Tư liệu

Hành trình thay đổi hình ảnh của thủ lĩnh phe nổi dậy vừa lật đổ Tổng thống Syria

TB (theo Báo Tin tức) 10/12/2024 11:54

Abu Mohammed al-Golani, thủ lĩnh quân nổi dậy vừa lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đã dành nhiều năm để xây dựng lại hình ảnh trước công chúng.

abu-mohammed-al-golani.png
Abu Mohammed al-Golani, người chỉ đạo chiến dịch lật đổ cựu Tổng thống Syria Assad

Theo tờ New York Times, sau nhiều năm ít được chú ý, Abu Mohammad al-Golani đã chỉ huy một chiến dịch tấn công chớp nhoáng, gây chấn động dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria sau hơn 13 năm nội chiến tàn khốc.

Al-Golani đã dành nhiều năm để xây dựng lại hình ảnh trước công chúng, từ bỏ mối quan hệ lâu năm với al-Qaeda và tự tuyên bố mình là người ủng hộ chủ nghĩa đa nguyên và lòng khoan dung.

Khi tiến vào thủ đô Damascus ngày 8/12, sau loạt chiến thắng, ông thậm chí còn bỏ biệt danh Abu Mohammad al-Golani và tự gọi mình bằng tên thật, Ahmad al-Sharaa.

Nhưng sự chuyển đổi từ một nhân vật cực đoan thánh chiến thành một người muốn xây dựng nhà nước hiện đang được thử thách.

Ông al-Golani, 42 tuổi, là thủ lĩnh của Hayat Tahrir al-Sham (HTS), một nhóm Hồi giáo từng có liên hệ với al-Qaeda, từ lâu đã kiểm soát hầu hết tỉnh Idlib ở phía Tây Bắc Syria trong thời gian bế tắc kéo dài của cuộc xung đột.

"Cho đến nay, ông ấy là nhân vật quan trọng nhất trên thực địa ở Syria", Jerome Drevon, một nhà phân tích cấp cao về thánh chiến và xung đột hiện đại tại Nhóm Khủng hoảng quốc tế, người đã gặp al-Golani nhiều lần trong năm năm qua, cho biết.

Vào cuối tháng 11, HTS đã phát động thách thức quan trọng nhất đối với chế độ của Tổng thống al-Assad trong một thập kỷ, quét qua Aleppo, thành phố lớn nhất của Syria, trước khi tiến về phía Nam, chiếm một loạt tỉnh mà không gặp phải nhiều sự kháng cự. Quân nổi dậy cuối cùng đã tràn vào thủ đô Damascus, buộc ông al-Assad phải trốn chạy sang Nga.

Hành trình phức tạp

Theo hãng tin AP, vài giờ sau khi Damascus thất thủ, al-Golani đã lần đầu tiên xuất hiện tại Nhà thờ Hồi giáo Umayyad mang tính biểu tượng của thành phố, tuyên bố sự sụp đổ của chính quyền al-Assad là "chiến thắng cho quốc gia Hồi giáo".

Al-Golani, người đã bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố, và lực lượng nổi dậy của mình, HTS – với nhiều tay súng trong số đó là chiến binh “thánh chiến” - hiện đang là một nhân tố chính.

Sinh ra với tên Ahmed Hussein al-Shara ở Saudi Arabia, al-Golani là con của một gia đình người Syria lưu vong. Vào cuối những năm 1980, gia đình ông chuyển về Syria và vào năm 2003, ông đã đến nước láng giềng Iraq để gia nhập al-Qaeda và chống lại sự chiếm đóng của Mỹ.

Trong thời gian này, al-Qaeda đã sáp nhập các nhóm có cùng chí hướng và thành lập Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cực đoan Iraq, do Abu Bakr al-Baghdadi lãnh đạo.

Theo các báo cáo của phương tiện truyền thông Arab và giới chức Mỹ, al-Golani đã bị giam giữ nhiều năm trong một nhà tù của Mỹ ở Iraq.

Năm 2011, một cuộc nổi dậy của người dân Syria chống lại chính quyền trung ương đã gây ra một cuộc đàn áp của chính phủ và dẫn đến nội chiến toàn diện.

Sự nổi tiếng của al-Golani tăng lên khi al-Baghdadi cử ông ta đến Syria để thành lập một chi nhánh của al-Qaeda có tên là Mặt trận Nusra. Mỹ đã liệt kê nhóm này là một tổ chức khủng bố và treo thưởng 10 triệu đô la để bắt được al-Golani.

Mặt trận Nusra cuối cùng đã phát triển thành HTS ngày nay.

abu-mohammed-al-golani1.png
Abu Mohammed al-Golani, thủ lĩnh của chi nhánh al-Qaeda tại Syria, thảo luận với các chỉ huy ở Aleppo, Syria năm 2016

Trong nhiều năm, al-Golani đã nỗ lực củng cố quyền lực, trong khi bị kìm kẹp tại tỉnh Idlib ở góc Tây Bắc Syria trong bối cảnh chính quyền Tổng thống al-Assad được Iran và Nga hậu thuẫn và kiểm soát phần lớn lãnh thổ nước này.

Ông loại bỏ các đối thủ cạnh tranh và đồng minh cũ. Al-Golani cũng tìm cách đánh bóng hình ảnh "chính phủ cứu rỗi" của mình, vốn đã điều hành khu vực Idlib để giành được sự ủng hộ của một số chính phủ quốc tế đồng thời trấn an các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số của Syria. Ông cũng xây dựng mối quan hệ với nhiều bộ lạc và các nhóm khác.

Trên hành trình giành quyền lực, al-Golani đã rũ bỏ bộ trang phục của một chiến binh Hồi giáo cứng rắn và mặc vest để trả lời phỏng vấn báo chí, nói về việc xây dựng các thể chế nhà nước và phân cấp quyền lực để phản ánh sự đa dạng của Syria.

"Syria xứng đáng có một hệ thống chính quyền mang tính thể chế, không có nơi nào mà một người cai trị duy nhất đưa ra các quyết định tùy tiện", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN tuần trước, phát tín hiệu về khả năng HTS cuối cùng sẽ bị giải thể sau khi chính quyền al-Assad sụp đổ.

"Đừng đánh giá bằng lời nói, mà hãy bằng hành động", ông al-Golani nói.

Chú thích ảnh
Các lực lượng đối lập tại khu vực TP Homs, Syria

Mặt trận Nusra và xung đột Syria

Khi cuộc nội chiến ở Syria leo thang vào năm 2013, tham vọng của al-Golani cũng vậy. Ông đã bất chấp lời kêu gọi của al-Baghdadi về việc giải tán Mặt trận Nusra và sáp nhập với hoạt động của al-Qaeda tại Iraq, để thành lập Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria, hay ISIS.

Sau đó, al-Golani dẫn dắt Mặt trận Nusra tách khỏi ISIS, thậm chí đã chiến đấu với ISIS và loại bỏ phần lớn đối thủ của mình trong số các lực lượng đối lập vũ trang ở Syria chống lại chính quyền al-Assad.

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên vào năm 2014, al-Golani che mặt, nói với một phóng viên của kênh truyền hình Qatar Al Jazeera rằng ông từ chối các cuộc đàm phán chính trị tại Geneva để chấm dứt xung đột.

Ông cho biết mục tiêu của mình là chứng kiến ​​Syria được cai trị theo luật Hồi giáo và khẳng định rõ ràng rằng không có chỗ cho các nhóm thiểu số Alawite, Shiite, Druze và Cơ đốc giáo ở đất nước này.

Củng cố quyền lực và đổi "thương hiệu"

Vào năm 2016, al-Golani lần đầu tiên công khai khuôn mặt của mình trong một thông điệp video thông báo rằng nhóm của ông sẽ đổi tên thành Jabhat Fateh al-Sham -– Mặt trận Chinh phục Syria -- và cắt đứt quan hệ với al-Qaeda.

“Tổ chức mới này không liên kết với bất kỳ thực thể bên ngoài nào”, ông nói trong đoạn video được quay khi mặc quân phục và đội khăn xếp.

Động thái này mở đường cho al-Golani khẳng định quyền kiểm soát hoàn toàn đối với các nhóm chiến binh đang chia rẽ. Một năm sau, liên minh của ông lại đổi tên thành Hayat Tahrir al-Sham -– nghĩa là Tổ chức Giải phóng Syria (HTS) -- khi các nhóm này sáp nhập, củng cố quyền lực của al-Golani ở tỉnh Idlib.

Sau đó, HTS đã đụng độ với các chiến binh Hồi giáo độc lập phản đối việc sáp nhập, càng khiến al-Golani và nhóm của ông trở thành thế lực hàng đầu ở Tây Bắc Syria, có thể cai trị bằng nắm đấm sắt.

Với quyền lực được củng cố, al-Golani đã khởi động một cuộc chuyển đổi mà ít ai có thể tưởng tượng được. Thay bộ quân phục bằng áo sơ mi và quần dài, ông bắt đầu kêu gọi sự khoan dung và đa nguyên tôn giáo.

Ông kêu gọi cộng đồng người Druze ở Idlib, nơi mà Mặt trận Nusra từng nhắm tới, và đến thăm gia đình của những người Kurd bị lực lượng dân quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn giết hại.

Chú thích ảnh
Các tay súng nổi dậy chiếm quyền kiểm soát TP Hama ở Syria, ngày 6/12/2024

Năm 2021, ông đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với một nhà báo người Mỹ trên PBS. Mặc áo khoác blazer, với mái tóc ngắn vuốt ngược ra sau, thủ lĩnh HTS giờ đây nói năng nhẹ nhàng hơn, cho biết nhóm của ông không gây ra mối đe dọa nào cho phương Tây và các lệnh trừng phạt áp đặt đối với nhóm này là bất công.

"Đúng vậy, chúng tôi đã chỉ trích các chính sách của phương Tây", ông nói. "Nhưng việc tiến hành một cuộc chiến chống lại Mỹ hoặc châu Âu từ Syria thì không đúng. Chúng tôi không nói rằng chúng tôi muốn chiến đấu (với họ)".

Trong những năm gần đây, al-Golani và nhóm của mình đã xây dựng một chính quyền tại lãnh thổ mà họ quản lý, thu thuế, cung cấp các dịch vụ công hạn chế và thậm chí cấp thẻ căn cước cho cư dân. Họ cũng bị chỉ trích từ trong và ngoài nước vì sử dụng các chiến thuật độc đoán và đàn áp bất đồng chính kiến.

Người ta đã đặt ra câu hỏi về việc ông al-Golani sẽ ủng hộ loại chính quyền nào và liệu người dân Syria có chấp nhận chính quyền đó hay không. Ở Idlib, HTS đã ủng hộ một chính phủ được chỉ đạo bởi một hệ tư tưởng Hồi giáo Sunni bảo thủ và đôi khi là cứng rắn.

Kể từ khi cuộc tấn công của phiến quân bắt đầu, ông al-Golani đã tìm cách trấn an các cộng đồng thiểu số từ các giáo phái và tôn giáo khác. Nhưng một số nhà phân tích cho biết hiện ông đang phải đối mặt với thử thách của cuộc đời mình: liệu ông có thể đoàn kết người dân Syria hay không.

TB (theo Báo Tin tức)