Trong tỉnh

Từ 'thầy giáo làng' đến nhà cầm quân vô địch U9 quốc gia

VĂN TUẤN 22/12/2024 11:00

Không đi theo con đường chuyên nghiệp, thầy Nguyễn Hùng Hoàng sinh năm 1983 ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) chọn làm 'thầy giáo làng' truyền lửa cho phong trào thể thao.

nguyen-hung-hoang-1.jpg
Huấn luyện viên Nguyễn Hùng Hoàng và các học trò Trường Tiểu học Cộng Lạc

Niềm đam mê từ truyền thống gia đình

Từ thuở nhỏ, cậu bé Hoàng ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ) đã được ông nội là cụ Nguyễn Thanh Sen - một vận động viên bơi lội có tiếng trong khu vực truyền cho tình yêu với thể thao.

Lớn lên trong gia đình có bố và anh trai từng nhiều lần khoác trên mình màu áo Hải Dương tham gia các đại hội thể dục, thể thao lớn nhỏ, niềm đam mê với thể thao cứ thế ngấm dần vào cậu bé này.

Tiếp nối truyền thống của gia đình, chàng thanh niên Nguyễn Hùng Hoàng theo học chuyên ngành vật - judo Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. Sau khi học xong, anh Hoàng xin về địa phương công tác.

Khi được hỏi lý do không đi theo con đường vận động viên chuyên nghiệp mà lại chọn làm ông giáo làng, thầy Hoàng chỉ cười: “Thời điểm ấy, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, nhiều đứa trẻ có năng khiếu thể thao nhưng lại không có người dìu dắt nên tôi muốn hướng dẫn, truyền nhiệt huyết để các em được theo đuổi, tỏa sáng bằng niềm đam mê của mình”.

Đến nay, thầy Hoàng đã có 16 năm làm giáo viên môn giáo dục thể chất tại Trường Tiểu học Cộng Lạc. Trong thời gian giảng dạy, thầy Hoàng nhận thấy nhiều học trò có năng khiếu các môn thể thao, đặc biệt là bóng đá.

nguyen-hung-hoang-2.jpg
Đội bóng đá Trường Tiểu học Công Lạc và thầy Hoàng tại Giải bóng đá học sinh nam tiểu học huyện Tứ Kỳ năm 2024

Khi đó, thể thao của Tứ Kỳ thành tích chưa cao.

Qua một thời gian quan sát và đánh giá, thầy Hoàng đã mạnh dạn tham mưu với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện (nay là Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông) tổ chức các giải đấu tại địa phương.

Cũng thời điểm này, thầy Hoàng được tin tưởng giao huấn luyện đội bóng huyện Tứ Kỳ tham gia các giải đấu của tỉnh. Và cũng từ đó, phong trào và thành tích môn bóng đá của Tứ Kỳ đã thay đổi rõ rệt.

Tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Hải Dương năm 2012, lần đầu tiên bóng đá Tứ Kỳ bước lên bục cao nhất và tiếp theo đó là nhiều lần vô địch môn bóng đá.

Không chỉ thành công với phong trào thể thao địa phương, khi đội tuyển U9 Gia Bảo của Hải Dương được thành lập, trọng trách huấn luyện viên trưởng được "chọn mặt gửi vàng" giao cho thầy Hoàng. Đội tuyển U9 Gia Bảo cũng có tới 5 cầu thủ vốn là học trò của thầy Hoàng.

Duyên nghiệp cầm quân

Bóng đá không phải là bài toán điền vào chỗ trống. Một cầu thủ giỏi không làm nên tập thể tốt. Công việc của huấn luyện viên đôi khi không hẳn là tìm người xuất sắc nhất mà là tìm người phù hợp nhất.

Cái tài của nhà cầm quân Nguyễn Hùng Hoàng không chỉ ở chỗ tìm ra các nhân tố tốt mà còn sắp xếp thành một đội hình phù hợp với từng đối thủ.

Năm 2024 đánh dấu một năm thành công của U9 Gia Bảo tại các giải đấu lớn. Tại Giải bóng đá U9 toàn quốc năm 2024, đội bóng đã xuất sắc giành cúp vô địch sau khi vượt qua U9 Sông Lam Nghệ An.

giai-bong-da-nhi-dong-u9-hai-duong.jpg
Thầy Hoàng và đội bóng U10 Tứ Kỳ tại Giải bóng đá nhi đồng tỉnh Hải Dương

Có được thành tích này, ngoài công sức của các cầu thủ nhí thì không thể không nhắc đến đóng góp của những huấn luyện viên trong việc đào tạo, huấn luyện và chỉ đạo thi đấu như huấn luyện viên Nguyễn Hùng Hoàng.

Đặc biệt hơn, cầu thủ được bình chọn xuất sắc nhất vòng chung kết U9 toàn quốc 2 năm trở lại đây là Nguyễn Mạnh Hùng Tân và Phạm Năng Trường An đều là học trò của thầy Hoàng.

Thành công với nghiệp huấn luyện như vậy nhưng thầy Hoàng vẫn gắn bó với nghề giáo.

Cô Đoàn Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cộng Lạc cho biết, thầy Hoàng là giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng. Từ khi thầy về trường, nhiều câu lạc bộ thể thao được thành lập, phong trào chạy bộ của cán bộ, nhân viên nhà trường cũng lan rộng. Đặc biệt, phong trào bóng đá trong học sinh ngày càng phát triển, gặt hái nhiều thành công.

Ngoài bóng đá, thầy Hoàng còn là huấn luyện viên trưởng của Câu lạc bộ Vật dân tộc huyện Tứ Kỳ. Đội tuyển do thầy dẫn dắt đã nhiều năm giành vô địch môn vật dân tộc của tỉnh Hải Dương. Bên cạnh đó, thầy Hoàng cũng tranh thủ kèm cặp cho học sinh tại các câu lạc bộ bóng đá, bơi lội, cờ vua… của nhà trường.

Có những thành công nhất định như vậy nhưng khi được hỏi về bí quyết, thầy Hùng chỉ khiêm tốn chia sẻ: "Chơi thể thao trước hết phải có năng khiếu. Tuy vậy, năng khiếu chỉ chiếm khoảng 30% còn lại là thành quả của quá trình tôi luyện về thể chất, tinh thần. Để đạt được những thành tích cao cần một quá trình rất dài".

Vừa là thầy giáo vừa là huấn luyện viên nên thầy Hoàng thấu hiểu cái khó của học trò. Thành tích các đội tuyển do thầy Hoàng dẫn dắt đã khẳng định phương pháp huấn luyện hợp lý khi cân bằng được giữa thời gian luyện tập và thời gian học văn hoá trên lớp.

Nhiều lần cùng học trò nâng cúp vô địch các giải thể thao lớn nhỏ song thầy Hoàng chưa muốn dừng lại. Thầy đã thành lập Trung tâm đào tạo bóng đá cộng đồng cho trẻ em tại huyện Tứ Kỳ, góp phần phát hiện, đào tạo nhiều cầu thủ đá bóng đầy tiềm năng và việc học văn hoá của các em vẫn không bị ảnh hưởng.

Trong đôi mắt đầy nhiệt huyết của thầy Hoàng vẫn luôn đau đáu nỗi niềm làm sao để tạo ra một sân chơi lành mạnh, một môi trường đầy đủ điều kiện cho những “viên ngọc thô” của thể thao Tứ Kỳ nói riêng và Hải Dương nói chung.

VĂN TUẤN