Tinh gọn bộ máy thì người đứng đầu phải nêu gương, thậm chí chấp nhận hy sinh
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ đụng chạm đến các vị trí lãnh đạo thì trước hết các vị lãnh đạo, người đứng đầu, đặc biệt là các Ủy viên Trung ương phải nêu gương.
Nhiều thông điệp quan trọng về "cuộc cách mạng" tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương ngày 25/11 vừa qua. Trong đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở. Quyết tâm hoàn thành việc tổng kết Nghị quyết 18 và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý 1 năm 2025.
Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Đinh Duy Hòa, chuyên gia hành chính công, nguyên Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ về nội dung này.
PV: Ông có thể phân tích, bình luận về lần tinh gọn bộ máy lần này, khi Tổng Bí thư Tô Lâm gọi đây là cuộc cách mạng với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, Trung ương không đợi tỉnh, tỉnh không đợi huyện, huyện không chờ cơ sở?
Ông Đinh Duy Hòa: Tôi nghĩ nội hàm chỉ đạo này của Tổng Bí thư là khá rõ. Xếp hàng thì cứ phải lần lượt, tiến từng bước một, còn trong chỉ đạo có ý là “chạy”, thể hiện câu chuyện là thời gian không chờ đợi nữa, không thể tuần tự bình thường được mà phải quyết liệt, khẩn trương, chạy để thể hiện sự đổi mới sáng tạo trong cuộc cách mạng này. Đồng thời có những lúc phải cân đối trở lại với cái hiện tại. Như vậy là nó thể hiện phương châm lãnh đạo giữa đổi mới sáng tạo với ổn định để phát triển. Trong chỉ đạo này tôi thấy khá rõ.
PV: Trên thực tế nước ta có nhiều lần tái cơ cấu bộ máy, chia tách và sáp nhập. Theo ông, điểm mới trong đợt cải cách bộ máy lần này là gì và có điểm gì khác biệt so với những lần trước?
Ông Đinh Duy Hòa: Đợt cải cách lần này ngay cái tên gọi của nó là “cải cách, tinh gọn tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả” đã nói lên cái “chất” của công cuộc lần này. Có mấy điểm mới sau: Thứ nhất là tinh thần nói đi đôi với làm đã được thể hiện rất rõ. Tổng Bí thư Tô Lâm nói vấn đề này mới đây thôi và trong thời gian ngắn đã bắt đầu triển khai ngay các phương án; các cơ quan, đặc biệt là Ban chỉ đạo các cấp, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo là tự rà soát, đánh giá.
Thứ hai là sự quyết liệt, thể hiện rõ ở việc làm đồng bộ cả 3 bộ phận của hệ thống chính trị. Các lần trước, tôi nhớ là chủ yếu tập trung vào khối hành chính, chính quyền địa phương. Trong khi lần này theo chỉ đạo của Trung ương, của Tổng Bí thư là làm cả 3 bộ phận: tổ chức của Đảng, tổ chức của Nhà nước, tổ chức của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Như vậy 3 bộ phận nòng cốt của hệ thống trị đều nghiên cứu, đều làm. Như vậy, tính quyết liệt, đồng bộ thể hiện khá rõ so với các lần trước.
Điểm mới khác cũng được nhắc đi nhắc lại là Trung ương làm trước. Hệ thống chính trị của chúng ta cũng khá đặc biệt, ví dụ các Ban của Đảng và Trung ương, tổ chức nào hợp lý thì sẽ nối tiếp ở tỉnh, ở huyện cũng tương tự. Tương tự, bên Chính phủ, ở cấp trung ương có các Bộ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì dưới tỉnh có Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Giả sử Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhập hay có thêm gì thì lập tức dưới tỉnh cũng triển khai như vậy. Cho nên, cái chung làm trước nó vừa có ý nghĩa là chỉ đạo quyết liệt để triển khai, gương mẫu, nhưng đồng thời nó cũng là mô hình mới thể hiện ở tầm Trung ương để tỉnh, huyện làm theo. Tôi hình dung, kết quả của đợt cải cách này sẽ rõ và mục tiêu gọn lại, hiệu lực, hiệu quả, chắc chắn là đạt được.
PV: Vậy đâu là những việc các bộ, ngành và địa phương cần làm ngay để đảm bảo quá trình diễn ra một cách đồng bộ, hiệu quả và đúng tiến độ?
Ông Đinh Duy Hòa: Tinh thần khẩn trương đã thể hiện khá rõ trong chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư. Như vậy, việc đầu tiên là từng cơ quan phải xem xét lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, trên cơ sở xem xét đó phải chủ động đề xuất.
Điều quan trọng thứ hai là ở tầm chỉ đạo. Ban chỉ đạo Trung ương có những định hướng, chỉ đạo quyết liệt sẽ giúp các bộ, ngành, các tỉnh triển khai cụ thể. Tôi nghĩ những việc này cần phải làm ngay.
PV: Những bài học kinh nghiệm nào cần rút ra sau những lần sáp nhập vừa rồi để lần này làm thực sự khoa học, triệt để, lâu dài, tránh tình trạng phải cải cách nhiều lần để chúng ta có thời gian và tâm trí dồn sức cho phát triển kinh tế, đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình?
Ông Đinh Duy Hòa: Bài học kinh nghiệm có khá nhiều, trong đó bài học đầu tiên là sắp xếp phải phù hợp với thực tiễn. Ví dụ, năm 1995, có bộ đa ngành đa lĩnh vực là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp rồi, Bộ Công nghiệp thực phẩm. Thời kỳ ấy, tầm quản lý của một bộ và đặc biệt là của một Bộ trưởng quản lý mấy ngành như vậy là phù hợp, nếu đưa thêm nhiều quá vào thì chắc là không ổn. Sau hơn 10 năm, chúng ta mới đưa thêm thủy sản vào Bộ này.
Nếu bây giờ, sau một thời gian mấy chục năm như vậy mà đưa thêm nhiều ngành, lĩnh vực vào Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn thì liệu Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các đơn vị trong bộ có đủ sức quản lý không? Tôi nghĩ là chắc cũng đủ. Có nghĩa là việc sắp xếp phải có căn cứ, phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, phải đảm bảo các nguyên tắc, trong đó có nguyên tắc bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Đặc biệt là chú trọng thiết kế cho phù hợp với khoa học tổ chức. Chúng ta thấy một thời gian dài có rất nhiều tổng cục. Từ năm 2021 đến nay đã bỏ, giảm cấp tổng cục trong các bộ, gần như là bỏ hết rồi. Vậy có hay không có tổng cục thì trả lời thế nào, không lại mấy năm nữa lập tổng cục trở lại? Cho nên khoa học tổ chức trong sắp xếp tổ chức lần này phải đặc biệt chú ý, kết hợp cả thực tiễn với khoa học.
PV: Sau cơ cấu, sáp nhập chắc chắn là sẽ dôi dư cán bộ và cơ sở vật chất. Vậy giải quyết hài hòa những vấn đề này sau sáp nhập cũng không hề đơn giản, thưa ông?
Ông Đinh Duy Hòa: Chắc chắn có câu chuyện này. Ví dụ 2-3 bộ sáp nhập lại thành 1 bộ, tương tự ở dưới tỉnh cũng như vậy thì rõ ràng sẽ thừa người ra, kể cả thừa lãnh đạo, thừa cán bộ, công chức, viên chức bình thường. Do vậy chúng ta phải tính. Trong trường hợp sắp xếp tổ chức thì những người dôi ra theo kiểu này không phải là những người không đủ năng lực đâu. Họ có năng lực, nhưng vì sáp nhập tổ chức nên có câu chuyện dôi dư.
Cho nên chính sách, chế độ phải phù hợp, thỏa đáng, tạo điều kiện để cho những con người ấy có khả năng tiếp tục cống hiến thông qua đào tạo, bồi dưỡng, thông qua sắp xếp, bố trí nhân sự, giải pháp cuối cùng mới là ra khỏi bộ máy. Chế độ chính sách chỗ này phải hết sức chú ý.
Về cơ sở vật chất, vừa qua tổ chức lại các đơn vị hành chính ở địa phương, cấp huyện, cấp xã thì có hiện tượng là trụ sở, tài sản dôi dư trở thành lãng phí. Tôi nghĩ, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của cấp ủy ở đây bị phai mờ.
Sau khi sắp xếp xong, hai xã nhập thành một thì thừa trụ sở, tuy nhiên việc sử dụng nó gần như cứ buông, không quan tâm gì cả. Tôi nghĩ phải nhấn vào trách nhiệm của người đứng đầu, kể cả trách nhiệm của cấp trên kiểm tra, giám sát. Về mặt thể chế, xác định đây là tài sản công của UBND xã hay là chính quyền xã, hay của chính quyền huyện, thì chỗ này quy định pháp luật hơi lỏng lẻo. Do vậy, điều này cần phải chú ý.
PV: Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các Ủy viên Trung ương, những người đứng đầu các đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu tiên phong trong cuộc cách mạng tiên gọn bộ máy lần này. Theo ông, tinh thần trách nhiệm đối với người đứng đầu trong các đơn vị phải thể hiện bằng những việc làm cụ thể nào trong việc tinh gọn bộ máy?
Ông Đinh Duy Hòa: Tổng Bí thư đã nêu khá rõ, việc sắp xếp này đụng chạm đến các vị trí lãnh đạo thì trước hết các vị lãnh đạo, người đứng đầu, đặc biệt là các Ủy viên Trung ương phải nêu gương. Nêu gương ở đây được thể hiện là nếu đụng chạm đến mình là mình phải sẵn sàng chấp nhận sự sắp xếp ấy, chấp nhận sự hy sinh. Hy sinh ở đây là hy sinh quyền lợi, lợi ích mà thông qua sắp xếp mình bị ảnh hưởng. Như vậy vai trò nêu gương là hết sức quan trọng và anh có nêu gương như vậy thì cấp dưới, xã hội người ta mới nhìn vào, tạo thành sự thúc đẩy cuộc cách mạng này.
Cùng với đó, người lãnh đạo, người đứng đầu các bộ phận, các cơ quan trong cả hệ thống phải làm tốt công tác tưởng cho đội ngũ; rồi rà soát, xem tổ chức mình có vấn đề gì không. Câu hỏi lớn nhất là cơ quan, tổ chức của họ có xứng đáng tiếp tục tồn tại hay không? Chức năng, nhiệm vụ vẫn phù hợp, phải có hay có sự điều chỉnh gì? Chỗ này cũng đòi hỏi sự dũng cảm, tự nhận xét mình để đưa ra những đề xuất.
PV: Xin cảm ơn ông.