Cần chấm dứt tình trạng xuyên tạc sự thật, dựng chuyện với ý đồ xấu
Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ đã dẫn những thông tin bịa đặt, vu cáo, sai sự thật để xuyên tạc về vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.
Bất chấp những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, trong đó có bảo đảm tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng đã được nhiều nước ghi nhận và đánh giá cao, một số cá nhân và tổ chức có tư tưởng thù địch vẫn cố tình xuyên tạc sự thật, bịa đặt, dựng chuyện với ý đồ xấu.
Tiếp tục luận điệu cũ, trong báo cáo mới nhất (công bố ngày 12/12), Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) đã liệt kê một số vụ việc gần đây, như việc Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt tù những đối tượng lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, để “báo động” về cái mà họ gọi là "sự thụt lùi của tự do tôn giáo ở Việt Nam" hay "luật pháp Việt Nam áp đặt các hạn chế đối với hoạt động tôn giáo..."
Cần khẳng định rằng USCIRF lại dùng chiêu trò đã lỗi thời là dẫn những thông tin bịa đặt, vu cáo, sai sự thật để xuyên tạc về vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.
Các đối tượng mà USCIRF lên tiếng bảo vệ ở đây thực chất đều là những bị cáo bị đưa ra xét xử vì vi phạm pháp luật.
Đơn cử như trường hợp bị cáo Thạch Chanh Đa Ra cùng đồng phạm tại chùa Đại Thọ, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long), bị kết án tù vì hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bắt, giữ người trái pháp luật.
Vụ việc đã được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và quá trình xét xử công khai, đúng người đúng tội, bảo đảm tính thượng tôn pháp luật.
Đưa ra những đánh giá phiến diện về "gia tăng đàn áp các cộng đồng tôn giáo độc lập không chịu sự kiểm soát của nhà nước" ở Việt Nam, USCIRF đã cố tình “nhắm mắt làm ngơ” trước thực tế là bất cứ ai, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế của Mỹ và các nước phương Tây, đều có thể đến thăm và tự do hành đạo ở các thánh thất Cao Đài và Tòa thánh Cao Đài tại Tây Ninh.
Từ năm 2021 đến năm 2023, tính riêng đạo Tin Lành, Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận thêm 170 điểm nhóm, 6 tổ chức tôn giáo trực thuộc ở khu vực miền núi phía Bắc; chấp thuận thêm 11 tổ chức tôn giáo trực thuộc từ các điểm nhóm đã được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung trước đó ở 5 tỉnh Tây Nguyên.
Tính đến tháng 5/2024, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo.
Nhà nước Việt Nam luôn dành sự quan tâm và tạo thuận lợi cho các tôn giáo, hoạt động và phát triển theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, tạo một môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, lành mạnh.
USCIRF thật phi lý khi bênh vực những tổ chức, hội, nhóm đội lốt tôn giáo, hoạt động trái pháp luật ở Việt Nam như: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”, “Đạo Dương Văn Mình”, “Hội thánh Đức Chúa trời…," là những tổ chức không được Nhà nước công nhận và không được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo.
Trong số này có những tổ chức được xem là tà đạo, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi hoặc tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc, như tổ chức Dương Văn Mình.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân tộc Mông, đối tượng đã tuyên truyền luận điệu mê tín, dị đoan, lừa phỉnh, ép buộc người dân tộc Mông tham gia tổ chức trái với phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào, gây dư luận xấu và phức tạp về an ninh, trật tự ở các địa phương.
Hay như cái gọi là “Hội thánh Đức Chúa trời” phát triển một cách cực đoan, bất chấp quy định của pháp luật Việt Nam, bộc lộ những tác hại tiêu cực, trái với truyền thống, đạo đức của người Việt như cưỡng ép, xúi giục người theo từ bỏ phong tục thờ cúng ông bà, tổ tiên, bất hiếu với cha mẹ, dùng mê tín, thần quyền o ép tín đồ...
Bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới đều phải có luật pháp để duy trì trật tự xã hội. Vì vậy những đối tượng cố tình lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đều bị pháp luật Việt Nam xử lý nghiêm minh.
Những báo cáo, đánh giá của USCIRF không phản ánh đúng thực tiễn tại Việt Nam mà chỉ tăng thêm sự bất đồng, mâu thuẫn giữa các quốc gia trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong bối cảnh quan hệ Việt-Mỹ hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025 và hai nước vừa kỷ niệm một năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, những tiếng nói lạc lõng như vậy không có lợi cho bất kỳ bên nào, đi ngược lại xu thế hòa giải, gác lại quá khứ hướng tới tương lai, cùng hợp tác phát triển.
Thiết nghĩ đã đến lúc USCIRF cần tôn trọng sự thật, chấm dứt những luận điệu xuyên tạc, cách nhìn định kiến và đánh giá phiến diện, dựa trên thông tin thiếu kiểm chứng như vậy về thực tế tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.