Góc nhìn

Chọn người đảm nhiệm 'hai vai' ở thôn, khu dân cư

ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN 10/12/2024 05:42

Mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư góp phần phát huy cao nhất sức mạnh lãnh đạo của chi bộ và trách nhiệm của đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Cử tri khu dân cư Khu 5 (thị trấn Kẻ Sặt) xem tiểu sử tóm tắt của ứng cử viên
Cử tri khu dân cư Khu 5, thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) xem tiểu sử tóm tắt của ứng cử viên trong đợt bầu cử trưởng khu (ảnh tư liệu)

Sở dĩ cần thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư và đặt ra mục tiêu như vậy bởi vì thôn, khu dân cư không phải là một cấp hành chính mà chỉ là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn.

Đây là nơi thực hiện dân chủ trực tiếp, rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao.

Từ thực tiễn triển khai mô hình này trên địa bàn tỉnh Hải Dương gần 10 năm qua cho thấy một người đảm nhận ''2 vai'' đã tạo được sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương, chỉ đạo từ chi bộ, tới việc thực hiện, nắm rõ tư tưởng, tình hình của nhân dân, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, không phải mất nhiều cuộc họp từ xin chủ trương đến triển khai, thực hiện.

Mô hình một người đảm nhận “2 vai” cũng phát huy cao nhất sức mạnh lãnh đạo của chi bộ và trách nhiệm của đảng viên đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở thôn, khu dân cư.

Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu dân cư sẽ sâu sát thực tế, nắm chắc tình hình chính trị, tư tưởng, việc chấp hành chính sách, pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, có sự chỉ đạo, điều hành phù hợp, sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, góp phần gắn kết giữa Đảng với nhân dân, đem lại niềm tin cho nhân dân.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai bầu trưởng thôn, khu dân cư và chuẩn bị nhân sự cho đại hội chi bộ. Để một người đảm nhận tốt “2 vai” bảo đảm tính bền vững, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và sự nỗ lực của mỗi cá nhân.

Thứ nhất, về phía tổ chức, cần tiêu chuẩn hóa các chức danh một cách cụ thể để bảo đảm tính chuyên nghiệp trong hoạt động. Đó sẽ là cơ sở để các địa phương lựa chọn nhân sự trước mắt cũng như quy hoạch nhân sự lâu dài. Thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lý luận và nghiệp vụ cho đội ngũ này để đáp ứng tốt nhiệm vụ.

Chi ủy, chi bộ ở các khu dân cư trực tiếp tìm và lựa chọn người có tinh thần trách nhiệm, có nhiệt huyết, năng lực; am hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và có kinh nghiệm thực tiễn; thành thạo ứng dụng công nghệ trong chỉ đạo, điều hành. Đảm nhận “2 vai”, vai lãnh đạo là người phải tìm ra được công việc cụ thể từng tháng, vai thứ hai là người triển khai thực hiện công việc đã tìm được trong thực tiễn cuộc sống trên địa bàn. Hiện nay ở nhiều thôn, khu dân cư, việc tìm người đáp ứng được yêu cầu đảm nhận tốt “2 vai” không phải là chuyện dễ dàng.

Đảng viên ở thôn, khu dân cư phần lớn là người nghỉ hưu, tuổi cao, số đảng viên trẻ ít, lại phải đi làm kinh tế, nhưng cũng chưa được đào tạo, bồi dưỡng để có những kiến thức và uy tín đủ để gánh vác công việc rất nặng nề. Mặt khác, công việc ở thôn, khu dân cư với tính chất là đơn vị tự quản của cộng đồng, cho nên có nhiều việc không tên, tính chất công việc thì rất đa dạng, phức tạp, làm việc không kể giờ giấc, không có văn phòng, không làm việc trong văn phòng như cán bộ, công chức nhà nước.

Bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu dân cư có vị trí vai trò rất quan trọng, giúp cho cấp ủy, chính quyền cấp xã thực hiện việc lãnh đạo và quản lý xã hội ở cơ sở. Bởi vậy lựa chọn để tìm người đảm nhận tốt “2 vai” này cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là ở cơ sở và cần sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân ở thôn, khu dân cư.

ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN