Những nông dân tiền tỷ ở Hải Dương
Kinh tế - Ngày đăng : 08:29, 30/11/2024
Trên mảnh đất màu mỡ, trù phú của Hải Dương, mỗi nông dân lại có một hướng đi khác nhau để khai thác hết giá trị, tiềm năng đất đai, làm giàu cho bản thân và giúp đỡ người khác, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Dưới cái nắng hanh hao một ngày đầu đông, chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình ông Vương Đình Xuất ở xã Nam Chính (Nam Sách), 1 trong 20 nông dân được Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2024”.
Trước mắt chúng tôi là một trang trại hơn 4 ha được quy hoạch ngăn nắp, gọn gàng, rợp bóng cây xanh. Ông Xuất làm trang trại từ lâu, lúc đầu chỉ nuôi cá, lợn và buôn bán quy mô nhỏ do vốn đầu tư hạn hẹp. Năm 2014, sau khi địa phương thực hiện dồn ô, đổi thửa còn ông cũng "giắt lưng" kha khá vốn nên thuê lại khu đất chuyển đổi mở rộng trang trại.
Gần chục năm kiến thiết, xây dựng, dưới bàn tay chăm chỉ của ông, từ đồng hoang, chiêm trũng đã biến thành khu vực trù phú, nhiều tiềm năng. Hiện nay, ông Xuất có 1 trang trại nuôi 40 con lợn nái. Số lợn con do lợn nái sinh ra ông đều để nuôi thành lợn thịt, mỗi năm khoảng 300 con. Ông còn nuôi gà thịt quy mô 6.000 con/năm, 1.000 con vịt siêu trứng và 15 mẫu ao, trong đó có 3 mẫu nuôi cá giống. Với quy mô đầu tư như vậy, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình ông Xuất thu lãi trên 2 tỷ đồng.
Nói về bí kíp chăn nuôi, ông Xuất gói gọn trong 2 từ “đam mê”. Từ nhỏ ông Xuất có đam mê với chăn nuôi, đặc biệt là nuôi cá. “Không biết thế nào nhưng khi nhìn con gà, con cá tôi biết ngay được tình trạng sức khỏe chúng ra sao và cần phải sử dụng thuốc gì để điều trị hiệu quả. Tôi nắm rõ đặc tính của từng vật nuôi như lòng bàn tay”, ông Xuất chia sẻ.
Với niềm đam mê, sự chăm chỉ đó, mọi công việc của trang trại do 2 vợ chồng ông đảm nhận luôn bảo đảm khoa học, cẩn trọng, năng suất lao động cao. Ông đã ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào trong chăn nuôi như máy tự động cho cá, lợn ăn, uống nước, dọn chuồng… nên ông vẫn có nhiều thời gian nghỉ ngơi, dành cho những công việc khác.
Ở Hải Dương, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo ra những "nông dân tiền tỷ" như ông Xuất. Mỗi người có một hướng đi khác nhau nhưng đích chung là làm giàu cho bản thân, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Năm 2024, Hợp tác xã Nông sản sạch Thành Nhàn ở thôn Vũ Xá, xã Thượng Quận (Kinh Môn) vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc do hội tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập. Có được kết quả đó phải nói đến quá trình phấn đấu, kiên trì, bền bỉ của anh Bùi Văn Thành, Giám đốc hợp tác xã.
Quê anh Thành và xã, phường lân cận có truyền thống trồng sắn dây nhưng chỉ bán củ, phần thừa mới dùng làm bột. Trong quá trình buôn bán củ sắn, anh Thành thấy nhu cầu bột sắn rất lớn và phải đi sâu vào chế biến thì mới khai thác hết hiệu quả, giá trị của củ sắn nên quyết đầu tư vào lĩnh vực này từ năm 2016. Anh Thành đã mang sản phẩm đi tiếp thị tại hội chợ thương mại, xúc tiến thương mại, tập bán trên sàn thương mại điện tử…
Quy mô lớn dần về lượng sản phẩm và khách hàng, năm 2020, anh Thành thành lập Hợp tác xã Nông sản sạch Thành Nhàn với 8 thành viên. Anh liên kết với các hộ nông dân xây dựng vùng trồng sắn dây tập trung theo phương pháp hữu cơ quy mô 10 ha; huy động nguồn vốn gia đình và các thành viên HTX để xây dựng khu sơ chế, chế biến, đóng gói sản phẩm rộng 1.500 m2, đầu tư máy móc hiện đại giúp giảm sức lao động, tăng năng suất như máy rửa sắn, bể lọc, máy sấy đa năng…
Mỗi năm, Hợp tác xã Nông sản sạch Thành Nhàn sản xuất ra hàng chục tấn bột sắn nguyên chất. Anh Thành đã bắt tay với nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty CP Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu ATC Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Tương Lai để tiêu thụ số lượng lớn. Thậm chí, sản phẩm bột sắn dây nguyên chất Thành Nhàn đã được tiêu thụ ở một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc… Tổng doanh thu năm 2024 của hợp tác xã trên 15 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 3 tỷ đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, hợp tác xã của anh Thành còn tạo việc làm cho 10-15 lao động với thu nhập từ 9-15 triệu đồng/người/tháng. Từ một hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ đã vươn lên lớn mạnh, có sản phẩm tiêu thụ ở nước ngoài, anh Thành luôn giữ chữ tín trong sản xuất. Anh Thành cho biết: "Với chúng tôi, chất lượng sản phẩm là tiêu chí cốt lõi nên trong quá trình sản xuất luôn coi trọng an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm hiện nay được sản xuất theo quy trình hữu cơ, bao bì, nhãn mác đã được đăng ký sở hữu trí tuệ và sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao".
Còn với ông Nguyễn Quang Tý ở xã Thanh Xuân (Thanh Hà) thì bí quyết để làm giàu là phải mạnh dạn thay đổi cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Trước đây, gia đình ông có 6 mẫu nhưng đều trồng ổi. Dù quả ổi cho thu nhập ổn định từ 300-400 triệu đồng/năm nhưng ông vẫn mạnh dạn chuyển 5 mẫu sang nuôi rươi cáy.
"Lúc đầu người dân trong thôn, trong xã cũng bàn tán nhiều lắm nhưng khi đã quyết tâm thì tôi tin mình sẽ thành công. Tôi đã mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để biến từ ruộng trồng ổi sang nuôi rươi cáy. Đất không phụ lòng người, sau gần chục năm cải tạo, đến nay ruộng rươi của gia đình tôi đã cho thu hoạch ổn định với sản lượng năm 2023 trên 3,2 tấn. Sau khi trừ chi phí, vườn ổi, ruộng rươi cho thu nhập cả tỷ đồng", ông Tý khẳng định.
Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều nông dân Hải Dương có số tiền lãi trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đạt hàng tỷ đồng/năm. Năm 2024, Hải Dương có 176.154 hộ nông dân đăng ký trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Kết quả, đã có 122.565 hộ đạt danh hiệu danh hiệu này các cấp, chiếm gần 70% số hộ đăng ký. Trong đó 210 hộ cấp Trung ương, 3.295 hộ cấp tỉnh, 19.852 hộ cấp huyện, 99.208 hộ cấp cơ sở. Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững. Họ đã góp phần rất lớn làm cho diện mạo quê hương đổi mới, khang trang hơn.
Có được điều đó, ngoài cố gắng, sáng tạo tìm kiếm hướng đi mới, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật của từng cá nhân còn là sự đồng hành của Hội Nông dân các cấp, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh, quy hoạch vùng sản xuất, thuê đất đai.
Ông Bùi Văn Tô, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân (Thanh Hà) cho biết, địa phương đã quy hoạch, làm thủ tục chuyển đổi gần 100 ha ở khu vực Soi Giải thuộc thôn Xuân Áng từ trồng ổi, cây ngắn ngày sang nuôi rươi cáy. Lúc đầu nhiều người dân chưa đồng thuận bởi cây ổi đang cho thu hoạch ổn định. Thế nhưng, địa phương vẫn kiên trì vận động người dân, phối hợp mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và tổ chức cho người dân tham quan thực tế một số mô hình trong và ngoài huyện.
Xã trích ngân sách cùng với nhân dân đầu tư hơn chục tỷ đồng xây dựng hạ tầng, đường giao thông nên việc đi lại thuận tiện hơn trước. "Nhờ đó, nhiều người đã đồng tình, ủng hộ việc chuyển đổi. Đến nay, chúng tôi đã đánh giá được hiệu quả kinh tế của vùng nuôi rươi, cáy, cao gấp 2-3 lần so với trước đây. Xã hiện có khoảng 4 hộ nông dân có thu nhập tiền tỷ, còn vài trăm triệu khá nhiều. Điều đó cho thấy, định hướng của chính quyền có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân làm giàu", ông Tý nói.
Cùng với chính quyền địa phương, Hội Nông dân tỉnh cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân. Những năm qua, hội đã xây dựng các mô hình điểm chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn, sản phẩm có bao bì, tem truy xuất nguồn gốc; tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu, tiêu thụ nông sản, tuyên truyền, vận động nhân rộng những mô hình kinh tế có hiệu quả... Nhờ đó, nhiều mô hình, kỹ thuật mới đã được nông dân ứng dụng vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập đáng kể.
Hội Nông dân các cấp đã phối hợp, tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội cho 32.783 hộ hội viên nông dân vay trên 3.000 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ Nông dân toàn tỉnh cũng có trên 105 tỷ đồng cho 3.106 hộ vay.
Không những thế, khi nông dân gặp khó khăn, Hội Nông dân tỉnh cũng kịp thời động viên, chia sẻ và hỗ trợ một phần để họ vượt qua. Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã tổ chức thẩm định, gia hạn nợ 12 tháng cho 32 hộ vay vốn bị thiệt hại do bão số 3 với tổng vốn vay trên 1,1 tỷ đồng. Đề nghị Ban Điều hành, Ban Thường vụ Trung ương hội gia hạn nợ, miễn thu phí 12 tháng cho 33 hộ với tổng nguồn vốn vay 1,3 tỷ đồng.
Các cấp hội tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, nhà hảo tâm ủng hộ tiền, nhu yếu phẩm và kịp thời tổ chức, thăm hỏi, động viên và tặng quà cho hội viên nông dân trên địa bàn bị ảnh hưởng do bão số 3 gây ra. Các cấp hội đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ 76,4 tấn nông sản như dưa lưới, bưởi đào, chanh, cá lồng, gia cầm...; tiếp nhận và phân bổ cho hội viên nông dân 287 kg hạt rau giống các loại.
"Tất cả những hoạt động này đều nói lên sự quan tâm, đồng hành, chia sẻ của các cấp hội nông dân với hội viên. Những năm qua, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Hải Dương đã phát triển, lan tỏa mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, tạo động lực cho hàng nghìn hộ dân vươn lên làm giàu chính đáng. Số lượng hộ nông dân giàu năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm nào Hải Dương cũng có hộ nông dân tiêu biểu đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc được Trung ương hội biểu dương", ông Phạm Đức Hội, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định.
Với những gì đã có, chắc chắn những năm tới, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của Hải Dương sẽ gặt hái được nhiều thành công, có thêm nhiều tỷ phú nông dân ngay trên đồng đất quê hương. Họ góp phần biến những vùng đất xa xôi, chiêm trũng, hiệu quả kém thành những mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng.
Nội dung: NGỌC THỦY
Trình bày: TUẤN ANH