Chính phủ Pháp bị lật đổ
Các nghị sĩ đối lập Pháp lật đổ chính phủ thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, làm sâu sắc thêm khủng hoảng chính trị ở cường quốc kinh tế lớn thứ hai của Liên minh châu Âu.
Ngày 4/12 (theo giờ địa phương), các nghị sĩ đối lập tại Pháp đã lật đổ chính phủ, đẩy cường quốc kinh tế lớn thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng hơn, đe dọa khả năng lập pháp và kiểm soát thâm hụt ngân sách khổng lồ của nước này.
Các nghị sĩ cánh hữu cực đoan và cánh tả đã liên minh ủng hộ kiến nghị bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Michel Barnier và chính phủ của ông, với 331 phiếu thuận vượt qua đa số cần thiết là 288 phiếu.
Ngay sau khi có thông báo về kết quả của cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, cựu lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen cho biết bà không coi cuộc bỏ phiếu này là một "chiến thắng".
Bà Marine Le Penói với truyền hình Pháp TF1 rằng: "Lựa chọn mà chúng tôi đã đưa ra là để bảo vệ người Pháp," và khẳng định rằng không có giải pháp nào khác ngoài giải pháp này.
Theo Hiến pháp Pháp, ông Barnier cùng với toàn bộ chính phủ giờ đây cần phải nộp đơn từ chức lên Tổng thống Emmanuel Macron, và việc từ chức sẽ tự động được chấp nhận.
Lần cuối cùng một chính phủ Pháp bị lật đổ bởi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm là dưới thời Georges Pompidou vào năm 1962 còn tại lần này, cuộc khủng hoảng chính trị ở Pháp bùng phát khi Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi một cuộc bầu cử sớm vào tháng 6, dẫn đến một Quốc hội bị chia rẽ sâu sắc.
Với việc tổng thống đang suy yếu, Pháp đối mặt nguy cơ kết thúc năm mà không có một chính phủ ổn định hay ngân sách cho năm 2025, mặc dù Hiến pháp cho phép áp dụng các biện pháp đặc biệt để tránh tình trạng chính phủ đóng cửa như ở Mỹ.
Tình trạng bất ổn chính trị của Pháp sẽ càng làm suy yếu EU, vốn đã lao đao bởi sự tan rã của chính phủ liên minh ở Đức, trong bối cảnh chỉ còn vài tuần trước khi Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng.