Giáo dục và đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo buông lỏng quản lý trong liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ

T.H (theo VTC News) 07/12/2024 14:37

Thanh tra Chính phủ nhận định, Bộ Giáo dục và Đào tạo buông lỏng quản lý, để xảy ra sai phạm trong hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài.

bo-giao-duc.jpg
Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nội dung trên được đề cập tại kết luận thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, do Thanh tra Chính phủ ban hành.

Theo kết luận thanh tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã buông lỏng công tác quản lý, để xảy ra sai phạm trong hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài diễn ra kéo dài, nhưng chưa kịp thời có biện pháp để ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý, gây dư luận xã hội bức xúc.

Cụ thể, nhiều đơn vị liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ khi chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép theo quy định tại Nghị định số 86/2018 của Chính phủ về quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Thanh tra Chính phủ xác định, quá trình đó diễn ra khi giải quyết thủ tục hành chính "Phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài" trước thời điểm Thông tư số 11/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập, có hiệu lực (tháng 8/2018 đến tháng 9/2022).

Theo Thanh tra Chính phủ, quy định về hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài tại Nghị định số 86/2018 còn một số nội dung chưa cụ thể, như: Không giải thích từ ngữ về "hoạt động liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài" và "hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài".

Bên cạnh đó, quy định, hướng dẫn tại Nghị định số 86/2018 chưa cụ thể về điều kiện "minh chứng việc bảo đảm chất lượng tổ chức thi" cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, trong khi Luật Đầu tư năm 2020 quy định hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài là ngành nghề kinh doanh có điều kiện...

Căn cứ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo theo thẩm quyền rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung, khắc phục một số sơ hở, bất cập của quy định pháp luật.

Trong đó, rà soát, đề xuất sửa đổi thủ tục hành chính "Phê duyệt liên kết tổ chức thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài" tại Nghị định số 86/2018 theo hướng quy định cụ thể điều kiện để chứng minh việc đảm bảo chất lượng tổ chức thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài; bổ sung quy định giải thích từ ngữ về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài phù hợp với Luật Đầu tư.

Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2018 như trên, rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành thông tư thay thế Thông tư số 11/2022 cho phù hợp với thẩm quyền được giao cho Bộ trưởng; không làm phát sinh yêu cầu, điều kiện có nguy cơ gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính "Phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài".

Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo rà soát, thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền các biện pháp chấn chỉnh, xử lý vi phạm, khắc phục hậu quả (nếu có) đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực liên kết tổ chức thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, đảm bảo đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia thi cấp chứng chỉ.

Về nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ đặc biệt lưu ý trong thời gian từ tháng 8/2018 đến tháng 9/2022 - từ thời điểm Nghị định số 86/2018 có hiệu lực đến trước thời điểm Thông tư số 11/2022 có hiệu lực.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cũng được yêu cầu chấn chỉnh công tác phê duyệt hoạt động liên kết tổ chức thi chứng chỉ, đảm bảo chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật có liên quan, công khai, minh bạch, không phát sinh tiêu cực, bức xúc trong xã hội.

T.H (theo VTC News)