Fan thức xuyên đêm, ngất xỉu vì kiệt sức chờ xem 'Anh trai say hi'
Hàng chục nghìn fan (người hâm mộ) xếp hàng từ 4 giờ sáng, thậm chí có nhiều người thức xuyên đêm, ngất xỉu khi chờ xem show 'Anh trai say hi' tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Thức xuyên đêm, ngất xỉu vì "Anh trai say hi"
Tối nay 7/12, concert 3 Anh trai say hi sẽ chính thức diễn ra lúc 19 giờ tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Theo lịch trình của Ban Tổ chức, từ 12 giờ trưa nay, khán giả sẽ đến làm thủ tục check-in.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, từ sáng sớm tinh mơ, đông đảo khán giả trẻ đặc biệt là khán giả hạng vé Fanzone đã xếp hàng chờ đông nghịt tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình để mong chiếm được vị trí bám rào, gần idol (thần tượng) nhất. Nhiều người có vé Fanzone bắt đầu lo lắng không còn vị trí đẹp.
Đến 11 giờ trưa thì địa điểm tổ chức show Anh trai say hi trở thành biển người, đây là cảnh tượng hiếm thấy và đang viral (lan tỏa) khắp cõi mạng.
Dù thời tiết lạnh song ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người quyết định mặc áo ấm, đội mũ, xếp hàng với mong muốn sớm thực hiện thủ tục check-in, đổi vòng tay và đón xem thần tượng biểu diễn.
Là một khán giả trung thành của chương trình Anh trai say hi, Trang Nhi (20 tuổi, Hà Nội) cho biết, cô nàng đã dậy từ rất sớm để trang điểm và làm tóc.
"Tôi đã dậy từ 2 giờ sáng để chuẩn bị thật chỉn chu và mất hơn hai tiếng để trang điểm, tôi đến đây là 4 giờ 30 sáng. Đến nơi, cứ nghĩ mình đến sớm nhất nhưng đã có rất đông người hâm mộ đứng xếp hàng chờ từ đêm qua, dù trời mưa, rét".
Phạm Thị Thu (18 tuổi, Quảng Ninh) chia sẻ rằng, cô phải đi từ Quảng Ninh lên Hà Nội từ đêm qua vì các phòng khách sạn quanh sân vận động đều kín. "Mình bắt xe từ Quảng Ninh lúc gần nửa đêm, vừa đi vừa lo lỡ đến nơi muộn thì phải đứng hàng cuối. May gặp mấy bạn trong cộng đồng người hâm mộ giúp giữ chỗ từ sớm", Thu cho hay.
Chu Thị Hồng Hà (25 tuổi, Hà Nội) kể đã mất ngủ 2 đêm liền vì hồi hộp. "Lúc đến nơi, dù mệt vì thiếu ngủ nhưng cảm giác đứng xếp hàng chờ cùng mọi người, không khí náo động, háo hức khiến mọi mệt mỏi tan biến ngay lập tức. Tuy nhiên, mình nghe mọi người nói sáng nay có người ngất xỉu nên mọi người có đến concert hôm nay thì nhớ giữ gìn sức khỏe", Hồng Hà bộc bạch.
Một bảo vệ tại Sân vận động Mỹ Đình cũng xác nhận thông tin sáng nay đã có người ngất xỉu vì kiệt sức, đói và mệt khi xếp hàng chờ xem Anh trai say hi.
Linh Chi (19 tuổi, Minh Khai) cũng chia sẻ: "Mình và vài người bạn đã thuê homestay gần Sân vận động Mỹ Đình để tiện cho việc di chuyển. Mình đã thấy một số bạn xếp hàng ở lại từ 12 giờ đêm qua". Trang Nhi (20 tuổi, Hà Nội) nhà gần khu vực Sân vận động Mỹ Đình cũng cho biết, đông đảo khán giả đã xếp hàng chờ từ đêm qua.
Trên trang Fanpage của chương trình, Ban Tổ chức đưa ra lời nhắc: "Khu vực check-in khá đông đúc, khán giả nhớ cẩn thận tư trang và tài sản cá nhân".
Thấy gì từ văn hóa hâm mộ Idol Việt?
Cảnh tượng hàng nghìn khán giả đội mưa, chịu rét, thức xuyên đêm để đón xem show Anh trai say hi tại Hà Nội đang được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Một số bộ phận cư dân mạng tỏ ra khó hiểu, cho rằng đây là chiêu trò để câu like, câu view, gây chú ý trên mạng xã hội.
"Giới trẻ bây giờ cứ thấy cái gì là phải hưởng ứng, a dua ngay"; "Không hiểu các bạn trẻ nghĩ gì?"; "Sáng sớm không có việc gì làm hay sao?"; "Tối mới biểu diễn mà đã xếp hàng thế này rồi?"... là những bình luận của cư dân mạng.
Nhìn cảnh các bạn trẻ tập trung từ 4h sáng, xếp hàng, chuẩn bị trang phục, trang điểm cẩn thận để gặp thần tượng, chụp các bức ảnh đăng lên mạng xã hội, không ít bày tỏ lo lắng đám đông nếu mất trật tự sẽ ảnh hưởng đến giao thông.
Do tình trạng người hâm mộ chen chúc, xếp hàng tràn ra đường, các lực lượng chức năng đã có mặt để phối hợp, đảm bảo an ninh trật tự phía bên ngoài khu vực của sân vận động.
Chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh cho rằng, việc fan Hà Nội xếp hàng xuyên đêm để chờ xem show Anh trai say hi dù tối mới diễn là một hiện tượng đáng chú ý dưới góc độ truyền thông.
Theo chuyên gia này, nó không chỉ cho thấy sức hút của chương trình mà còn phản ánh mối quan hệ gắn bó giữa chương trình và khán giả xuyên suốt từ TV Show cho tới sau concert tại TP Hồ Chí Minh.
"Khi người hâm mộ sẵn sàng bỏ thời gian, công sức như vậy, điều đó chứng minh họ cảm nhận được giá trị đặc biệt từ chương trình, dưới góc độ cá nhân. Ở đây, không chỉ đơn thuần là một buổi biểu diễn, mà còn là sự kiện mà khán giả cảm thấy mình là một phần của cộng đồng, của khoảnh khắc văn hóa chung.
Trong truyền thông, chúng ta gọi đó là "hiệu ứng cộng đồng tích cực". Và có cả hiệu ứng fomo trong dạng sự kiện này, một điều rất khó xây dựng nhưng khi đạt được, nó trở thành nền tảng vững chắc để thương hiệu hoặc chương trình phát triển. Điều này cũng tạo nên một câu chuyện mạnh mẽ cho mạng xã hội và truyền thông đại chúng", ông Minh nhìn nhận.
Chuyên gia Hồng Quang Minh chia sẻ thêm, hình ảnh fan xếp hàng từ sáng sớm tinh mơ thậm chí xuyên đêm để xem show Anh trai say hi không chỉ minh chứng cho sự nổi tiếng mà còn là nội dung lan tỏa, thu hút thêm những khán giả tiềm năng muốn tìm hiểu vì sao chương trình lại có sức hút đến thế.
Về những ý kiến trái chiều, cho rằng hiện tượng fan xếp hàng chỉ là chiêu trò câu like, câu view, chuyên gia cho rằng, điều gì được chứng minh bằng hành động thực tế từ khán giả với số lượng lớn thì không thể gọi là chiêu trò, sắp đặt, câu like.
Đó là phản ứng tự nhiên của những người yêu thích chương trình, ở đây có thể ban tổ chức đã khéo léo đưa ra các dạng "content" thu hút trước khi show chính thức diễn ra.
"Nếu chúng ta chỉ nhìn bề nổi và kết luận rằng đây là một cách "làm màu" thì sẽ bỏ qua công sức rất lớn từ đội ngũ sản xuất, nghệ sĩ và cả fan. Một chương trình có sức hút lớn đến mức khán giả số lượng lớn sẵn sàng hy sinh thời gian, giấc ngủ để tham gia không thể là thứ chỉ xây dựng được bằng chiêu trò.
Đó là kết quả của việc xây dựng kết nối lâu dài mang tính giải trí, gắn bó với khán giả qua nhiều chiến dịch và nội dung chất lượng xuyên suốt cả năm qua", chuyên gia nhận định.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cũng chia sẻ, hiện tượng fan Hà Nội xếp hàng xuyên đêm từ 12 giờ đêm đến sáng để chờ show thần tượng, dù tối mới diễn ra, không phải là điều hiếm gặp trong văn hóa đại chúng toàn cầu.
Theo chuyên gia, tại Hàn Quốc, người hâm mộ các nhóm nhạc K-pop như BTS, Blackpink, hay EXO thường cắm trại qua đêm để chờ các buổi biểu diễn, sự kiện ký tặng, hoặc mua hàng hóa độc quyền.
Gần đây, hàng trăm người thậm chí đã xếp hàng từ 3 giờ sáng tại công viên Everland để gặp chú gấu trúc Fubao trước khi trở về Trung Quốc, dù chỉ được nhìn thấy trong vài phút. Ở Nhật Bản, văn hóa xếp hàng đã trở thành biểu tượng, với những người hâm mộ chờ từ sáng sớm để mua phiên bản truyện tranh giới hạn hoặc gặp thần tượng.
Tại Mỹ và Anh, fan của các nghệ sĩ như Taylor Swift hay BTS cũng cắm trại nhiều giờ liền trước các buổi hòa nhạc để giành được vị trí tốt nhất.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, đặc biệt với thế hệ 6X-9X, hiện tượng này có thể bị coi là bất thường vì sự khác biệt về văn hóa và mức độ ảnh hưởng của ngành giải trí.
"Dù vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc thể hiện lòng hâm mộ như vậy đang dần trở nên phổ biến, đặc biệt là ở giới trẻ. Với góc nhìn của một nghệ sĩ và ê-kíp truyền thông, điều quan trọng là đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người hâm mộ.
Nghệ sĩ có thể gửi thông điệp qua mạng xã hội, khuyên fan đến đúng giờ, tránh tụ tập quá sớm để bảo vệ sức khỏe.
Đồng thời, ê-kíp nên có biện pháp tổ chức khu vực chờ hoặc phân luồng để giảm thiểu rủi ro. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để nghệ sĩ truyền tải những thông điệp tích cực, khuyến khích lối sống cân bằng giữa đam mê và chăm sóc bản thân", ông Long cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, hiện tượng xếp hàng xuyên đêm như vậy không nên chỉ bị nhìn nhận là "chiêu trò câu view" mà cần được hiểu là minh chứng cho sức hút của nghệ sĩ và sự gắn bó của fan.
Tuy nhiên, để hiện tượng này diễn ra an toàn và có ý nghĩa hơn, nghệ sĩ cần định hướng và gửi lời cảm ơn chân thành, đồng thời thể hiện trách nhiệm với cộng đồng người hâm mộ của mình.