu vào vị trí, quả thận chuyển sang màu hồng khỏe mạnh và bắt đầu tạo ra nước tiểu.

T.H (theo VnExpress)