Xác thực tài khoản livestream để bảo vệ người tiêu dùng
Từ cuối tháng 12 này, việc bán hàng livestream trên mạng xã hội sẽ phải xác thực tài khoản bằng căn cước công dân.
Mới đây, trong lần chốt đơn mua hàng qua livestream, chị tôi tiếp tục bị lừa, chất lượng sản phẩm không đúng cam kết của người bán. Khi liên hệ lại cho người bán thì bị chặn máy.
Thời gian qua, nhiều người cũng bị mất tiền, vừa ôm “cục tức” mua phải hàng kém chất lượng khi mua sắm trực tuyến trên mạng xã hội.
Thực tế, mua sắm qua hình thức phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử đang là xu thế được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Các nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok, Shopee… đều cung cấp tính năng livestream, giúp người bán hàng tương tác trực tiếp với khách hàng và giới thiệu sản phẩm của họ một cách thực tế, sinh động. Hình thức bán hàng này ngày càng phổ biến, nhưng người mua hàng livestream vẫn gặp nhiều vấn đề như bị lấy cắp thông tin, mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Việc trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc, xuất xứ hoặc sản phẩm không đúng như quảng cáo, cam kết của một số người bán khiến người tiêu dùng thiệt thòi.
Đặc biệt, càng về cuối năm, nhiều kho hàng giả, hàng nhập lậu đã bị lực lượng chức năng triệt phá khi đang livestream bán hàng.
Tại Hải Dương, ngày 8/11, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương kiểm tra đột xuất 2 hộ kinh doanh mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp trên địa bàn tỉnh, trong đó có tài khoản Facebook cá nhân "Thúy Hường (kho buôn Quảng Châu)"; tài khoản Zalo "Thúy Hường"; gian hàng TikTok Shop "Shop Thúy Hường". Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 2.304 tuýp kem nền hiệu SVMI, loại 30 ml/tuýp và 11.000 kẹp mi mắt không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng trị giá 45 triệu đồng.
Trước đó, đầu tháng 10, tại TP Hà Nội, tổ thương mại điện tử thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường kiểm tra kho hàng có dấu hiệu nhập lậu tại chung cư Eco Green do một TikToker với hơn 4 triệu lượt theo dõi thường xuyên livestream bán trên sàn thương mại điện tử TikTok, Facebook. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ hơn 10.000 chai nước hoa với các nhãn hiệu True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri… không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Có thể thấy, các mặt hàng bị làm giả, làm nhái được bán trên TikTok, Facebook… rất đa dạng và khó phát hiện, do hình ảnh và thông tin sản phẩm cung cấp trên các trang bán hàng là thật. Người bán hàng lại thường không có cửa hàng nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, xử lý. Đối với hàng tiêu dùng, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm... bị giả mạo, không bảo đảm chất lượng còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Các đối tượng khi đưa lên mạng hình ảnh và thông tin của hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái mà khách hàng khó phát hiện.
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Theo đó, các tài khoản livestream bán hàng trên mạng xã hội phải sử dụng số căn cước công dân để xác thực, thay vì chỉ xác thực qua số điện thoại hoặc email như trước đây. Điều này áp dụng cho tất cả các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như TikTok, Facebook, YouTube và các nền tảng khác có người dùng tại Việt Nam. Quy định trên có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Việc xác thực tài khoản này nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi lừa đảo, đồng thời tạo sự minh bạch và tăng cường trách nhiệm của người bán hàng. Các tài khoản không được xác thực sẽ không thể thực hiện các hoạt động như đăng tải bài viết, bình luận, livestream hay chia sẻ thông tin.
Như nhiều quy định khác, khi mới thực hiện không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc ban đầu. Việc xác thực tài khoản livestream có thể sẽ làm gia tăng thủ tục hành chính cho các nhà sáng tạo và người bán hàng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để xây dựng một cộng đồng người bán hàng trung thực và bảo vệ các hoạt động kinh doanh trực tuyến khỏi những đối tượng xấu.
Việc xác thực bằng căn cước công dân còn giúp tạo ra một môi trường trực tuyến an toàn hơn, giảm thiểu các hành vi gian lận và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook... cần triển khai các công cụ xác thực dễ sử dụng để giúp người dùng tuân thủ quy định mà ít gặp phải khó khăn.
Mỗi người bán hàng trên mạng cần tuân thủ quy trình minh bạch thông tin cá nhân, nâng cao đạo đức, trách nhiệm với người tiêu dùng. Đây cũng là cách xây dựng thương hiệu bền vững, uy tín với khách hàng.