Ông Lê Doãn Hợp: '9-10 người dân nuôi một người hưởng lương ngân sách'
Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp nói ở Việt Nam 9-10 người dân "nuôi" một người hưởng lương ngân sách, trong khi ở Trung Quốc là 170, Nga 200, Mỹ 400, Nhật Bản 700.
"Điều này thể hiện bộ máy đông quá, dân không chịu nổi. Nhiệm vụ tinh gọn, giảm biên chế đã rất gấp rút", ông Lê Doãn Hợp nói tại hội thảo khoa học phân quyền, phân cấp trong cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, do Bộ Nội vụ phối hợp với Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam tổ chức ngày 5/12.
Để có được bộ máy hiệu lực, hiệu quả, ông Hợp cho rằng cần giảm sự vụ cho cấp Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng. Cấp trên không nên ôm việc mà nên tăng thẩm quyền cho cấp dưới để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo "rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm".
Nguyên Bộ trưởng đề ra 5 nguyên tắc phân cấp. Trước hết là thông tin tập trung ở cấp nào thì ưu tiên cho cấp đó ra quyết định. Việc này giúp "tránh tình trạng người hiểu, nắm đầy đủ thông tin, ngồi phân tích, báo cáo cho một người không hiểu gì ra quyết định".
Ngoài ra, cấp nào chịu trách nhiệm trực tiếp, hiểu cán bộ và gần cán bộ nhất thì cấp đó ra quyết định; việc phân cấp dựa trên đánh giá về đạo đức, năng lực, tín nhiệm của cán bộ và phải phù hợp với tài chính, biên chế và cán bộ.
Theo ông trong các nguyên tắc, quan trọng nhất là con người. Như thời ông còn đương chức, việc chậm trễ trong xử lý công việc "do lãnh đạo, không phải chuyên viên". Người đứng đầu đó phải nắm, hiểu rõ, dự đoán được công việc và thời gian, rồi phân quyền. Nếu "cán bộ cấp trên không chuẩn chỉnh, cấp dưới không mất việc, không mất chức cũng chẳng yên thân".
"Không nên việc gì cũng xin ý kiến Thủ tướng"
Ông Nguyễn Văn Thuận, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho rằng lâu nay các cơ quan vẫn bàn nhiều việc phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương; giữa Chính phủ với chính quyền tỉnh thành. Song ông cho rằng vướng mắc lớn nằm ở sự không rạch ròi khi phân quyền trong nội bộ từng cơ quan.
"Ở Chính phủ hiện nay hầu hết mọi việc phải trình lên Thủ tướng. Bộ trưởng hoạch định chính sách nhưng vẫn phải trình Thủ tướng quyết trong khi họ là tư lệnh quản lý ngành lĩnh vực", ông nói.
Theo ông, hiện nay có quá nhiều việc không cần thiết nhưng vẫn dồn lên thẩm quyền của Thủ tướng. Đơn cử như việc phê chuẩn bổ nhiệm Chủ tịch tỉnh, lịch nghỉ Tết Nguyên đán, các môn thi tốt nghiệp... Vì vậy, khi tổ chức, sắp xếp lại bộ máy cần thống nhất phân định quyền hạn trong nội bộ để đảm bảo sau sắp xếp các đơn vị từ trung ương, địa phương hoạt động hiệu quả ngay.
TS Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp, thì đánh giá việc phân cấp, phân quyền hiện nay chưa tiến triển rõ ràng có nguyên nhân chủ yếu từ phía con người và thể chế. Điều này kìm hãm sự phát triển, khiến cán bộ chưa thể đột phá vì lợi ích chung.
Bà chỉ ra các văn bản hiện hành còn "lẫn lộn" các khái niệm về phân cấp, phân quyền và ủy quyền. Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ đã đề cập song chưa rõ và khó triển khai trong thực tiễn.
Bà cho biết với phương án đề xuất sắp xếp nhiều bộ ngành, cơ quan của Trung ương, địa phương theo hướng hợp nhất giảm số lượng sẽ phải xem xét sửa đổi khoảng 100 đạo luật quy định thẩm quyền của Thủ tướng. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để xem xét "thẩm quyền nào trao cho Thủ tướng, việc gì nên chuyển xuống cho cấp bộ, vấn đề gì chuyển xuống cho cấp tỉnh".
Dẫn kinh nghiệm Nhật Bản, bà Hạnh cho biết quốc gia này có Luật Tự quản ở địa phương, để quy định rõ thẩm quyền địa phương với từng ngành, lĩnh vực. Bà đề nghị việc phân cấp, phân quyền phải thực hiện một cách thận trọng, thông qua việc sửa đổi, bổ sung các luật trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nội vụ Trương Hải Long cho biết vấn đề phân quyền, phân cấp trong quản lý nhà nước là một trong những nội dung quan trọng nhằm phân định quyền hạn theo từng cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý. Trải qua 7 năm thực hiện Nghị quyết 18, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tuy nhiên một số hạn chế vẫn tồn tại, đặc biệt việc phân quyền, phân cấp giữa Trung ương, Chính phủ với chính quyền địa phương chưa thực chất, chưa đồng bộ, hợp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của kỷ nguyên mới, làm chậm tiến trình phát triển đất nước. Điều này dẫn đến cơ chế xin cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí và tiêu cực.
Thứ trưởng Nội vụ nhấn mạnh trước yêu cầu cấp bách của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa Chính phủ, chính quyền địa phương đóng vai trò then chốt, tạo động lực thúc đẩy phát triển, là điều kiện tiên quyết để tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.