Kỳ công rèn trẻ phát âm chuẩn l/n
Các trường mầm non ở Hải Dương đang kỳ công triển khai nhiều giải pháp để rèn cho trẻ phát âm chuẩn l/n.
Từ ngoài đi vào Trường Mầm non Quang Thành (Kinh Môn), chúng tôi nghe rõ âm thanh rất to từ một lớp học với bài đồng dao “Mồng một lưỡi trai, mồng hai lá lúa, mồng ba câu liêm, mồng bốn lưỡi liềm, mồng năm liềm gặt…”.
Cô giáo Hoàng Thị Lương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Thành cho biết đây chỉ là một trong những biện pháp mà các giáo viên trong trường đã và đang áp dụng để luyện phát âm chuẩn l/n cho trẻ. Ngoài các bài đồng dao, giáo viên còn rèn cho trẻ luyện phát âm qua các bài hát, thơ ca kết hợp với nền nhạc sôi động. Những bài đồng dao, bài hát, câu thơ có nhiều từ chứa âm "n" và "l" để trẻ luyện phát âm tự nhiên. Giáo viên còn hướng dẫn trẻ kể lại câu chuyện ngắn, lồng ghép việc phát âm vào các tình huống hằng ngày, nhấn mạnh các từ chứa âm "n" và "l".
Tạo thói quen cho trẻ
Tại Trường Mầm non Lê Lợi (Gia Lộc), giáo viên còn khuyến khích trẻ tự phát hiện và sửa phát âm cho bạn. Ví dụ trong khi cho trẻ đọc một bài đồng dao, bài thơ nếu phát hiện một trẻ đọc sai âm l/n, giáo viên tạm dừng lại yêu cầu trẻ đọc lại cho các bạn nhận xét cách phát âm. Nhiều lần làm như vậy, trẻ đã hình thành thói quen phát hiện và nhắc bạn sửa sai.
Cô giáo Nguyễn Thị Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lê Lợi cho biết giáo viên còn tự sáng tạo các bài thơ, rèn cho trẻ phát âm qua các bài giảng điện tử được thiết kế các trò chơi tĩnh và động kết hợp với video, xem hình ảnh trên ti vi. Để trẻ được nhận biết chữ cái và học tập mọi lúc mọi nơi, trường đã trang trí, sắp xếp trong và ngoài lớp học với nhiều chữ cái l/n trực quan, sinh động.
“Tất cả các biện pháp giáo dục áp dụng đều rất mềm mại, linh hoạt với mục tiêu chung là tạo môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Giáo viên tạo ra các hoạt động học mà chơi, chơi mà học nên trẻ rất thích thú và hào hứng tham gia”, cô giáo Loan nói.
Trường Mầm non Ngọc Sơn (TP Hải Dương) đã sử dụng những nguyên liệu sẵn có tạo ra sản phẩm có chứa chữ cái l/n trang trí các góc học tập trong lớp để trẻ dễ dàng ôn luyện, rèn cách phát âm chuẩn. Đơn vị còn thiết kế “Góc thư viện” cho trẻ làm quen cách mở, đọc, xem sách truyện, tìm chữ cái l/n và phát âm với chữ cái.
Ở ngoài lớp học, trên các thân cây, chậu hoa, giáo viên tích hợp chữ cái l/n, bổ sung những đồ dùng đồ chơi, trang trí các khu vực dễ nhìn giúp trẻ nhận ra các hoạt động chữ cái như cầu thang, hành lang, khu vui chơi…
Cô giáo Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Sơn cho biết giáo viên còn tích cực đánh giá tiến bộ của trẻ qua các bài tập đơn giản, ghi nhận sự tiến bộ và động viên khi trẻ làm tốt. Nhà trường tích cực phối hợp với phụ huynh có biện pháp rèn luyện phát âm cho trẻ khi ở nhà.
“Qua một thời gian áp dụng các biện pháp, trẻ đã tiếp nhận một cách tự nhiên khi đọc phát âm chuẩn phụ âm l/n. Khả năng phát âm, cách diễn đạt của trẻ ngày càng cải thiện”, cô giáo Hương nói.
Giáo viên kiên trì
Bà Hoàng Thị Hưng, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết phát âm lệch chuẩn phụ âm "l" và ''n"đã tồn tại trong thời gian dài, không chỉ ở tỉnh Hải Dương. Bộ phát âm của trẻ mầm non chưa hoàn thiện, trong khi người lớn còn phát âm sai nên trẻ sẽ học theo, trong đó có giáo viên. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt mà còn gây phản cảm trong giao tiếp, cần sớm được khắc phục.
Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện triển khai đồng bộ tới tất cả các trường mầm non thực hiện chuyên đề “Luyện phát âm lệch chuẩn phụ âm l/n cho trẻ mầm non, giai đoạn 2024-2026”. Theo đó, các phòng đang lần lượt tổ chức các chuyên đề cấp huyện để các trường trao đổi, chia sẻ, học hỏi, rút kinh nghiệm.
Ông Vũ Hồng Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Kinh Môn cho biết đến nay tất cả các trường mầm non trong thị xã đã xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp thực hiện chuyên đề.
Để triển khai có hiệu quả chuyên đề này, việc đầu tiên là giáo viên phải phát âm chuẩn. Theo đó, các trường đã khảo sát, đánh giá các giáo viên còn phát âm chưa chuẩn âm l/n để có biện pháp chỉ đạo, động viên giáo viên tự khắc phục.
Cô giáo trẻ Trần Thị Oanh, Trường Mầm non Quang Thành cho biết bản thân đã kiên trì rèn luyện cách đặt lưỡi đúng vị trí khi phát âm. “Tôi phát âm từ tốc độ chậm, sau nhanh dần. Ban đầu phát âm từng âm vị, sau xen kẽ l/n, n/l. Tôi đã mất nhiều thời gian đứng trước gương để luyện cách phát âm này”, cô giáo Oanh nói.
Ngoài ra, cô giáo Oanh còn kiên trì luyện đọc văn bản, hát có các từ, ngữ có phụ âm đầu l/n; luyện phát âm qua hoạt động giao tiếp hằng ngày, nhất là với những người phát âm chuẩn. Đến nay, cô giáo Oanh tự tin cho biết bản thân đã cải thiện, đạt khoảng 90%.