Bộ Tài chính đề xuất thành lập Cục Phòng, chống lãng phí
Bộ Tài chính đề xuất thành lập một đơn vị chuyên trách cấp cục để thống nhất tham mưu và quản lý công tác phòng, chống lãng phí trên phạm vi toàn quốc.
Đề xuất này được bộ đưa ra khi xây dựng dự thảo Luật Tiết kiệm, chống lãng phí. Dự thảo đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
Hồ sơ nêu 7 nhóm chính sách lớn, trong đó có việc thành lập Cục Phòng, chống lãng phí. Cục này sẽ có nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện chế độ, chính sách; triển khai, ban hành các chương trình tổng thể về tiết kiệm, chống lãng phí; hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương thực hiện quy định của Luật.
Ngoài ra, Cục sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra, và báo cáo Chính phủ, Quốc hội, cơ quan Đảng về kết quả công tác tiết kiệm, chống lãng phí trên cả nước, cũng như tình hình thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương.
Theo Bộ Tài chính, mô hình này tương đồng với các cơ quan phụ trách chống tham nhũng đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đều có các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ, và Bộ trưởng Công an chịu trách nhiệm quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị chuyên trách này.
Việc thành lập Cục Phòng, chống lãng phí được cho là bước tiến nhằm thiết lập nền tảng pháp lý vững chắc, thúc đẩy trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia. Bộ Tài chính cho biết việc kiện toàn đơn vị cấp cục tại bộ sẽ không làm tăng thêm số lượng cơ quan, tổ chức hay biên chế công chức, mà chỉ sắp xếp lại nguồn lực hiện có trong ngành.
Ngoài nội dung trên, Bộ Tài chính cũng đề xuất 6 nhóm chính sách lớn khác tại dự án luật này. Đó là hoàn thiện quy định nhận diện hành vi gây lãng phí và vi phạm trong thực hiện quy định liên quan; chế tài xử lý; cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức đoàn thể, nhân dân thực hiện giám sát, kiểm tra, phát hiện lãng phí; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia tiết kiệm chống lãng phí; tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm bộ, ngành, địa phương; thống nhất giữa Luật Tiết kiệm, chống lãng phí với văn bản quy phạm pháp luật trong từng lĩnh vực.
Bộ Tài chính tin tưởng rằng luật này sẽ nâng cao hiệu lực của công tác tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.