Cá lồng ở Hải Dương 'hồi sinh'
Sau bão số 3 (bão Yagi), phần lớn các vùng nuôi cá lồng ở Hải Dương đang 'hồi sinh'. Môi trường chăn nuôi, thị trường tiêu thụ thuận lợi hơn đã tạo động lực cho người nuôi khôi phục sản xuất.
Thuận lợi, được giá
Trên sông Thái Bình đoạn qua xã Thái Tân (Nam Sách), cảnh hàng trăm lồng cá xiêu vẹo, bẹp rúm sau trận bão, lũ lịch sử xảy ra hồi tháng 9 đã không còn. Thay vào đó, người chăn nuôi đang tích cực chăm bẵm những lồng nuôi các loại cá chép giòn, điêu hồng, lăng... để kịp phục vụ thị trường Tết Ất Tỵ.
Phó Chủ tịch UBND xã Thái Tân (Nam Sách) Đinh Bá Hà cho biết sau trận bão, lũ vừa qua, toàn xã có 70 lồng cá bị chìm, trôi, rất nhiều lồng bị hư hỏng. Bão tan, nước rút, đa số người nuôi cá lồng nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất.
Đến nay, toàn xã có khoảng 430 lồng cá đã khôi phục, hoạt động bình thường. "Sau bão, thời tiết thuận lợi, giá cá tăng nên cũng góp phần tạo động lực cho người chăn nuôi", ông Hà thông tin.
Những gáo thức ăn chăn nuôi vừa từ tay anh Hoàng Đình Chinh ở thôn Mạc Bình hất xuống mặt nước, lũ cá chép giòn, điêu hồng lập tức ngoi lên, tranh giành thức ăn. Anh Chinh cho biết: "Sau trận lũ vừa rồi, nguồn nước sông Thái Bình có vẻ sạch nên đàn cá khoẻ, ít mắc bệnh hơn trước. Nhà tôi có 42 lồng cá đã khôi phục, trong đó có 25 lồng sẽ xuất bán vào đúng dịp Tết sắp tới".
Sau lũ, anh Chinh may mắn giữ được 10 lồng nuôi cá chép giòn. Vừa rồi anh bán tại bè 115.000-120.000 đồng/kg, cao hơn 5.000-10.000 đồng/kg so với trước bão. Tính ra, mỗi lồng anh thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Các lồng cá nuôi cung cấp cho thị trường Tết sắp tới đã được thương lái ở Hà Nội đặt cọc thu mua nên anh rất phấn khởi.
Xã Hà Thanh có gần 600 lồng nuôi cá, nhiều nhất huyện Tứ Kỳ. Đến thời điểm này, hơn 20 lồng cá của người dân bị chìm, lật úp do ảnh hưởng của bão, lũ đã được khôi phục.
Do chủ động bảo vệ từ trước nên nhiều gia đình ở xã Hà Thanh vẫn giữ được lồng cá sau đợt bão, lũ vừa qua. "Sau bão, lũ, cá lồng khan hiếm, giá bán cao hơn trước nên bà con phấn khởi. Thời tiết trong giai đoạn này thuận lợi, nước sông sạch hơn nên việc khôi phục vùng nuôi cá lồng đang diễn ra khá tốt", Chủ tịch UBND xã Hà Thanh Phạm Xuân Thức cho hay.
Trên sông Luộc đoạn qua thôn Hữu Chung, 8 lồng nuôi các loại cá trắm, điêu hồng, lăng của gia đình anh Nguyễn Văn Thắng đang sinh trưởng, phát triển tốt. Anh Thắng chia sẻ: "Sau bão, tôi đã bán được 2 lồng cá trắm còn giữ được, giá nhỉnh hơn trước nên cũng có động lực đầu tư nuôi tiếp. Tôi có 2 lồng cá dự kiến sẽ được bán vào dịp Tết sắp tới, chỉ mong thời tiết thuận lợi".
Vẫn khát vốn
Sau trận bão, lũ lịch sử vừa qua, cùng với tăng cường tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật phòng, điều trị bệnh thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương tích cực phối hợp, kêu gọi các doanh nghiệp cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi hỗ trợ người nuôi cá lồng.
Công ty Carggill Việt Nam tại Hưng Yên và Công ty HAID Hải Dương đã hỗ trợ nông dân Hải Dương 2 triệu con cá rô phi giống, 10 tấn thức ăn chăn nuôi và gần 20 triệu đồng tiền mặt hỗ trợ nông dân ở một số huyện trong tỉnh khôi phục sản xuất. Một số doanh nghiệp, đại lý đã thực hiện giãn nợ và giảm từ 5.000-7.000 đồng/bao thức ăn chăn nuôi cho người nuôi cá lồng...
Tuy nhiên, không ít người nuôi cá lồng vẫn đang gặp khó khăn, rất cần được hỗ trợ. Ông Đỗ Văn Tôn ở xã An Thượng (TP Hải Dương) bị bão, lũ "xóa sổ" cả 7 lồng cá nuôi trên sông Thái Bình, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Do đã thế chấp hết tài sản để vay ngân hàng nên hiện tại ông không biết lấy đâu ra nguồn lực để tái đầu tư nuôi cá lồng. "Tôi chạy vạy vay mượn người quen cũng chỉ đủ khôi phục được 2 lồng. Giờ chỉ mong ngân hàng tạo điều kiện khoanh nợ, giảm lãi suất và mở rộng thêm nguồn vốn vay thì mới dần khôi phục được sản xuất như trước", ông Tôn nói.
Sau bão, anh Đỗ Danh Chức ở thôn Hùng Thắng, xã Minh Tân (Nam Sách) đã phải đầu tư khoảng 700 triệu đồng để sửa chữa, thay thế khung, lưới lồng cá bị hư hỏng nhưng cũng chưa khôi phục sản xuất được như trước. Anh đang rơi vào cảnh khát vốn để tái đầu tư nhưng không thể vay thêm. Anh Chức chia sẻ: "Chúng tôi không còn tài sản thế chấp nên để vay món mới là không thể. Vậy nên mong các ngân hàng xem xét mở rộng thêm số vốn vay dựa trên tài sản đang thế chấp. Số tiền được vay thêm giúp chúng tôi cải tạo cơ sở vật chất và có điều kiện trả tiền thức ăn chăn nuôi".
Giá thức ăn chăn nuôi cá lồng hiện ở mức cao với khoảng 440.000 đồng/bao trả ngay và 460.000 đồng/bao trả chậm. Ông Đào Minh Thiêm, Chủ tịch Hiệp hội Cá lồng xã Hà Thanh (Tứ Kỳ) đề nghị nhà nước có chính sách bình ổn giá thức ăn chăn nuôi để người dân khôi phục chăn nuôi. Các doanh nghiệp, đại lý giãn thời gian thanh toán tiền thức ăn chăn nuôi cho các hộ đến khi được bán.
Trước bão số 3, Hải Dương có khoảng 7.400 lồng nuôi cá. Trước đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2719/QĐ-UBND ngày 7/9/2017 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nuôi cá lồng tỉnh Hải Dương đến năm 2025. Tuy nhiên sau đó tỉnh đã bãi bỏ quy hoạch này khi Luật Quy hoạch có hiệu lực do không còn phù hợp. Từ năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đã khuyến cáo các địa phương không để phát sinh các lồng cá mới.