Tết Tây hấp dẫn hơn Tết ta?
Tết Tây hay Tết ta suy cho cùng đều là dịp để chúng ta tạm ngừng những xô bồ thường nhật, dành thời gian cho bản thân và những người thân yêu.
"Tết này định làm gì?" là câu hỏi quen thuộc mỗi dịp cuối năm. Với Tết Tây, câu trả lời thường gói gọn trong vài kế hoạch đơn giản: tụ tập bạn bè, tổ chức tiệc, hay thậm chí tranh thủ một kỳ nghỉ ngắn. Nhưng khi nhắc đến Tết ta, không ít người thoáng thở dài: "Ôi, lại phải dọn nhà, sắm sửa, gặp họ hàng".
Những năm gần đây, có một sự khác biệt rõ ràng trong cảm giác mà hai dịp lễ này mang lại. Vì sao thế? Tại sao một ngày Tết truyền thống lại khiến nhiều người thời nay cảm thấy áp lực?
Có lẽ, Tết Tây hấp dẫn vì nó đơn giản. Không cần chuẩn bị quá nhiều, cũng chẳng đòi hỏi những nghi lễ phức tạp. Một buổi tối cuối năm chỉ cần một bàn tiệc nhỏ, vài người thân quen, và khoảnh khắc đếm ngược là đủ.
Còn Tết ta thì sao? Dường như chỉ cần nhắc đến thôi, một danh sách dài những việc phải làm đã hiện lên trong đầu: dọn nhà, mua sắm, nấu nướng, thăm hỏi...
Có người mất cả tuần để lau dọn nhà cửa, sắm đủ loại bánh trái, và chuẩn bị các mâm cỗ truyền thống, để đến đêm giao thừa chỉ muốn ngả lưng ngủ ngay trên ghế vì mệt mỏi.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Những ngày Tết còn kéo theo hàng loạt áp lực vô hình: gặp họ hàng, đối diện với những câu hỏi "Bao giờ lấy chồng?", "Khi nào sinh con?", "Lương tháng được bao nhiêu?".
Chi phí cho Tết cũng là một vấn đề lớn. Có người phải tiêu gần ba tháng lương chỉ để lo cho Tết. Tiền quà cáp, lì xì, đi lại..., tất cả như một gánh nặng đè lên vai. Đối với những gia đình trẻ, việc cân nhắc giữa gìn giữ phong tục và tiết kiệm chi tiêu thường đặt họ vào thế khó xử.
Nhưng nhìn sâu hơn, sự thay đổi này không hẳn là lỗi của bất kỳ ai. Cuộc sống hiện đại cuốn mọi người vào vòng xoáy công việc, học hành, và trách nhiệm. Thời gian nghỉ ngơi trở thành một thứ xa xỉ, khiến Tết - vốn dĩ là dịp đoàn tụ -lại hóa thành 101 loại áp lực.
Sự du nhập của văn hóa phương Tây cũng góp phần định hình lại quan niệm về Tết, khi người trẻ nhìn nhận nó không khác gì một kỳ nghỉ thông thường.
Đáng tiếc thay, nhiều giá trị truyền thống đã không được truyền lại một cách trọn vẹn. Hình ảnh ông bà kể chuyện Tết xưa, hay cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng ngày càng hiếm hoi. Khi ký ức và trải nghiệm không còn, sẽ gây nhạt nhòa ý nghĩa.
Làm thế nào để Tết ta không trở thành "gánh nặng"? Bà hàng xóm của tôi có cách đón Tết thật nhẹ nhàng. Bà không ép con cháu dọn nhà đến từng ngóc ngách, cũng chẳng bắt ai chuẩn bị mâm cỗ cầu kỳ.
Bà bảo: "Tết, quan trọng là sum vầy. Vật chất làm gì, miễn là ấm cúng". Câu nói ấy nghe qua tưởng giản dị, nhưng chứa đựng cả một triết lý, không nhiều người làm được. Tết không phải để khoe mâm cao cỗ đầy, mà là để mọi người được gần gũi và sẻ chia.
Nếu chúng ta có thể giản lược những nghi thức phức tạp, giữ lại những gì thật sự ý nghĩa như cúng gia tiên, lì xì chúc tết, thì Tết ta sẽ trở nên gần gũi hơn với nhịp sống hiện đại.
Tết Tây hay Tết ta, suy cho cùng, đều là dịp để chúng ta tạm ngừng những xô bồ thường nhật, dành thời gian cho bản thân và những người thân yêu. Sự khác biệt chỉ nằm ở cách ta nhìn nhận và tổ chức.
Nếu chúng ta biết cân bằng giữa truyền thống và hiện đại, giữa phong tục và sự giản tiện, Tết Ta chắc chắn sẽ không còn là gánh nặng, mà trở lại đúng nghĩa là một mùa đoàn tụ và yêu thương.