Quốc phòng

Dũng sĩ lái xe Trường Sơn

NGUYỄN NGÂN 18/12/2024 09:30

9 năm trong quân ngũ, cựu chiến binh Vũ Xuân Nhượng, ở thị trấn Tứ Kỳ (Tứ Kỳ) gắn bó với tuyến vận tải Trường Sơn - một trong những trận tuyến khốc liệt, gian khổ.

bhd-dung-si-lai-xe-12(1).jpg
Cựu chiến binh Vũ Xuân Nhượng (bên trái) chia sẻ với đồng đội của mình về những năm tháng lái xe ở Trường Sơn

Mới cưới 3 ngày đã lên đường nhập ngũ

Mỗi lần trở lại với cung đường K65-34 ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) hình ảnh những chiếc xe vận tải xuyên qua làn mưa bom, bão đạn của đế quốc Mỹ trên tuyến đường này năm xưa lại trở về vẹn nguyên trong ký ức của cựu chiến binh Vũ Xuân Nhượng.

Sinh ra trong gia đình thuần nông có 7 anh chị em, lại là con cả nên học xong lớp 7, do không có điều kiện để đi học nghề ông Nhượng xin đi làm công nhân.

Tháng 9/1965, sau khi cưới được 3 ngày, ông Nhượng nhận được lệnh lên đường nhập ngũ và biên chế về Sư đoàn 312 hay còn gọi là Đại đoàn Chiến thắng trực thuộc Bộ Quốc phòng sau này thuộc Quân khu 1 đóng quân ở Thái Nguyên.

Sau 3 tháng huấn luyện, ông được bổ sung về Đại đội 31, Tiểu đoàn 16 Thông tin, được đi học lái xe và điều về lái xe tại Trung đoàn 4 Pháo mặt đất Sư đoàn 312.

Tháng 7/1967 do yêu cầu của chiến trường, đoàn 559 cần được bổ sung lực lượng lái xe làm nhiệm vụ vận tải chi viện cho chiến trường. Ông được phong hàm trung sĩ, làm Tiểu đội trưởng Tiểu đoàn xe ô tô vận tải 56 Đoàn 559 để vận chuyển hàng vào chiến trường miền Nam.

Các đoàn xe vận tải thời đó luôn là mục tiêu số 1 của máy bay địch, đường Trường Sơn lại vô cùng hiểm trở, đường bé, mặt đường bị bom đạn của quân địch cày đi, xới lại rất khó đi. Nhưng bằng sự dũng cảm, kiên cường, ông Nhượng đã cùng đồng đội vượt qua mưa bom, bão đạn của quân thù để vận chuyển hàng hóa đến điểm tập kết an toàn.

Ông Nhượng thường chạy vượt cung đường và tăng chuyến so với chỉ tiêu cấp trên giao và được đồng đội đặt cho biệt danh "Tuấn Mã". Nhiều lần ông cùng đồng đội chở hàng vượt qua những trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, kịp thời chi viện cho chiến trường.

Giữa mùa khô năm 1968, yêu cầu chi viện của chiến trường ngày càng lớn, xăng dầu thiếu trầm trọng bởi đường ống dẫn xăng chưa có, xăng dầu cung cấp cho các binh trạm phía trong chủ yếu được vận chuyển bằng ô tô, nhiều xe chở xăng chưa đến nơi đã bị máy bay Mỹ bắn cháy.

Để bảo đảm đầu xe hoạt động, kỹ sư ô tô của đơn vị đã nghiên cứu chế tạo ra hệ thống lấy khí cháy từ lò đốt than củi dẫn vào bộ chế hòa khí để nổ máy thay xăng lắp đặt lên hai xe Gaz 63. Tiểu đội của ông được giao vận hành 2 chiếc xe này trên cung đường K65-34 dài 30km.

"Xe cải tiến chạy bằng khí than có khi chạy đến lưng đèo thì lửa than kém, phải dừng lại thay than, nhiều lúc vô ý lửa cháy phụt lên xém tóc, cụt lông mày, mắt lòa đi nhưng vì miền Nam thân yêu, tôi cùng với đồng đội của mình tiếp tục lái xe lên đường", ông Nhượng nói.

Nhiệm vụ cảm tử

bhd-dung-si-lai-xe-1(1).jpg
Về thời bình, ông Nhượng (bên trái) tích cực tham gia các hoạt động xã hội

Những năm tháng ở chiến trường Trường Sơn có biết bao ký ức hào hùng nhưng có lẽ ký ức không thể nào quên của cựu chiến binh Vũ Xuân Nhượng là vào mùa khô năm 1971-1972, đế quốc Mỹ đánh phá ngăn chặn ác liệt tuyến đường binh trạm 44. Chúng đã trút xuống tuyến đường Trường Sơn đủ các loại bom mìn như bom từ trường, nổ chậm, bom vướng, bom bi... nhằm ngăn chặn, cắt đứt tuyến chi viện cho chiến trường Tây Nguyên và Liên khu 5.

Một quả bom từ trường loại mới được Mỹ thả xuống nằm ngay vệt bánh xe lăn, làm ách tắc cả đoàn xe chở hàng vào chiến trường. Mặc dù đã sử dụng xe phóng từ, đơn vị công binh dùng khung dây kích nổ bom từ trường để thông đường nhưng quả bom vẫn không nổ.

Trước tình hình khẩn cấp, phải thông đường để giải phóng đoàn xe trong đêm, đơn vị đã bàn bạc, thống nhất chỉ còn cách duy nhất là dùng xe tải để kích nổ từ trường. Đây được coi là nhiệm vụ "cảm tử" vì chỉ cần lái xe qua sẽ kích nổ quả bom. Lúc đấy ông đã xung phong và được giao nhiệm vụ phá quả bom này.

Chia sẻ về tâm trạng lúc ấy, cựu chiến binh Vũ Xuân Nhượng cho biết khi đơn vị họp bàn, lấy tinh thần xung phong, ông đã xung phong và được giao nhiệm vụ phá quả bom này. Khi ấy sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc nhưng điều đó không thể làm nhụt chí, bởi trong trái tim không chỉ của tôi mà của tất cả những người lính lái xe ấy có ngọn lửa của tình yêu Tổ quốc soi đường.

"Tôi lên xe, bóp còi, thử phanh rồi rú ga tăng tốc, chỉ thấy đằng sau một ánh chớp xanh lòa, đôi tai ù đặc, xe nảy lên như bị xô đẩy, tôi cảm giác xe mình vẫn chạy, lúc này tôi biết mình vẫn còn sống và cũng đã hoàn thành nhiệm vụ. Với chiến công lần ấy, tôi đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam", ông Nhượng nhớ lại.

Sau nhiều lần bị thương trong lúc lái xe vận chuyển hàng hóa vào chiến trường, cựu chiến binh Vũ Xuân Nhượng bị 2 mảnh đạn găm vào đầu và vào ngực. Năm 1973 ông được đưa ra Bắc điều dưỡng và giám định mất 51% sức khỏe, thương tật loại A 45%.

Cuối năm 1974 ông phục viên về quê hương.

Về với đời thường, ông tích cực tham gia công tác tại địa phương như giữ chức Phó Chủ nhiệm lao động, Phó Chủ nhiệm phụ trách ngành nghề hợp tác xã hay làm công tác địa chính - thuế nông nghiệp - giao thông thủy lợi sau đó kiêm công tác thống kê kế hoạch.

Năm 1998, theo nguyện vọng của bạn bè, đồng đội, những người xông pha trên chiến trường, ông và đồng đội ở Văn Tố (Tứ Kỳ) đã tìm và tập hợp những đồng đội đã từng chiến đấu, công tác ở Đoàn 559 thành lập ra Ban liên lạc bộ đội Trường Sơn huyện Tứ Kỳ và sau này đổi tên thành Hội truyền thống Trường Sơn Hồ Chí Minh huyện Tứ Kỳ và giữ chức Chủ tịch hội từ năm 2012 đến nay.

Trên cương vị của mình, ông đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như trao tặng huy hiệu chiến sĩ Trường Sơn cho các thành viên; vận động và trao tặng hàng trăm suất quà cho hội viên khó khăn, già yếu; xã hội hóa xây dựng 7 ngôi nhà tình nghĩa cho hội viên khó khăn về nhà ở...

Khi được hỏi “Ông muốn gửi gắm điều gì đến thế hệ trẻ hôm nay?”, ông bảo chỉ mong thế hệ sau này hãy sống có ích, có lý tưởng, có ước mơ để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh. "Hãy biết trân trọng cuộc sống mà mình đang có, bởi cái giá của hòa bình được đổi bằng xương máu của bao người ngã xuống", ông Nhượng nói.

NGUYỄN NGÂN