Di tích

Hành trạng của người thầy vĩ đại trên bia đá cổ thời Nguyễn

HOÀNG LAN 14/12/2024 14:45

Tại đền thờ Chu Văn An (Chí Linh, Hải Dương) có tấm bia đá cổ thời Nguyễn ghi hành trạng của thầy giáo Chu Văn An, người được coi là 'Vạn thế sư biểu' của Việt Nam.

den-tho-thay-chu-van-an-bao.jpeg
Đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái đền thờ Chu Văn An

Tấm bia mang tên “Chu Văn An hành trạng” dựng vào năm Tự Đức thứ 10 (1857). Bia được tạc theo phong cách tạo hình thời Nguyễn, đặt trong nhà bia trên bệ đá (làm mới) chạm cánh sen cách điệu, kích thước 100 x 52 x 16 cm với khoảng 1.200 chữ. Bia dẹt, đỉnh vòm, trán và diềm xung quanh trơn.

Bia có hai mặt đều khắc chữ Hán chân phương. Mặt trước tấm bia giới thiệu sự nghiệp của thầy giáo Chu Văn An với nội dung: Tiên sinh họ Chu, tên húy là An. Triều Trần là người thanh liêm trong sạch. Suốt đời vì sự nghiệp lớn văn chương. Ông thường đến nơi đầm nước trước nhà ngâm vịnh thơ ca. Những người kế thừa thành tựu của ông rất nhiều như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh... đã từng làm quan đến chức “Hành khiển”.

Đạo thầy tôn nghiêm. Bấy giờ ông được bái chức “Tư nghiệp” trong Quốc Tử Giám, dạy học cho Thái tử. Đời Trần Dụ Tông nắm quyền chấp chính, ông được tin dùng. Nhưng vua chỉ lo ăn chơi, bỏ bê việc nước. Ông can ngăn vua và dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần nhưng vua không nghe. Ông xin bỏ mũ từ quan, đi ngao du. Đến vùng Chí Linh thấy làng Kiệt Đặc có núi Phượng Hoàng, suối róc rách bao quanh chân núi. Ông làm nhà ở ẩn tại nơi đây, lấy hiệu là Tiều Ẩn.

Sau khi mất, triều đình đã đưa thầy Chu Văn An vào thờ ở Văn Miếu, xem ông ngang hàng với những bậc thánh hiền ngày xưa. Còn học trò của ông làm nhà bên mộ thầy đến cả năm, tế lễ để tỏ lòng thương tiếc.

Sử thần Ngô Sĩ Liên có lời bàn: “Văn Trinh Công thờ vua thì nói thẳng trước mặt, việc xuất hay xử đều có lý lẽ, rèn đúc nhân tài thành công khanh, cao thượng, tiết tháo, thiên tử cũng không bắt nổi làm tôi, nét mặt nghiêm nghị mà đạo làm thầy được tôn, lời nói lẫm liệt mà kẻ nịnh phải sợ. Đáng là bậc tôn sư của nhà nho nước Nam ta”.

thay-chu-van-an-2.jpg
Văn bia “Chu Văn An hành trạng” tại đền thờ Chu Văn An

Văn bia này thuộc thể “văn” ghi lại sơ lược tất cả tên, tuổi, quê quán, sự nghiệp của bậc danh nhân, anh hùng. Đây là một loại văn bản đặc biệt có nội dung tư tưởng và ý nghĩa xã hội rất sâu sắc.

Chu Văn An là một nhà giáo mẫu mực muôn đời, là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Sinh thời thầy từng viết nhiều sách trong đó có ''Tứ thư thuyết ước'', ''Tiều Ẩn thi tập'' và ''Quốc ngữ thi tập'' nhưng đều bị thất lạc. Ông còn soạn một cuốn sách thuốc có tên ''Y học yếu giải tập chú di biên'' nhưng đến nay người ta mới chỉ tìm thấy 12 bài thơ của Chu Văn An chép trong ''Toàn Việt thi lục''.

Mặt sau của văn bia ghi chép một số bài thơ nổi tiếng của thầy Chu Văn An đó là: ''Nguyệt tịch bộ tiên du sơn tùng kính'' (nghĩa là: Đếm trăng dạo bước trên con đường nhỏ trồng thông trên núi Tiên Du), “Thôn Nam sơn tiểu khế” (Tạm nghỉ ở núi thôn Nam), “Linh sơn tạp hứng” (Xúc cảm về núi Chí Linh), “Đề Dương Công Thủy Hoa đình” (Đề đình Thủy Hoa của Dương Công), “Giang Đình tác”, (Xúc cảm làm thơ ở Giang Đình), “Xuân Đán” (Buổi sáng mùa xuân), “Sơ Hạ” (Đầu mùa Hạ), “Miết trì” (Ao ba ba), “Vọng Thái Lăng” (Trông về Thái Lăng).

Những bài thơ này của ông mang phong vị hoài cổ nhưng có nhiều hình ảnh mới lạ, ý tưởng nhẹ nhàng, lời thơ thanh thoát, ngôn ngữ nhã đạm, “rất trong sáng và thoáng nét u nhàn”. Phần lớn những bài thơ này được Chu Văn An sáng tác khi ông về ẩn ở Chí Linh.

Ngoài ra, trong văn bia còn ghi lại hai bài thơ của Trần Nguyên Đán viết tặng Chu Tiều Ẩn tiên sinh cũng chính là thầy Chu Văn An: “Hạ Tiều Ẩn Chu tiên sinh bái Quốc Tử Tư Nghiệp” (Mừng ông Chu Tiều Ẩn được bổ chức Tư Nghiệp ở Quốc Tử Giám) và “Tặng Chu Tiều Ẩn” (Tặng Tiều Ẩn Chu Văn Trinh tiên sinh) khi ông về ở ẩn. Đây được coi là một trong số những bài thơ sớm nhất viết về Chu Văn An.

Tên tuổi của thầy giáo Chu Văn An đã đi vào lịch sử dân tộc như một bậc danh sư, bậc danh nho tiêu biểu. Thầy được tôn vinh là “Vạn thế sư biểu”, tức người thầy của muôn đời. Thầy là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Với những giá trị đặc biệt quan trọng, năm 1998 đền Chu Văn An được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Tấm bia tuy không mang giá trị mỹ thuật nhưng lại chứa nội dung thông tin mang tính chất khoa học, lịch sử. Văn bia giúp chúng ta xác định được tên, họ, chức tước, sự nghiệp của một người thầy vĩ đại.

HOÀNG LAN