Trường học thu các khoản thế nào cho đúng?
Hướng dẫn việc thu, quản lý, sử dụng các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập ở Hải Dương của liên Sở Giáo dục và Đào tạo - Tài chính Hải Dương giúp các trường học chủ động, công khai các khoản thu.
Tăng tính chủ động cho các trường
Ngày 18/10, HĐND tỉnh Hải Dương ban hành Nghị quyết số 17/2024/NQ-HĐND quy định mức thu học phí và danh mục các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu, chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương thay thế Nghị quyết 08/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Một số khoản thu theo Nghị quyết 08 đã không có trong Nghị quyết số 17 như: khoản thu dạy 2 buổi/ngày ở tiểu học và làm quen tiếng Anh đối với trẻ mẫu giáo; dạy thêm, học thêm trong trường THCS, THPT, học thêm tiếng nước ngoài, học kỹ năng sống; đồ dùng, đồ chơi và học liệu (đối với mầm non); thẻ học sinh; hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ nghệ thuật, thể dục thể thao; nước uống.
Sau khi Nghị quyết 17 ban hành, các trường đều loay hoay chưa biết thực hiện một số khoản thu này ra sao do một số hoạt động và dịch vụ hỗ trợ giáo dục đã được triển khai ngay từ đầu năm học 2024-2025. Các trường đã thu một số khoản như tiền bảo hiểm, nước uống, thẻ học sinh. Các khoản như dạy 2 buổi/ngày ở tiểu học, làm quen tiếng Anh đối với trẻ mẫu giáo và học sinh lớp 1, lớp 2, dạy thêm, học thêm... các trường chưa thu.
Hướng dẫn việc thu, quản lý, sử dụng các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh từ năm học 2024-2025 của liên Sở Giáo dục và Đào tạo - Tài chính Hải Dương đã kịp thời định hướng, giúp các trường chủ động triển khai các khoản thu.
Ngoài các khoản đã có mức thu cụ thể trong Nghị quyết 17/2024/NQ-HĐND thì một số khoản được hướng dẫn thu theo các văn bản khác, chủ yếu là thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các thông tư này không đưa ra mức thu cụ thể mà quy định mức thu phải căn cứ điều kiện thực tế, thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường...
Cô giáo Đoàn Thị Bích Thuỷ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Bình (TP Hải Dương) cho biết căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, việc quy định như vậy đã giao quyền chủ động cho các trường tự tính toán và hạch toán thu chi.
Ví dụ tiền nước uống là khoản thu mà các trường loay hoay. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT - BYT - BGDĐT ngày 12/5/2016 của Liên Bộ Y tế - Giáo dục và Đào tạo về công tác y tế trường học, một số trường học đã căn cứ vào mỗi học sinh sẽ dùng tối thiểu 0,5 lít về mùa hè, 0,3 lít về mùa đông, số buổi học/tháng và giá thực tế thị trường đối với bình nước uống 20 lít (tùy vào chất lượng các hãng nước) để có thể tính ra số tiền nước uống cho học sinh.
Tương tự, khoản thu mà các trường rất quan tâm là tiền học 2 buổi/ngày, dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Một số lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện cho biết với khoản thu này sẽ phải căn cứ vào tiền lương bình quân của giáo viên, số tiết dạy quy định của các cấp học, số lượng giáo viên, số lượng học sinh đăng ký tham gia học thêm và thỏa thuận giữa phụ huynh với nhà trường để có công thức tính ra số tiền học thêm. Ví dụ, một trường THCS ở TP Hải Dương đang thu tiền học thêm trong nhà trường của học sinh khoảng 20.000 đồng/buổi.
Đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ cho biết hướng dẫn liên ngành đã định hướng được các nội dung thu chi theo các văn bản quy định; định hướng xây dựng kế hoạch các khoản thu phù hợp với điều kiện của mỗi đơn vị, điều kiện kinh tế thực tế tại mỗi địa phương; tăng quyền chủ động cho các trường. Tuy nhiên, cùng một khoản thu cũng sẽ có những mức thu khác nhau giữa các khu vực thành thị, nông thôn và miền núi hoặc có thể khác nhau ở các cấp học như tiền nước uống… Do đó, cần có thời gian cho các trường nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi xây dựng trình kế hoạch thu chi.
Rõ người, rõ việc
Các Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện đã phổ biến hướng dẫn liên ngành này tới các trường. Đồng thời đang phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện tham mưu cho UBND cấp huyện đưa ra các công thức tính toán chung đối với một số khoản thu, sau đó xin ý kiến Sở Giáo dục và Đào tạo trước khi ban hành hướng dẫn để các trường thực hiện. Các trường cũng sẽ tham khảo mức thu một số khoản theo Nghị quyết 08 để xây dựng kế hoạch thu chi trước khi trình cấp trên thẩm định.
Theo đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lộc, ở góc độ quản lý nhà nước, các Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện sẽ kiểm soát được tất cả các khâu trong thu chi của mỗi trường từ khi xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện. Trên cơ sở này, phát huy tinh thần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, nhất là các hiệu trưởng sẽ phải giải trình cụ thể, chi tiết, rõ ràng các khoản thu, từ đó có thể phần nào góp phần hạn chế tình trạng “lạm thu”…
Tuy nhiên, nhiệm vụ của các Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng lên, trong khi ít nhân lực và đều không có kế toán nên việc triển khai hướng dẫn cụ thể tới các trường sẽ không thể nhanh được. Thời điểm này đã gần hết học kỳ I của năm học 2024-2025, trong khi hầu hết các khoản thu phải lấy ý kiến của phụ huynh. Thủ tục, quy trình thực hiện mất nhiều thời gian hơn trước. Do đó phải sang học kỳ II, các trường mới có thể tổ chức họp phụ huynh để triển khai các khoản chưa thu và đối trừ các khoản đã thu theo Nghị quyết 17 và các văn bản hướng dẫn khác.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương đã đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với cơ quan tài chính phổ biến nội dung hướng dẫn liên ngành này đến các cơ sở giáo dục trực thuộc để triển khai thực hiện. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát các cơ sở giáo dục, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tình trạng “lạm thu”...