Thận trọng với cây cảnh có độc
Có những cây trồng gần gũi, làm đẹp cho cuộc sống, cảnh quan, nhưng ít ai ngờ chúng lại có độc tố.
Thông tin 2 trẻ nhỏ phải nhập Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cấp cứu, rửa dạ dày vì ngộ độc do ăn cháo nấu với lá hoa thuỷ tiên khiến dư luận hoang mang. Sự cố đáng tiếc này khiến nhiều người bất giác nhận ra không thể chủ quan với những loại cây trồng trong gia đình.
Hoa thuỷ tiên vốn là cây được trồng để trang trí, làm đẹp nên khá phổ biến, gần gũi với mỗi gia đình. Tuy nhiên, tất cả bộ phận của cây này đều chứa độc tố, nhất là củ. Nếu vô tình ăn phải hoa thuỷ tiên có thể gây co giật, ức chế tuần hoàn, hô hấp và hôn mê. Củ của cây này có thể gây bỏng, kích ứng niêm mạc môi, lưỡi, họng. Loài cây này cùng họ với hành, hẹ, tỏi nên nếu không quan sát kỹ sẽ bị nhầm lẫn. Chính vì nguyên do này mới dẫn tới trường hợp ngộ độc trên. Gia đình vì nhầm hoa thuỷ tiên với cây hẹ, đã lấy nấu cháo để trị ho cho trẻ nên xảy ra hậu quả đau lòng. 2 trẻ nhỏ không may ăn phải thực phẩm có chứa hoa thuỷ tiên bị ngộ độc rất nguy kịch, phải theo dõi các chức năng sinh tồn.
Thực tế, việc ngộ độc do ăn phải cây chứa độc tố cũng không hiếm gặp. Giữa tháng 11 vừa qua, 2 người đàn ông ở Lạng Sơn cũng nhập viện cấp cứu trong tình trạng nôn nhiều, yếu tứ chi, tím tái toàn thân, hôn mê vì ăn phải hoa chuông. Loại cây này mọc dại ở vùng núi phía Bắc và hiện cũng xuất hiện nhiều tại Hải Dương. Đây là cây thân thảo, có hoa giống như cái chuông, màu vàng trắng, nở rộ trông rất bắt mắt. Vì thế, một số gia đình trong tỉnh trồng hoa chuông làm cảnh mà không hề hay biết mức độ nguy hại từ độc tố của loại cây này. Tại các di tích đình, chùa, cây hoa này cũng được trồng nhiều nhằm gợi sự liên tưởng tới chuông chùa làm gia tăng ý nghĩa linh thiêng.
Không chỉ hoa thuỷ tiên, hoa chuông mà còn nhiều loại cây chứa độc tố khác như kim tiền, trúc đào, lan ý, ngô đồng, thông thiên… cũng hiện hữu xung quanh mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học. Đặc điểm chung của những loại cây này là có hoa đẹp, rực rỡ, thu hút nên thường được trồng ở vị trí thuận tiện để trang trí, làm cảnh. Người trồng cũng không nắm rõ sự nguy hiểm của các loài cây trên, vô tư trồng mà không lường trước hiểm hoạ có thể xảy ra, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Trẻ nhỏ vốn nghịch ngợm, hiếu động, hay tò mò, ưa khám phá nên khi nhìn thấy những loại cây bắt mắt sẽ muốn bẻ nghịch, thậm chí cho vào miệng ăn thử. Từ đó dẫn tới hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng tới sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của trẻ. Ngoài ra, những loại cây dễ gây nhầm lẫn cũng không nên trồng gần nhau. Chỉ cần lơ là, không quan sát kỹ sẽ sử dụng cây trồng sai mục đích.
Để thận trọng, cảnh giác với cây chứa độc tố, mọi người chỉ nên mua và trồng khi biết nó thật sự an toàn. Ngay cả khi cây không chứa độc tố cũng cần trồng và đặt ở vị trí phù hợp. Ngoài trẻ nhỏ, các loại cây có độc cũng là “cái bẫy” đối với người già. Người lớn tuổi mắt thường kém, khó quan sát, nhận diện, phân biệt cây trồng. Vì thế không tránh khỏi những bất cẩn, sơ sẩy trong việc sử dụng.
Nguy cơ ngộ độc từ cây hoa, cây cảnh luôn tiềm ẩn, nhất là đối với trẻ nhỏ. Do đó, người lớn cần am hiểu từng loại cây trồng trong gia đình. Với bất kỳ loại cây nào có ý định trồng phải tìm hiểu, nắm rõ thông tin và mức độ an toàn của cây. Có như vậy mới tránh được những bất trắc, hiểm hoạ xảy ra từ chính những cây trồng gần gũi trong nhà.