Nội các giàu chưa từng có trong lịch sử Mỹ
Trong số các kỷ lục mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đang phá vỡ khi ông thành lập chính quyền mới của mình, có một kỷ lục rất có thể sẽ không bị thách thức trong tương lai gần: ông sở hữu một nội các nhiều tỷ phú nhất.
Những người được tổng thống đắc cử đề cử vào chính quyền sắp tới của ông bao gồm ít nhất 10 người siêu giàu. Câu hỏi đặt ra là những cuộc bổ nhiệm này phù hợp như thế nào với những cam kết trong chiến dịch tranh cử về “giải cứu” tầng lớp lao động của ông.
Nội các tỷ phú
Tất nhiên, có Elon Musk, người bạn thân mới của ông và là người giàu nhất hành tinh, vị tỷ phú tuần trước đã trở thành người đầu tiên có tài sản vượt quá 400 tỷ USD.
Không ở mức đó, nhưng trong số những người được tổng thống đắc cử đề cử hoặc bổ nhiệm cũng có ít nhất 10 người siêu giàu giống như ông (và một số người khác là những người giàu có).
Ngoài việc có rất nhiều tiền, họ còn có một điểm chung khác: lòng trung thành không lay chuyển đối với nhà lãnh đạo, người mà nhiệm kỳ đầu tiên đã tập hợp được một số cấp dưới có thế lực, dù ít hơn đáng kể so với hiện tại.
“Câu lạc bộ tỷ phú” trong Nội các Trump 2.0 còn có Vivek Ramaswamy, cộng sự của ông tại Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), một nhóm cố vấn mới thành lập không hẳn là một phần của nhánh hành pháp và được giao nhiệm vụ cắt giảm chi tiêu của chính phủ.
Các doanh nghiệp công nghệ sinh học của Ramaswamy đã mang lại cho ông khối tài sản khoảng 1 tỷ USD (theo hồ sơ công khai). Ông là ứng cử viên trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa, nhưng đã thất bại ở những vòng đầu và trở thành người ủng hộ trung thành của ông Trump.
Doug Burgum, Thống đốc bang Bắc Dakota, người có tài sản vượt quá 1,1 tỷ USD, cũng đã chạy đua trong cuộc bầu cử sơ bộ và bỏ cuộc sớm. Nếu Thượng viện chấp thuận đề cử của ông, Burgum sẽ tiếp quản Bộ Nội vụ, trở thành một trong bốn bộ trưởng thuộc nhóm tỷ phú.
Những người khác là Linda McMahon (đề cử Bộ trưởng Giáo dục), người đã kiếm được nhiều tiền (khoảng 2,6 tỷ USD) nhờ môn đấu vật chuyên nghiệp của Mỹ, chủ ngân hàng Howard Lutnick (đề cử Bộ trưởng Thương mại; khoảng 2 tỷ USD); và Scott Bessent (đề cử Bộ trưởng Tài chính), người có tài sản chính xác vẫn chưa được xác định mặc dù không ai nghi ngờ rằng nó vượt ngưỡng 1 tỷ USD.
Ngoài ra còn có một thứ trưởng, là Stephen Feinberg (Bộ Quốc phòng) với tài sản trị giá 5 tỷ USD và Chris Wright (đề cử Bộ trưởng Năng lượng), người không nằm trong câu lạc bộ tỷ phú nhưng vẫn nắm giữ khối tài sản ước tính là 171 triệu USD.
Khi ông Trump cảnh báo trong chiến dịch tranh cử của mình rằng sẽ đảo lộn hầu hết mọi thứ về mặt chính sách đối ngoại, ít ai biết rằng ông có thể đang ám chỉ đến việc thiết lập một thứ gì đó kiểu như chế độ “ngoại giao nhà giàu” với những người như chủ ngân hàng Warren Stephens (tài sản 3,3 tỷ USD) được bổ nhiệm làm đại sứ tại Vương quốc Anh, hoặc nhà đầu tư Steven Witkoff (đặc phái viên tại Trung Đông, có tài sản hơn 500 triệu USD).
Tổng thống đắc cử cũng không ngại đề cập rằng ông có ý định phá vỡ chuẩn mực bằng cách bổ nhiệm người thân giàu có vào các vai trò trong chính quyền: Massad Boulos, bố vợ của con gái út Tiffany, làm cố vấn về các vấn đề Trung Đông, và cha của con rể Jared Kushner, Charles, làm đại sứ tại Paris (người có tài sản 2,9 tỷ USD).
Danh sách những người giàu có trong đoàn tùy tùng của ông Trump (mà cá nhân ông có tài sản riêng được ước tính vào tuần này là 5,4 tỷ USD) được hoàn tất bởi phi hành gia nghiệp dư Jared Isaacman (người có mối quan hệ chặt chẽ với Elon Musk), người sẽ đứng đầu NASA và có tài sản khoảng 1,9 tỷ đô la; CEO của công ty tài chính Fiserv, Frank Bisignano (được chọn làm ủy viên An sinh xã hội, với hơn 900 triệu USD); bác sĩ và người dẫn chương trình truyền hình Mehmet Oz (phụ trách các dịch vụ y tế công cộng; ít nhất 100 triệu USD); nữ doanh nhân Kelly Loeffler (được đề cử làm người đứng đầu Cơ quan Quản lý doanh nghiệp nhỏ; với tài sản 1,1 tỷ USD); và nhà đầu tư công nghệ David Sacks (ông trùm AI và tiền điện tử; 200 triệu USD).
Bản danh sách triệu phú có thể còn tiếp tục, tùy thuộc vào nơi một người vạch ra ranh giới để gia nhập câu lạc bộ độc quyền này. Ví dụ, Phó Tổng thống đắc cử J. D. Vance có khối tài sản được CBS ước tính từ 4,8 triệu USD đến 11,3 triệu USD.
Ảnh hưởng với tầng lớp lao động
Câu hỏi đặt ra bây giờ là những cuộc bổ nhiệm này phù hợp như thế nào với lời hứa giải cứu tầng lớp lao động mà ông Trump đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Trong số những người trung thành tham dự các cuộc mít tinh của ông, có một niềm tin rộng rãi rằng sự giàu có của ứng cử viên tổng thống và những người mà ông dự định sẽ vây quanh mình là sự bảo đảm rằng họ sẽ đảm nhiệm vị trí một cách trong sạch.
"Những người này không cần chính trị để làm giàu; chúng ta có thể chắc chắn rằng sẽ không có tham nhũng", một cử tri giải thích bên ngoài một cuộc mít tinh của ông J.D. Vance ở Arizona ngay trước cuộc bầu cử.
Một ý tưởng khác cũng được lan truyền rộng rãi, được tóm tắt bởi một người ủng hộ trẻ tuổi đến từ Bắc Carolina, DeAndre Jones: "Nếu những người này điều hành đất nước thành công như công ty của họ, chúng ta sẽ được cứu".
"Là một người siêu giàu nổi tiếng, ông Trump thích vây quanh mình là những người giống ông", nhà sử học Michael Kazin, Giáo sư tại Đại học Georgetown và là chuyên gia về lao động, cho biết.
“Hầu hết những người lao động bỏ phiếu cho ông ấy vì họ bị thu hút bởi một nhân cách mà họ coi là người nói lên suy nghĩ của mình, chưa kể đến lời hứa của ông về việc hạn chế nhập cư bất hợp pháp và lạm phát. Hầu hết người Mỹ chưa bao giờ ghét người giàu vì họ giàu, nhưng họ không thích những người mà họ nghi ngờ đang bóc lột hoặc lừa dối họ với tư cách là người lao động và người tiêu dùng. Và ông Trump đã nỗ lực để tránh bị nhìn nhận theo cách đó”.
Sự trớ trêu và lý thuyết của Chuck Collins
Tuy nhiên, Giáo sư Kazin cho rằng những cử tri đó có thể sẽ sớm nhận ra sự trớ trêu khi tổng thống bổ nhiệm nhóm tỷ phú này với nhiệm vụ, trong một số trường hợp, là cắt giảm các dịch vụ công có lợi cho những người dễ bị tổn thương nhất.
Bên cạnh đó, tác giả Chuck Collins có một lý thuyết khác. Là người thừa kế đế chế chế biến thịt Oscar Mayer, người đã từ bỏ quyền thừa kế của mình để trở thành chuyên gia học thuật về bất bình đẳng, Collins là tác giả của cuốn “The Wealth Hoarders: How Billionaires Spend Millions to Hide Trillions” (“Những kẻ tích trữ của: Cách các tỷ phú chi hàng triệu để cứu hàng ngàn tỷ đô”) - một tác phẩm vạch trần những mánh khóe mà các tỷ phú Mỹ sử dụng để trốn thuế, cô lập quyền lực chính trị và ngụy trang thành hoạt động từ thiện, như một cách khác để duy trì quyền lực của họ.
Trong một email, Chuck Collins cho biết, ông tin Elon Musk đã đạt đến điểm mà "một nhà lãnh đạo doanh nghiệp chuyển hướng sự chú ý khỏi doanh nghiệp của mình để bảo vệ tiền của ông ta, ngăn cản sự cạnh tranh và tham gia vào việc thực hiện ảnh hưởng chính trị, thông qua các khoản đóng góp cho các chiến dịch tranh cử [ông đã quyên góp hơn 260 triệu USD cho chiến dịch của ông Trump], bảo đảm quyền sở hữu phương tiện truyền thông [sở hữu mạng xã hội X] và hỗ trợ các nhóm nghiên cứu chính trị”.
Collins giải thích rằng thông thường, giai đoạn đó đi kèm với "thế hệ thứ hai hoặc thứ ba của các gia tộc giàu có”.