Tổng thống đắc cử Donald Trump nêu điều kiện Mỹ rời NATO
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói ông 'chắc chắn' sẽ cân nhắc việc Mỹ rời Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương nếu các đồng minh châu Âu không 'trả tiền các hóa đơn' bảo vệ an ninh cho Washington.
Xuất hiện trong chương trình "Meet the Press" của Đài NBC News hôm 8/12, ông Donald Trump – người sẽ trở lại Nhà Trắng với tư cách là Tổng thống thứ 47 của Mỹ vào ngày 20/1/2025 – đã trình bày những thay đổi về chính sách đối nội và đối ngoại mà ông dự định thực hiện khi nhậm chức.
Tổng thống đắc cử Mỹ cho rằng các nước thành viên châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã lợi dụng Mỹ về thương mại.
Ông Trump nói: “Họ không nhập khẩu ô tô của chúng ta, không nhập khẩu thực phẩm của chúng ta. Họ không nhập khẩu bất cứ thứ gì (của Mỹ). Thật đáng xấu hổ".
“Nhưng đáng chú ý hơn cả, chúng ta còn bảo vệ họ, cho nên, đây là một đòn kép (đối với Washington)”, Tổng thống đắc cử Mỹ nhấn mạnh rồi tiếp tục: “Tôi đã nói với các nước ấy rằng tôi sẽ không bảo vệ các bạn trừ khi các bạn trả tiền và họ bắt đầu trả, tổng cộng lên tới hơn 600 tỷ USD”.
Khi được hỏi liệu ông có giữ Mỹ ở lại NATO hay không, ông Trump nói: “Nếu họ (các đồng minh) trả các hóa đơn của mình và nếu tôi thấy họ đối xử công bằng với chúng ta, câu trả lời là: chắc chắn, tôi sẽ ở lại NATO”.
Trong trường hợp các đồng minh không trả tiền, Tổng thống đắc cử Mỹ trả lời rằng ông “chắc chắn” sẽ cân nhắc việc rút Mỹ khỏi NATO.
Theo kênh thông tin TVP World, trong nhiệm kỳ trước của mình, vị Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa này đã liên tục gây áp lực lên các quốc gia châu Âu để tăng chi tiêu quân sự, yêu cầu họ dành ít nhất 3% GDP cho quốc phòng nhằm bảo đảm đóng góp công bằng vào an ninh tập thể trong NATO.
Hiện nay, trong số các quốc gia thành viên NATO, Ba Lan dành tỷ lệ GDP lớn nhất cho quốc phòng, ở mức 4,12%.
Ngân sách năm 2025 do Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk công bố vào tháng 8 vừa qua đã nâng tỷ lệ này lên 4,7% - mức kỷ lục - nhằm tăng cường an ninh cho Ba Lan trong bối cảnh mà giới chức nước này nói rằng có nguy cơ gây hấn từ Liên bang Nga.
Khi công bố ngân sách, Thủ tướng Tusk nói:“Ba Lan đang thực hiện nghiêm túc vai trò của mình trong NATO” và bổ sung: “Ngân sách này phản ánh quyết tâm của chúng tôi trong việc đảm bảo an toàn cho quốc gia và các đồng minh của mình”.
Tương lai của viện trợ cho Ukraine
Trong cuộc phỏng vấn trên NBC News, khi được hỏi về Ukraine, ông Trump cho biết Kiev “có lẽ” sẽ nhận được ít viện trợ hơn từ Mỹ khi ông nhậm chức, đồng thời khẳng định ông đang “tích cực tìm cách” chấm dứt xung đột tại Ukraine, hiện đã gần bước sang năm thứ ba.
Ông Trump từ chối bình luận về việc liệu ông có nói chuyện với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5/11 hay không.
Ông Trump nói: “Tôi không muốn làm bất cứ điều gì có thể cản trở các cuộc đàm phán”.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ứng cử viên Đảng Cộng hoà đã nhiều lần chỉ trích Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden vì đã phân bổ nhiều tỷ USD viện trợ cho Ukraine.
Ông Trump tuyên bố rằng nếu được bầu, ông có thể kết thúc cuộc chiến tại Ukraine “trong vòng 24 giờ”, nhưng không nêu rõ cách thức.
Vào ngày 8/12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã kêu gọi thực thi "lệnh ngừng bắn ngay lập tức" giữa Ukraine và Nga, đồng thời nhấn mạnh rằng cần phải bắt đầu "đàm phán" giữa các quốc gia đang trong cuộc xung đột.
Trên nền tảng Truth Social, ông Trump cho biết: "Quá nhiều sinh mạng đã bị mất đi một cách vô ích, quá nhiều gia đình bị phá hủy. Nếu tình trạng này tiếp tục, nó có thể dẫn đến những kết cục lớn hơn và tồi tệ hơn nhiều".
Ông cũng tiết lộ rằng nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky, rất mong muốn có một "thỏa thuận" để chấm dứt chiến tranh giữa Ukraine và Nga.