Phát hiện loài sâu châu Phi có khả năng 'ăn' rác thải nhựa
Ấu trùng sâu bột Kenya có thể trở thành phương án tái chế rác thải nhựa hiệu quả và thân thiện với môi trường, thay thế cho các phương pháp truyền thống.
Theo một nghiên cứu mới, một loài côn trùng ăn nhựa có thể giúp giải quyết vấn nạn rác thải đã và đang bóp nghẹt Trái Đất trong thời gian dài. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, ấu trùng của loài sâu bột Kenya có khả năng tiêu hóa nhựa, khiến nó trở thành loài côn trùng bản địa duy nhất ở châu Phi có năng lực này.
Bà Fathiya Khamis, nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Quốc tế về Sinh lý học và Sinh thái học côn trùng của Kenya, người đứng sau nghiên cứu này cho biết: "Bằng cách nghiên cứu những 'kẻ ăn nhựa' tự nhiên này, chúng tôi hy vọng có thể tạo ra những công cụ mới giúp loại bỏ rác thải nhựa nhanh hơn và hiệu quả hơn".
Bà Khamis và nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng loài sâu này là nhộng của bọ cánh cứng Alphitobius. Nó có các enzyme có thể phân hủy polystyrene - thành phần chính trong xốp. Polystyrene lan tràn trong các hệ sinh thái thủy sinh và có độ bền cao.
Sâu bột có thể cung cấp một giải pháp thay thế hiệu quả và thân thiện với môi trường cho các phương pháp tái chế truyền thống vốn thường tốn kém và thậm chí có thể làm tăng ô nhiễm.
Để thử nghiệm khả năng của loài sâu này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thử nghiệm kéo dài một tháng và quan sát vi khuẩn đường ruột của chúng.
Trong thời gian nghiên cứu, các con sâu được cho ăn polystyrene và cám - một loại thức ăn giàu dinh dưỡng.
Kết quả cho thấy sâu tiêu thụ polystyrene hiệu quả hơn khi được cho ăn kèm với cám, so với chế độ ăn chỉ có polystyrene. Chúng có thể phân hủy được 11,7% tổng lượng polymer. Chúng cũng sống sót với tỷ lệ cao hơn, cho thấy tầm quan trọng của chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng.
Bà Khamis cho biết những con sâu phân hủy được polymer có mức độ vi khuẩn nhất định cao hơn, và hiện các nhà nghiên cứu đang hướng tới việc phân lập enzyme của chúng để "tạo ra các giải pháp vi sinh giúp xử lý rác thải nhựa trên quy mô lớn hơn".
"Thay vì thả một số lượng lớn côn trùng này vào các bãi rác (điều này không thực tế), chúng ta có thể sử dụng vi sinh vật và enzyme chúng tạo ra trong các nhà máy, bãi chôn lấp và địa điểm dọn dẹp", bà Khamis nói thêm.