Cô giáo mầm non ở Hải Dương lấy rác thải... làm đẹp cho trường
Rất nhiều rác thải, vật dụng thải ra đã và đang được khai thác, tái sử dụng thành các dụng cụ, đồ đạc... hữu ích ở nhiều trường mầm non trong tỉnh Hải Dương.
Đẹp trường lớp
Không gian sạch, đẹp của Trường Mầm non Đồng Tâm (thị trấn Ninh Giang) khiến tôi ấn tượng ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Có điều, ở góc sân trường lại có một gốc cây xù xì nằm chỏng chơ. Tôi băn khoăn, không biết trường này để cái gốc cây ở đây làm gì cho xấu cả không gian?
Cô giáo Đinh Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng nhà trường như đọc được suy nghĩ của tôi, vui vẻ giải thích: "Cây này bị đổ sau bão số 3. Nhà trường giữ lại gốc vì đã có kế hoạch riêng với nó. Hầu như các loại rác thải rắn hay những vật dụng bị người ta bỏ đi đều được các cô giáo ở đây biến thành vật trang trí, dụng cụ học tập".
Cô Huyền chỉ tay ra góc sân nơi mấy giáo viên đang cặm cụi sơn màu lên những chiếc lốp xe ô tô cũ giới thiệu: "Đấy! Lốp xe bị người ta bỏ đi, chúng tôi xin về trang trí thêm tí màu mè là có chậu trồng hoa tuyệt đẹp. Phía sau trường, lốp xe được cải tạo làm xích đu, còn dưới góc thư viện kia thì lại thành bàn học cho trẻ".
Tôi gọi giáo viên trường này là những "phù thủy" khéo tay. Bởi bất kể rác thải rắn, vật dụng nào bị bỏ đi cũng được họ "hô biến" thành những sản phẩm trang trí bắt mắt. Phía trên những cây xanh trong trường treo đầy mô hình "tổ chim" đủ màu sắc được làm từ những miếng gỗ thừa xin bên ngoài. Trước cửa mỗi lớp học, bìa carton được giáo viên cắt, dán giấy màu thành loạt các khung hình mô tả thiên nhiên, con vật, viết câu chữ dạy trẻ chăm ngoan... Ở các dãy hành lang, chuông gió, chùm hoa trang trí cũng được tạo tác từ những mảnh gỗ, cành cây khô, dây ni lông, vành xe đạp cũ.
Bước vào "Phòng sáng tạo nghệ thuật" của nhà trường, tôi ấn tượng khi xung quanh căn phòng này tràn ngập các chủ đề trang trí bắt mắt. Mấy chiếc dát giường cũ hỏng được cắt ghép, sơn màu thành một chiếc đàn khổng lồ. Gần chục chiếc nồi, xoong, chảo méo mó, tưởng như chỉ có thể bán sắt vụn lại "hóa thân" thành những dụng cụ âm nhạc cho trẻ vui chơi với đủ màu sắc rực rỡ. Ở góc căn phòng, mô hình chiếc xe tăng khá lớn được tạo nên bởi những tấm bìa carton. Những bức tranh phong cảnh giàu tính nghệ thuật trên tường do cô và trò cắt, dán cũng được làm từ cành cây, rơm khô, vải vụn, ni lông...
Dành cả tiếng thăm trường mà tôi không thể đếm xuể những vật dụng trang trí mà các giáo viên ở đây đã sáng tạo từ rác và những vật dụng dư thừa. Chị Bùi Thị Hiếu, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ninh Giang bảo: "24 trường mầm non trong huyện đều như này cả. Nơi nào giáo viên, học sinh cũng sáng tạo không ngừng".
Cùng huyện Ninh Giang, chúng tôi đến thăm Trường Mầm non Ninh Hải (xã Bình Xuyên). Phía góc sân trường rợp bóng cây xanh, mấy giáo viên đang hướng dẫn học trò tận dụng lõi cuộn giấy vệ sinh, xốp, bút màu để làm hộp bút, ống nhòm, cốc cắm hoa...
Ở một góc khác, mấy trẻ đang xúm xít học làm lọ đựng hạt bằng chai nhựa, rơm và dây len. "Các bé thông minh, nhanh nhẹn lắm, tôi chỉ dạy hôm trước là hôm sau biết làm ngay", chị Bùi Thị Tuấn Anh, giáo viên lớp 5 tuổi B khoe.
Thấy một nhóm học sinh khác đang chơi đùa sảng khoái, tôi tiến lại gần. Thì ra các em đang say sưa chơi trò ô ăn quan trên cái bàn được làm từ tấm nhựa xây dựng dư thừa bị người ta vứt bỏ ngoài vệ đường. Nhóm kế bên thì tranh nhau chơi trò "nhận diện chữ cái" được vẽ trên các nắp chai nước lọc.
Vào mỗi lớp học, tôi đều thấy sự hiện hữu của các loại rác thải rắn và những vật dụng dư thừa song đã được "hô biến" thành những đồ vật trang trí, dụng cụ học tập. Tại "góc phân vai" một lớp học, mấy em học sinh đang hào hứng học làm nội trợ, nông dân... bằng chiếc bếp ga, xoong, nồi, chảo, cốc, cuốc, xẻng được làm từ bìa carton.
"Trường lớp đẹp ra bao nhiêu! Các em lại có không gian sáng tạo, trải nghiệm, vui chơi", cô giáo Trịnh Thị Nếp, Hiệu trưởng nhà trường nói.
Tốt tương lai
Về huyện Gia Lộc, tôi tới thăm Trường Mầm non Đồng Quang (xã Nhật Quang) - nơi được nhiều người đặt cho cái tên "ngôi trường hạnh phúc". Trong sân trường đâu đâu cũng thấy vườn hoa, cây xanh và một loạt góc trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu thiên nhiên, các ngành nghề trong xã hội...
Hiệu trưởng Trần Thị Bích Xoè bảo trường rộng hàng nghìn m2 nhưng "đố tìm được chỗ trống" vì nơi nào cũng tràn ngập không gian được tạo tác để học sinh khám phá, trải nghiệm. Nhiều nhưng không hề lộn xộn mà được bài trí khoa học, gọn gàng. Học sinh ở đây thích được đến trường. Các em được học tập, vui chơi, thỏa sức sáng tạo dưới sự hướng dẫn ân cần của giáo viên... Tất cả đã tạo nên ngôi trường hạnh phúc.
Tất cả những góc trải nghiệm đều cơ bản được làm từ rác thải rắn, vật liệu thiên nhiên và những vật dụng mà các gia đình bỏ đi. "Nhiều người lần đầu đến đây không biết tưởng chúng tôi phải đầu tư nhiều tiền lắm mới làm ra những thứ này nhưng thực tế đều là sản phẩm... 0 đồng do cán bộ, giáo viên, học sinh và sự hỗ trợ của phụ huynh tạo ra", cô Xoè nhấn mạnh.
Trong mỗi lớp học, thư viện tại ngôi trường này, hai bên hành lang, dưới gầm cầu thang, trên các dãy lan can... ở đâu cũng có các vật dụng được làm từ những miếng gỗ vụn, chai lọ, máy tính, ti vi, xoong, nồi hỏng đến rơm, que kem, ống nhựa, chum, vại, bìa carton, vải vụn... Rác và những vật dụng dư thừa này không làm bẩn trường lớp mà được sáng tạo ra "muôn hình vạn trạng" để làm đẹp trường lớp, có ích trong việc học tập, giảng dạy của giáo viên và học sinh.
Cô Xoè không nhớ nhà trường đã "tiêu thụ" bao nhiêu rác, vật dụng dư thừa nhưng mỗi tuần 1 lần, phụ huynh sẽ gom đủ thứ đồ cũ mang đến cho nhà trường. Giáo viên trong trường ai cũng chịu khó thu lượm cành cây khô, vỏ lọ, gỗ, vải, sắt vụn, ni lông... mang về trường. Trường hết chỗ để, họ "tha" cả về nhà dự trữ để sáng tạo dần.
"Việc này đã góp phần làm giảm lượng rác thải, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho chính cán bộ, giáo viên, phụ huynh và nhân dân. Chúng tôi muốn truyền tải một thông điệp tới mọi người rằng mọi đồ vật đều có thể tái sử dụng, biến thành những vật dụng có ích", cô Xoè nhấn mạnh.
Trong lớp 5 tuổi B, cô giáo Vũ Thị Lãnh đang hướng dẫn học trò trải nghiệm, tìm hiểu vòng đời của các con vật, cây cối, côn trùng. Ứng với mỗi chủ đề này là những miếng gỗ vụn đi gom từ các xưởng mộc rồi tạo thành hình tròn và vẽ hình cây cối, con vật lên trên. Học sinh tỏ ra rất thích thú với bài giảng thân thiện và gần gũi này.
Trên tường lớp học, chị Lãnh dán pa nô, áp phích, các bài thơ làm từ những vật dụng trên để dạy học trò cách phân loại rác thải. "So với những năm trước, học sinh mầm non bây giờ nhanh nhẹn, thông minh hơn nhờ được tham gia toàn diện, đầy đủ các hoạt động sáng tạo, trải nghiệm. Tất cả học sinh lớp này đều đã biết nhận diện, phân loại rác. Chắc chắn chúng ta sẽ có một thế hệ công dân tốt hơn trong tương lai gần", chị Lãnh nhận định.
Cùng xã Nhật Quang, tôi ghé thăm Trường Mầm non Nhật Tân vì nghe giới thiệu ở đây có những mô hình mới lạ được tạo tác từ một phần rác thải rắn và những vật dụng dư thừa như tre, nứa...
Vừa tới cổng trường, tôi đã nhận ra mô hình "Nhà rông Tây Nguyên", "Cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa"... được tạo dựng rất to đẹp. Dưới "Cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa", các em học sinh ngồi chăm chú nghe cô giáo giới thiệu về lịch sử dân tộc.
Hiệu trưởng nhà trường Phạm Thị Thúy khoe tất cả mô hình trên do cán bộ, giáo viên tự tay làm hết. Trường phấn đấu mang cơ bản những hoạt động có trong xã hội vào trong các khu trải nghiệm. Tận dụng tối đa nguyên liệu thiên nhiên sẵn có, rác thải rắn dư thừa để dựng lên những khu trải nghiệm này.
"Mục tiêu của nhà trường là mỗi ngày học sinh đến trường các em đều cảm thấy hạnh phúc, được thỏa sức khám phá, sáng tạo, rèn kỹ năng tự phục vụ, kiến thức bảo vệ môi trường ngay từ khi còn nhỏ... Tương lai các em vì thế cũng sẽ tốt đẹp hơn, sống tử tế, có trách nhiệm, có ích cho quê hương, đất nước", cô Thúy nhấn mạnh.
Thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025, từ năm học 2021-2022, tất cả các cơ sở giáo dục mầm non ở Hải Dương đồng loạt thực hiện phong trào xây dựng trường mầm non xanh, an toàn, thân thiện. Mỗi năm, hàng tấn rác thải rắn, vật dụng dư thừa đã được giáo viên các trường thu gom, sáng tạo thành những vật dụng hữu ích làm cho trường lớp thêm đẹp đẽ, thân thiện. Những sáng tạo không ngừng của đội ngũ giáo viên mầm non trong tỉnh đã làm cho hoạt động giáo dục của các trường ngày càng đổi mới, phong phú, hấp dẫn; khuyến khích trẻ chủ động, phát huy trí tuệ, tính tự lập, sáng tạo và có ý thức bảo vệ môi trường.