Tản mạn ở những ‘thành phố thịt chim hoang dã’
Xin được kể câu chuyện về những 'thành phố thịt chim' theo đúng nghĩa, để chúng ta cùng quyết tâm nâng cao thực thi luật pháp, để bảo vệ những loài chim hoang dã. Cách làm ở Đảo Cò, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương cần được nhân rộng…
Bẫy, bắn chim trời bằng công nghệ cao và siêu… hiệu quả
Hải Dương được giới nghiên cứu và bảo tồn chim hoang dã đánh giá cao, với sự bài bản trong giữ gìn Đảo cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện). Hàng vạn cá thể chim thơ mộng, được tôn trọng gần như tuyệt đối, sum vầy, đông đàn dài lũ nơi đây, đã tạo ra một không gian cổ tích cho những người yêu nhiếp ảnh và yêu thiên nhiên khắp trong và ngoài nước. Đây còn là nguồn thu không nhỏ, tạo sinh kế cho cư dân sở tại, một mô hình đáng học tập ở cả nước.
Một lần, tôi được mời đồng chủ trì một cuộc hội thảo lớn về bảo tồn chim tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (để lập dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị bảo tồn chim hoang dã, chim di cư). Ngồi kế bên tôi là bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học. Hôm đó, bà Nhàn nhấn mạnh một điều rất ám ảnh, để bảo tồn được chim hoang dã Việt Nam cần xử lý các nhà hàng đặc sản chim trời đang mọc lên như nấm sau mưa trước tiên.
Tôi đưa một số người bạn là nhiếp ảnh gia chụp thiên nhiên hoang dã đi thăm thú Hà Nội. Tôi ở Hà Nội hơn 30 năm liên tục, quen với cảnh nơi này khuyết vắng hoặc đôi lúc là nhiều dãy phố, đi cả ngày không gặp một bóng chim nào. Có lẽ điều đó đã làm tôi trơ lỳ cảm xúc. Còn các bạn ngoại quốc thì đều có một câu cảm thán gần như nhau: “NO BIRDS” (không có một bóng chim); “Why?” (tại sao). Tôi giật mình xem lại các thước phim mình đã quay và ngẫm lại ký ức mấy chục quốc gia mình đã đi qua. Ở khắp các thành phố, đôi lúc, xe lướt qua, lũ quạ, lũ chim cu, lũ chim sáo bay ào lên như một đám mây mơ tưởng. Góc phố nào, con đường nào cũng lóc chóc, ríu ran...
Tôi từng viết: ở Đức, chim sâm cầm “tiến Vua” bán triệu rưởi một con lúc “lên mâm” xứ ta cứ đứng ngẩn tò te tràn lan ven các hồ nước. Tôi giơ điện thoại chụp cũng đủ nét đanh và giơ tay ra là gần như sờ thấy chúng. Ở Ấn Độ, vào công viên, giơ tay ra là chim, sóc đậu vào và bò lên vai bạn. Brazil, hoang thú từ rừng vào, luồn dưới gầm bàn ăn và cà vào chân bạn như lũ mèo nhà. Ở Mỹ, một độc giả người gốc Việt sống ở đó đã gần 50 năm viết thư cho tôi khi đọc các phóng sự của tôi về thiên nhiên Việt Nam bị chọc tiết, rằng, bạn chỉ cần bắn một con cò ngoài tự nhiên, cảnh sát có thể phạt bạn tới 10.000 đô la Mỹ. Luật phải nghiêm thì mới ngăn chặn được những kẻ vô lối. Ở Singapore, chim săn mồi (loài tinh ranh và có tính cảnh giác cao nhất) đậu trên cành cây thâm thấp, ngắm dòng người tản bộ công viên và thi thoảng chao liệng, thản nhiên bắt cá cách vị trí người xem vài ba mét. Ở Thuỵ Sỹ, tôi chứng kiến lũ thiên nga lút thút từ dưới hồ xanh đi lên, dẫn đàn con lít nhít trĩu trịt qua đường, cả đoàn xe dài phải dừng lại cho chàng nàng thong dong…
Vì sao tiếng hót hay, màu lông và hình dáng đẹp, điệu múa say tình của các loài chim hoang dã cứ mai một dần và nhiều loài gần như đi vào tuyệt chủng trong quan sát hằng ngày của người dân? Vì chúng ta có những “thành phố thịt chim” với la liệt nhà hàng và các chuỗi nhà hàng đặc sản bán đủ loại chim từ to đến bé, từ quý hiếm tới thông thường, từ chim cạn tới chim nước, từ chim bản địa tới chim di cư? Vì chúng ta có cả một rừng luật nhưng công tác thực thi trong lĩnh vực này còn quá nhiều khoảng trống. Nạn bẫy bắt với công nghệ ngày càng “siêu đẳng” và siêu… hiệu quả; buôn bán, giết thịt chim trời tràn lan chưa được kiểm soát như cần phải có, dù chế tài khá đầy đủ và ngày càng nghiêm khắc.
Không biết tôi viết điều này ra, có phải là thêm một lần quảng bá cho các quần thể nhà hàng đặc sản mọc lên như nấm sau mưa ở các “thành phố thịt chim” kiểu như Hà Nam, Bắc Ninh, rồi các chợ nông sản “địa ngục chim trời” khét tiếng kiểu như ở thị trấn huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long Anh hay không?
Sở dĩ tôi tự hỏi như vậy vì trong thời buổi bùng nổ truyền thông mạng xã hội này, các chủ hệ thống nhà hàng đặc sản chim trời tuyển nhân viên quảng bá “thương hiệu”, trả lương hằng tháng. Để các bạn trẻ này hằng ngày chăm sóc “mạng mẽo” và livestream bán chim trời ầm ĩ. Họ mở chuỗi nhà hàng mang thương hiệu của mình, ở tỉnh mình, ở Hà Nội, ở các thành phố vệ tinh. Thật sự không thể lý giải nổi giữa thủ đô Hà Nội, khi mà quy định và luật đều ghi rõ, bắt con chim hoang dã thông thường như chim sâu ở quê, chim sẻ trên phố cũng bị xử lý, thế mà nhiều chim trời bị giết mỗi ngày, trong đó có cò ốc, diệc lửa, diệc xám, sâm cầm, nhiều loài quý hiếm được bảo vệ đặc biệt khác. Tất cả được tung hô trên mạng xã hội công khai, khách vào ra nườm nượp giữa thanh thiên bạch nhật.
Nhiều người sẽ thắc mắc, bằng cách nào mà họ bắt được hàng vạn cá thể chim hoang dã để bán buôn trong một lần giao dịch? Mịt mù tăm cá bóng chim. Nhưng với công nghệ của tên lửa vũ trụ bây giờ, chỉ có sự tử tế của con người với thiên nhiên thì chim trời mới có cơ hội sống sót. Chứ họ làm loa giả tiếng chim, “kho” âm thanh của tất cả các loài chim đều miễn phí trên internet, rồi lưới mờ giăng mắc từ thấp đến cao, từ xa đến gần, từ gò đồi tới đầm phá. Không chim nào thoát nổi. Họ cũng không từ thủ đoạn dùng súng, ná, cung, nỏ, rồi dùng cả thuốc độc tẩm vào thức ăn (như cá, chuột) để giết các loài chim săn mồi. Không loài chim nào thoát được.
Mỗi giao dịch của con buôn là hàng vạn con chim hoang dã bị thảm sát
Đã qua rồi cái thời “chim trời cá nước”, mạnh ai nấy bắt, ai thích thì ăn, ai tranh đoạt được, lãi lờ thì buôn bán, kinh doanh hoặc… bảo kê. Chế tài luật nghiêm khắc và minh bạch hơn, người dân, nhất là các công dân thế giới phẳng đã ứng xử văn minh và thượng tôn thiên nhiên hoang dã hơn. Sự vào cuộc của cơ quan công an, kiểm lâm, các Sở Tài nguyên và Môi trường, lực lượng quản lý thị trường… đã khiến các đối tượng giết chóc chim trời phải dè chừng hơn.
Tuy nhiên, chỉ cần “nhập vai” một chút, chúng tôi vẫn được chủ các chuỗi nhà hàng giết hàng vạn chim trời mỗi ngày tiết lộ, họ buôn bán online, vận chuyển qua xe khách và xe bán tải bí mật. Vô số “hàng” tươi sống nguyên con và hàng đông lạnh. Bị kiểm tra thì họ đưa các chú diệc xám, diệc lửa, bồ nông nặng vài ký lô một con lên căn gác trên tầng cao. Họ buộc chặt cặp mỏ dài và sắc nhọn của chú chim lại, rồi giết mổ tưng bừng, xú uế tanh tưởi…
Vài nhà hàng ở Hà Nội, ở thời điểm hoá trang tìm hiểu của chúng tôi, họ mang chim quý hiếm (như sâm cầm) ra bàn tiệc, chim vẫy vùng phành phạch, để cho khách xem hàng trước khi cắt tiết và giết mổ tại chỗ. Ở Bắc Ninh, người ta phục vụ cả nhạc sống tưng bừng, từng đoàn khách sang trọng lũ lượt tới đánh chén thịt chim trời các loại từ to đến bé. Thực đơn ghi công khai, hoá đơn bán hàng cũng ghi công khai “thịt chim trời” để về cơ quan thanh toán, không e dè bất cứ điều gì. Một đầu bếp tiết lộ với nhà báo, mỗi ngày họ thu về tới 700 triệu đồng nhờ bán các loài chim trời và phục vụ ca nhạc khi khách đang ăn ở “hội trường lớn” (thông tin này đã đăng báo).
Chúng tôi tố cáo tới cơ quan chức năng, các đối tượng bị xử lý, khi có nhiều nghìn đến cả vạn con chim đông lạnh và cả chim sống các loại nhốt trong chuồng bị thu giữ, tiêu huỷ, tái thả về tự nhiên. Tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Ninh, Tiền Giang, Long An, TP Hà Nội… chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu, tố cáo, chỉ trong một chiến dịch ra quân của nhà báo đã thấy la liệt vi phạm. Thậm chí, cơ quan kiểm lâm ở Bắc Ninh còn lúng túng: bắt được nhiều chim hoang dã còn sống thế này thì lấy đâu ra chỗ nuôi nhốt. Chúng ăn cái gì và làm thế nào để chúng sống được cho đến lúc đủ thủ tục thả về bầu trời? Không lẽ mang về trụ sở chi cục kiểm lâm để chăm sóc? Thật sự là tình trạng ấy mà không được cải thiện thì chim trời dĩ nhiên không lối thoát.
Vẫn là câu chuyện của buông lỏng hoặc thiếu hiệu quả trong quản lý “chim trời cá nước”. Nếu chúng ta biết rằng, trong chuỗi cân bằng của hệ sinh thái… đều có vai trò không thể thay thế của thiên nhiên hoang dã, trong đó có các loài chim tuyệt đẹp thì việc bảo vệ chúng sẽ được thượng tôn. Dịch bệnh nguy hiểm cũng ra đời từ sự đứt gẫy các mắt xích quan trọng của hệ sinh thái. Các dịch bệnh khiến loài người liên tục phải nghĩ về sự tuyệt diệt, ngày tận thế như Ebola, Sars, Covid-19 (thứ đại dịch ra đời từ sự đối xử không tử tế của con người với động vật hoang dã) đều có những câu trả lời nhãn tiền.
Bạn có thể theo chúng tôi mở những tủ đông lớn, ở đó các loài chim bị giết mổ, làm sạch, cấp đông, bán khắp cả nước. Mỗi “phên” chim, mỗi túi hút chân không là khoảng một vài… trăm cá thể chim vô tội. Ngoài đồng, ven sông, biển, trên rừng, từng dây lưới dài và rộng căng như thiên la địa võng.
Có khi, trong một bức ảnh, chúng tôi ghi nhận cả trăm con chim chết khô mục nát. Lý do là chim bé chim mắc lưới, chết lẻ tẻ nên các chủ lưới “không bõ bèn gì” đi gỡ bắt. Các loại lưới, bẫy, súng và chất độc giết chim trời công khai bán trên mạng xã hội, bán khắp các chợ quê và các hiệu tạp hoá...
Vì 4 quả trứng vích, 5 đối tượng bị phạt 2 năm tù và hơn 1 tỷ đồng
Dễ lắm, chim trời, chỉ cần không bắt, bẫy, giết là chúng sẽ phục hồi, sẽ sinh sản đông đàn dài lũ. Chúng vây quanh và đem lại các giá trị tuyệt bích cho cuộc sống. Thật xấu hổ khi mà các “thành phố đặc sản chim trời” mọc lên như một sự thách thức đạo đức sống với thiên nhiên và các quy định luật pháp nhân văn của chúng ta. Xấu hổ nữa là nhiều loài chim quý, cả thế giới chỉ có vài trăm cá thể mà giữa hành trình di cư dọc vỏ trái đất “ghé bến” Việt Nam thì bị bắt, giết. Đến cái vòng ghi chỉ số của giới khoa học đeo ở chân con chim quý hiếm, lúc ăn thịt chúng nhiều thực khách ở ta vẫn không biết nó là cái gì. Mà có biết thì cũng… vẫn ăn như thường. Thậm chí còn hỉ hả, chúng ta đang nhậu chim quý.
Chúng ta đã quá sai lầm khi coi “chim trời cá nước” là thứ mạnh ai nấy bắt, mạnh ai nấy ăn. Bởi những tai hại do nạn tàn sát chim trời làm đứt gẫy chuỗi cân bằng sinh thái, lây lan dịch bệnh...
Trước khi quá muộn, lúc này, chúng ta cần có chế tài và sự thực thi luật bài bản và quyết liệt hơn nữa. Tại sao chúng ta lại đi đếm số lượng chim bị giết, cân chúng lên, rồi quy ra giá tiền lô hàng vi phạm kia rồi mới xử lý, mức phạt như phủi bụi. Sao ở nước ngoài, họ phạt 10.000 đô la cho bất cứ ai, dù bắn một con cò? Vi phạm là xử lý.
Bài học có ý nghĩa cảnh tỉnh cao, vừa diễn ra sau khi nữ du khách Đỗ Thị Lệ Hoa người tỉnh Bắc Ninh bị phát hiện mang theo 4 quả trứng rùa biển tại sân bay Côn Đảo năm 2024. Toà án huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xử 2 năm tù và phạt hơn 1 tỷ đồng với nhóm của Hoa.
Nếu chính quyền và người dân đồng thuận thì chỉ cần hạ quyết tâm xử nghiêm và đặc biệt nghiêm các vi phạm. Ai vác súng săn ra đồng bắn chim, ai tàng trữ chim trời trái phép, ai săn bắn và ai ăn thịt chim trời hoang dã… đều bị xử lý thì đàn chim hoang dã sẽ được bảo vệ.
Khi xâm nhập, tố cáo, dẫn Đội Cơ động của Cục Kiểm lâm Việt Nam đi xử lý một “địa ngục” công khai bán các loại chim trời ven quốc lộ thuộc tỉnh Long An. Khi chứng kiến họ bán cả khỉ để nấu cao, cả vượn quý để nuôi làm cảnh, đập chết, vặt lông, treo xác các loài chim trong sách đỏ, chúng tôi đã không khỏi thất vọng. Cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở đứng ở đâu trong bi kịch giữa ban ngày ban mặt tồn tại phi pháp hàng chục năm ròng đó?
Rất may, trong bối ảnh đó, có nhiều tổ chức, cá nhân đã hết lòng dốc sức quan tâm, bảo tồn và thúc đẩy thực thi luật pháp trong lĩnh vực này. Dần dà, dù không nhanh như mong đợi, thiên nhiên đã phục hồi và bảo bọc cuộc sống của chúng ta. Chuyện về những người truyền cảm hứng đó, họ cần sự vào cuộc của tôi, bạn và tất cả chúng ta một cách mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa.