Quốc phòng

Tình quân dân Hải Dương như cá với nước

NGUYỄN THẢO 21/12/2024 15:03

Những việc làm đầy ý nghĩa của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Hải Dương thời gian qua đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân, vun đắp tình quân dân thêm gắn bó.

quan-dan.jpg
Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương nhận đỡ đầu em Nguyễn Thị Hồng và Nguyễn Thị Thủy ở thôn Mậu Công, xã Quang Trung (Tứ Kỳ) có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NGỌC KHOA

Thiết thực, nghĩa tình

Chúng tôi có dịp cùng Hội Phụ nữ Cơ quan Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương đến thăm em Nguyễn Thị Hồng và Nguyễn Thị Thủy ở thôn Mậu Công, xã Quang Trung (Tứ Kỳ).

Hai chị em Hồng và Thủy mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với ông họ đã ngoài 70 tuổi. Ông lại là thương binh, thường xuyên đau yếu, nuôi thêm hai cháu càng khiến cuộc sống thêm khó khăn, vất vả. Vừa thấy chúng tôi đến cổng, em Hồng và em Thủy mừng rỡ chạy ra gọi “mẹ Huế”, “mẹ Thơm” khiến mọi người đều xúc động.

Ông Nguyễn Văn Toán, hiện đang nuôi dưỡng hai em chia sẻ: “Biết hôm nay cô Huế, cô Thơm xuống thăm nên các cháu mong từ hôm qua. Sáng sớm ngủ dậy đã đòi ông lấy quần áo mới mặc để khoe với các cô”.

Dường như thiếu hơi ấm của bố mẹ nên từ khi chúng tôi đến thăm, cả em Hồng và em Thủy đều thích ngồi vào lòng để được các cô chải đầu, buộc tóc...

Đại úy, quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Thơm, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho biết: “Mỗi lần về đây chúng tôi đều thu xếp thời gian đi chợ, nấu cơm ăn cùng các con để các con cảm nhận hơi ấm gia đình. Ngoài ra, chúng tôi phân công chị em tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ đến động viên, hướng dẫn các con một số kỹ năng cơ bản và làm việc nhà".

Hội Phụ nữ Cơ quan Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương hiện nhận "đỡ đầu" hai em Hồng, Thủy với mức hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng. Ngoài ra, đơn vị còn mua xe đạp, bàn học, tủ quần áo, giường, đệm và đồ dùng sinh hoạt thiết yếu cho các em.

Hiện Hội Phụ nữ, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh nhận đỡ đầu 12 trẻ em mồ côi, hỗ trợ mỗi em 500.000 đồng/tháng. Nguồn kinh phí giúp đỡ các cháu được trích từ quỹ của đơn vị và cán bộ, nhân viên, hội viên hội phụ nữ tình nguyện đóng góp.

Một số cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang tỉnh còn triển khai “Hòm tiết kiệm làm theo gương Bác” để tạo nguồn kinh phí giúp đỡ các cháu hằng tháng. Các cơ quan, đơn vị, nhất là tổ chức hội phụ nữ phát huy vai trò nòng cốt để kết nối, kêu gọi, vận động nhà hảo tâm, doanh nghiệp cùng chung tay ủng hộ.

Năm 2024, người dân Hải Dương sẽ không thể quên được hình ảnh các chiến sĩ cõng cụ già, bế cháu nhỏ về nơi sơ tán hay ngâm mình dưới mưa để đắp đê ngăn lũ, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 vừa qua.

Tại Ninh Giang, thời điểm giữa tháng 9, nhiều diện tích lúa mùa của bà con tại các địa phương đến kỳ thu hoạch bị ngập úng. Ban Chỉ huy quân sự huyện Ninh Giang đã chỉ đạo các bộ, chiến sĩ nhanh chóng xuống địa bàn hỗ trợ người dân địa phương thu hoạch lúa.

Mặc cho mưa lạnh, các cán bộ, chiến sĩ đã nhanh chóng chia thành từng nhóm về giúp các gia đình. Có những chỗ cán bộ, chiến sĩ phải ngâm nước đến ngang người để cắt lúa. Vất vả nhất là sau khi gặt, lúa được chất lên thuyền rồi đưa lên xe ba gác đi qua hơn 1 km đường lầy lội.

ninh-giang.jpg
Ban Chỉ huy quân sự huyện Ninh Giang giúp dân gặt lúa sau ảnh hưởng của bão lũ (ảnh cơ sở cung cấp)

Nhớ lại những việc làm tình nghĩa của bộ đội huyện Ninh Giang trong cơn bão số 3, ông Phạm Đình Rộng ở xã Vạn Phúc (nay là xã Đức Phúc) nói: "Cả thôn có khoảng 30 ha lúa bị ngập nước không thể gặt bằng máy. Nhiều nơi lúa đã mọc mầm. Trong lúc bà con đang lo lắng thì hơn 40 cán bộ, chiến sĩ đã về địa phương giúp dân gặt lúa khiến chúng tôi cảm động lắm".

“3 cùng” với dân

Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, lực lượng vũ trang tỉnh đã có nhiều hoạt động trong phong trào thi đua "Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" gắn với phong trào thi đua Quyết thắng.

Các hoạt động giúp dân, hỗ trợ gia đình chính sách, người có công được các đơn vị quân đội triển khai sâu rộng, hiệu quả trong nhiều năm qua với hàng loạt phong trào, mô hình như “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”… Các cơ quan, đơn vị trong lực lượng cụ thể hóa các hoạt động theo phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” và "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân).

Từ năm 2019 đến nay, cán bộ, chiến sĩ lực lượng quân sự tỉnh phối hợp tổ chức 1.000 ngày công dọn vệ sinh, khơi thông dòng chảy; tuyên truyền, vận động người dân hiến trên 18.715 m2 đất; tham gia 28.000 ngày công lao động; phối hợp làm trên 338,4 km đường giao thông nông thôn; nạo vét, cải tạo 238 km kênh mương, nội đồng.

thanh-pho.jpg
Công tác dân vận, hành quân dã ngoại được lực lượng vũ trang tỉnh triển khai nền nếp, hiệu quả. Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự TP Hải Dương phối hợp Lữ đoàn 214 hành quân dã ngoại, chăm sóc mộ phần các liệt sĩ ở xã An Thượng

Đại tá Nguyễn Thế Trung, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho biết: “Những công trình, phần việc ý nghĩa, thiết thực của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân, tạo sự gần gũi, gắn kết giữa quân và dân. Đặc biệt, qua đó đã góp phần xây dựng thế trận lòng dân, củng cố quốc phòng, an ninh vững chắc, làm cho mối quan hệ giữa Bộ đội Cụ Hồ và nhân dân thêm bền chặt”.

NGUYỄN THẢO