Kịp thời xây dựng văn bản pháp luật phục vụ sắp xếp bộ máy
Tham gia vào cuộc 'cách mạng' tinh gọn bộ máy, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ, kịp thời để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ sắp xếp tổ chức, bộ máy.
Sáng 17/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và chủ trì hội nghị cùng Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh và các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư pháp.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hải Dương có đồng chí Trần Văn Quân, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Nhiều kết quả quan trọng
Theo Bộ Tư pháp, trong năm 2024, công tác tư pháp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, công tác xây dựng pháp luật ngày càng chủ động, tích cực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực để phát triển. Năm 2024, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 28 luật, 5 nghị quyết quy phạm. Riêng tại Bộ Tư pháp đã chủ trì, xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 luật, 1 nghị quyết.
Bên cạnh đó, toàn ngành đã tham mưu xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 832 văn bản quy phạm pháp luật; cơ quan tư pháp tại địa phương đã phối hợp tham mưu ban hành 4.832 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh, 2.144 văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện và 2.629 văn bản quy phạm pháp luật cấp xã.
Trong năm 2024, bộ đã thẩm định 209 đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức Pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 692 văn bản; các địa phương đã thẩm định đối với 365 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 8.058 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Năm 2024, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 6.099 văn bản quy phạm pháp luật. Riêng tại Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 3.040 văn bản. Các địa phương đã kiểm tra theo thầm quyền 5.195 văn bản quy phạm pháp luật.
Công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, với trên 621 nghìn việc được thi hành xong, thu được trên 117 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 45 nghìn việc và tăng hơn 27 nghìn tỷ đồng so với năm 2023). Trong đó, đã thi hành xong 6.252 việc, thu được hơn 30 nghìn tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng; thi hành xong 9.211 việc, thu được trên 22 nghìn tỷ đồng đối với các khoản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng (đặc biệt vụ Tân Hoàng Minh với tổng số bị hại là 6.630 người; cơ quan thi hành án dân sự đã xử lý chi trả cho 6.492 bị hại với số tiền hơn 8.600 tỷ đồng)…
Phối hợp chặt chẽ, kịp thời xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Trong năm 2025, thực hiện yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.
Bộ sẽ tham mưu, giúp Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) (dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV); chủ trì tham mưu xây dựng một số dự án luật khác như: Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Giám định tư pháp (sửa đổi).
Đặc biệt, tham gia vào cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ, kịp thời để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ sắp xếp tổ chức, bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo hành lang pháp lý để hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần “tinh, gọn, mạnh”.
Song song, Bộ Tư pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong các lĩnh vực của bộ, ngành; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được Quốc hội, Chính phủ giao; tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đẩy mạnh thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế…
Tán thành và đánh giá cao kết quả mà Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2024 cũng như các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp luôn có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời.
Một trong những dấu ấn của sự phối hợp chặt chẽ là tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, với tinh thần đổi mới tư duy về xây dựng pháp luật, hai bên đã kịp thời tham mưu Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với số lượng dự án luật lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay; tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 4 Nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến 10 dự án luật khác.
Nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa hết sức quan trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong hoạt động. Đặc biệt, để triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phía các cơ quan của Quốc hội đang rà soát Luật Tổ chức Quốc hội và các văn bản có liên quan; đề nghị Bộ Tư pháp cùng phối hợp để bảo đảm dự thảo luật đạt chất lượng cao nhất, trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường tháng 2/2025.
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ tác động đến khoảng 150 luật có quy định liên quan chức năng, nhiệm vụ của các bộ. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị hai bên cần tiếp tục phối hợp rà soát, nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp.
Nhắc lại số lượng dự án luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 rất lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị hai cơ quan khẩn trương tham mưu Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm triển khai Hội nghị triển khai các luật được Kỳ họp thứ Tám thông qua; tập trung tham mưu cho Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2025...