Tinh gọn bộ máy - bài học từ thời phong kiến
Dù mỗi thời mỗi khác song cách làm của nhà nước phong kiến về tinh gọn bộ máy, giảm số quan lại cũng cho chúng ta thêm những thông tin bổ ích trong ''cuộc cách mạng'' hôm nay.
3 đợt giảm nhân sự lớn
Trong sách ''Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam - một bộ máy hành chính trước thử thách (1820-1918)'', tiến sĩ Emmanuel Poisson đã dành 6 trang sách đề cập vấn đề tinh giản biên chế trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam.
Thời phong kiến ở Việt Nam, bộ máy nhà nước quân chủ đã nhiều lần được cải cách, tinh gọn, song các tư liệu lịch sử cho thấy có 3 lần tinh giản lớn dưới các triều vua Lê Thánh Tông, Lê Chiêu Thống và Minh Mạng.
Lê Thánh Tông (1442-1497) là một vị vua tài giỏi. Giai đoạn ông trị vì, triều đình phong kiến và nước Việt Nam rất hưng thịnh. Nhà bách khoa toàn thư Lê Quý Đôn còn ghi lại, năm 1481, Lê Thánh Tông hạ chỉ đánh giá toàn bộ các quan được bổ dụng từ năm 1461 nhằm tiến tới việc tinh giản bộ máy. Nhờ vậy, số quan lại dưới thời Hồng Đức (1470-1497) đã giảm từ 5.398 người chỉ còn 500 người ở thời Lê trung hưng (1533), tức là giảm gần 93%.
Một sự tinh gọn rất mạnh mẽ trong một thời gian dài.
Thời vua Lê Chiêu Thống (1765-1793), vào năm 1787, triều đình phong kiến cũng có một đợt tinh giản. Số lượng nhân sự thuộc 6 bộ (Hình, Lại, Binh, Hộ, Lễ, Công) từ 429 người xuống còn 320 người (giảm 25%).
Tư liệu về tinh giản quan lại thời phong kiến từ thời Nguyễn về trước không có nhiều, ít cụ thể. Từ thời Nguyễn, số liệu mới chi tiết và rõ ràng hơn.
Phải nhắc đến một đợi cải cách đáng kể dưới thời vua Minh Mạng.
Vua Minh Mạng đứng đầu, cùng nhiều người khác đã chủ trương phải giảm bớt quan và lại (người giúp việc cho quan) trong bộ máy để đạt được 3 mục đích: giảm bớt thuế khóa nuôi bộ máy cồng kềnh; tăng tính hiệu quả của bộ máy cai trị sau khi tinh giản và chống lợi ích nhóm của hệ thống người nhà, người quen, người địa phương.
Một số đề xuất của các bộ trong việc tăng số lượng quan lại trong triều đã bị Minh Mạng thẳng thừng bác bỏ: ''Đầu đời đương triều đặt viên dịch, so với đời tiên đế có tăng không giảm. Năm gần đây lại nghĩ hai Bộ Hộ, Binh nhiều việc, đặt thêm nhân viên so với trước đã gấp rưỡi. Nay nếu cứ theo lời xin thì đến đâu cho cùng? Vả lại các nha môn, người liêm cần giỏi giang tuy không thiếu, mà người lười biếng tầm thường cũng không ít, bởi vì lúc đầu cất nhắc có khi lầm ở lời nói, coi dáng mạo mà dùng thực cũng không trách làm gì, hoặc giả nể là người làng hay ngấm ngầm đi lại, đến nỗi quan có người không xứng chức, lại có người không được việc, thế là lỗi ở ai? Nếu không xét cùng đến nguồn gốc mà muốn số ngạch ngày tăng lên, rồi cứ bắt chước nhau mà ngồi rồi ăn không, thì dẫu nhiều mà có ích gì? Nay nên một lòng giữ công bằng trung tín, các người thuộc viên quan trên, thường kiểm xét luôn, giỏi thì tiến lên, hèn thì cho về''.
Đại thần Nguyễn Trường Tộ được biết đến là có nhiều ý tưởng cải cách, đổi mới đất nước cũng kiến nghị hợp nhất một số tỉnh, huyện. Ông đề nghị giảm bớt số quan lại bằng việc đơn giản hóa các đơn từ, tấu sớ và giảm bớt các án từ. Ông đề nghị các quan chỉ lập án đối với những việc nghiêm trọng như trộm cướp, giặc giã.
Kết quả, việc tinh giản được thực hiện từ đời vua Minh Mạng đến vua Tự Đức. Đối tượng bị tinh giản là nhân viên thư lại các nha môn tỉnh, thành phố phía bắc. Năm 1831, tổng số nhân viên thư lại là 1.072 người, giảm chỉ còn 585 người vào năm 1867.
''Giỏi thì tiến lên, hèn thì cho về''
Câu chuyện của tiền nhân gợi điều gì cho công cuộc tinh gọn bộ máy đang đang được Đảng, Nhà nước triển khai khẩn trương, quyết liệt hôm nay?
Điều đầu tiên là mục đích, yêu cầu chính đáng, cần kíp của việc làm này. Tinh gọn bộ máy để giảm gánh nặng tiền thuế, ngân sách nuôi bộ máy cồng kềnh. Tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của nền hành chính công vụ, giảm tầng nấc, đầu mối trung gian để công việc thuận lợi, nhanh chóng.
Tình trạng đề bạt, sử dụng người thân quen, lợi ích nhóm vốn đã được nêu ra từ nhiều năm nay trong hệ thống chính trị. Và tinh gọn bộ máy cũng là một biện pháp để khắc phục tình trạng này.
Bài học tinh gọn bộ máy thời phong kiến cũng chỉ ra 2 cách làm để tinh gọn bộ máy hiệu quả. Cách thứ nhất, như vua Minh Mạng chỉ ra là ''giữ công bằng trung tín", "các người thuộc viên quan trên, thường kiểm xét luôn, giỏi thì tiến lên, hèn thì cho về''. Tức là cấp có thẩm quyền phải lấy lẽ công bằng để xem xét cán bộ, công chức, viên chức. Người nào giỏi, có đạo đức thì giữ lại, trọng dụng; còn người yếu kém ''cho về''.
Cách thứ hai, đi đôi với việc giảm bớt số lượng người trong bộ máy thì cần cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm bớt thủ tục rườm rà, đẩy mạnh số hóa... Trong sự vận hành của bộ máy thì Nhà nước chỉ làm những việc gì khối tư nhân không làm được, hoặc làm không tốt. Nhà nước không nên ''ôm'' quá nhiều việc.