Phải rời cơ quan nhà nước, tâm tư rồi phải quyết tâm...
Chủ đề cafe sáng nay là chuyện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Bao nhiêu tâm tư, bao nhiêu nỗi niềm…
Cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy có thể khiến hàng triệu người từng gắn bó với vị trí công chức, viên chức, người lao động ổn định cuộc sống từ tiền lương, phụ cấp ngân sách nhà nước chi trả phải rời vị trí, bắt đầu công việc mới. Không có ngành nào là ngoại lệ.
Giữa bước chuyển mình của đất nước, “chịu đau để đạt được mục tiêu lớn hơn” không chỉ là một quyết sách đúng đắn mà còn là thực tế gian nan nhiều người phải đối diện. Quá khứ có nhiều sai sót, nhưng giờ không cần thiết phải đổ lỗi cho ai…
Điều đáng suy ngẫm ở đây không chỉ là câu chuyện về chính sách mà còn là câu chuyện về con người, nhất là những người từng mang hoài bão, đam mê với nghề. Đơn cử như trong ngành báo chí, nhiều người bước vào nghề với lý tưởng làm điều có ý nghĩa, mang lại giá trị cho cộng đồng. Nhưng giờ đây, họ phải bước sang một hành trình mới, rời xa những gì từng gắn bó sâu sắc.
Sự thay đổi dù cần thiết cũng luôn để lại khoảng trống và cảm giác mất mát. Nhưng xã hội có thể nhìn những bước chuyển này từ một góc khác? Một cái nhìn nhân văn và lạc quan hơn không?
Giữa “sự đau” của cuộc tinh giản, thái độ hả hê hay mỉa mai với những ai bị ảnh hưởng là điều không nên có. Bởi mọi quyết định đều mang tính lịch sử, số phận con người mới là điều đáng được đồng cảm. Đừng để những vết cắt cần thiết trở thành nỗi đau vô nghĩa. Cần nhiều hơn những hỗ trợ thực chất để mỗi người có thể vững vàng bước trên chặng đường mới.
Mỗi giai đoạn thay đổi là một cơ hội để mỗi người tự tái định nghĩa bản thân. Tinh giản không phải là kết thúc, mà là lời nhắc ta rằng luôn có thể bắt đầu lại ở những vai trò mới. Những người làm quản lý nhà nước về lao động với vốn kiến thức, kỹ năng và sự nhạy bén hoàn toàn có thể tiếp tục đóng góp cho xã hội bằng nhiều cách khác. Họ có thể mở trung tâm dịch vụ việc làm. Hay đơn giản lập một trang trên internet để môi giới việc làm, tìm người giúp việc cho những gia đình neo người…
Việc tinh gọn bộ máy không chỉ là thử thách cho từng cá nhân mà còn là cơ hội để bộ máy nhà nước vận hành hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn, sát với mục tiêu của thời đại hơn. Những thay đổi này, dù khó khăn, vẫn mở ra cánh cửa mới cho sự phát triển.
Lạc quan trong “nỗi đau”, bình tĩnh trước đổi thay, luôn sẵn sàng đứng lên từ những ngã rẽ – đó là điều những người trong cuộc cần khích lệ lẫn nhau. Từ ngành lao động – thương binh và xã hội, ngân hàng nhà nước, rồi tài chính, kế hoạch và còn nhiều ngành nghề khác nữa vốn rất đông công chức, viên chức, người lao động.
Cùng lật lại lịch sử, đất nước ta từng có những cuộc tinh giản, thậm chí “về một cục” quy mô lớn ở những năm đầu xoá bỏ bao cấp. Khó khăn bộn bề với người lao động vốn làm việc theo nếp quen, rồi mất việc và buộc phải bước ra thương trường khốc liệt.
Nước lên thuyền lên. Những người vụng về nhất cũng có “miếng cơm, manh áo” tươm tất hơn thời bám vào Nhà nước khi nhiều cơ hội mới được mở ra cùng với nền kinh tế nhiều thành phần. Nhiều người đã thành công lớn, trở thành chủ doanh nghiệp…
Quá khứ đã cho đất nước ta những kinh nghiệm ra quyết định đúng đắn. Chân cứng đá mềm, hành trình còn dài và giá trị của mỗi người chưa bao giờ dừng lại.