Phấn khởi trước ngày về chung 'một nhà'
Cán bộ, đảng viên, người dân ở nhiều nơi tại Hải Dương phấn khởi trước ngày sáp nhập các xã, phường, thị trấn.
‘Đoàn tụ’ sau gần 70 năm chia tách
Sáng 1/12, 28 xã, phường, thị trấn mới ở Hải Dương sẽ chính thức đi vào hoạt động. Đợt sáp nhập lần này, 57 đơn vị hành chính cấp xã ở Hải Dương thuộc diện sắp xếp, 27 xã và 1 phường sẽ không còn, 28 xã, phường, thị trấn mới sẽ ra đời.
Cán bộ, nhân dân phấn khởi, mong chờ ngày ra mắt xã mới. Niềm vui càng đặc biệt hơn với những địa phương được tái hợp sau nhiều năm chia tách, về với tên xã cũ thân thương.
Huyện Nam Sách tới đây sẽ có xã Trần Phú mới sau khi sáp nhập 2 xã Nam Trung, Nam Chính. Xã mới, tên xưa nên với những người từng sinh ra, lớn lên ở đây, tên xã Trần Phú rất quen thuộc.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Lệ sinh năm 1937 ở thôn Mạn Đê, xã Nam Trung, một đảng viên 60 năm tuổi Đảng. Sinh ra, lớn lên ở Nam Trung nên ông Lệ rất vui khi sắp được về với tên xã cũ Trần Phú.
Lật giở cuốn Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Nam Trung, ông Lệ kể về lúc 2 xã còn là Trần Phú rồi lại tách ra. Đầu năm 1951, giặc Pháp đóng bốt, lập tề ở hầu hết các thôn dọc đường 17 từ thị trấn Nam Sách đến xã Nam Hưng.
Trước tình hình đó, để tập trung lực lượng và thống nhất sự lãnh đạo, Huyện uỷ Nam Sách quyết định sáp nhập các xã Minh Đức, Vạn Xuân, Kim Bịch thành một xã, lấy tên là Trần Phú vào tháng 1/1951. Tháng 6/1956, xã Trần Phú được tách thành 2 xã Nam Trung và Nam Chính hiện nay.
Hồi đó, ông Lệ mới 14 tuổi, lớn lên cùng xã tên Trần Phú. Nay ở tuổi gần 90, ông lại được trở về tên quê cũ.
"Được sáp nhập về với xã Nam Chính, chúng tôi rất phấn khởi, đặc biệt đồng tình khi lựa chọn tên cũ Trần Phú cho xã mới. Vui hơn nữa khi Nam Trung, Nam Chính về một xã, một nhà, nơi đó tôi từng là đảng viên tiêu biểu được vinh dự sang đón Bác Hồ về thăm", ông Lệ chia sẻ.
Niềm vui của ông Lệ cũng là niềm vui của cán bộ, nhân dân nhiều xã, phường, thị trấn ở Hải Dương trong những ngày chuẩn bị sáp nhập, nhất là với những nơi có yếu tố lịch sử, văn hoá đặc biệt như vậy.
Chứng kiến nhiều lần đổi tên
Trong căn nhà nhỏ ở ngõ 75 đường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương), ông Chử Bá Chiếm cùng Bí thư Chi bộ và công chức văn hoá-xã hội phường ôn lại những lần phường, xã, thôn, khu đổi tên.
Trong ngôi nhà đó, ông Chiếm sinh ra và lớn lên, chứng kiến nhiều lần đổi tên, chia tách, sáp nhập của khu 9 phường Phạm Ngũ Lão.
Ông nhớ nơi này từng là làng Bảo Sài, rồi thành xóm Bình Minh, xã Bình Hàn rồi tới khu phố 1... Đến năm 1981 mới thành phường Phạm Ngũ Lão. Điểm qua khoảng chục lần đổi tên, ông Chiếm phấn khởi với lần sáp nhập này.
"Phường Phạm Ngũ Lão có diện tích, dân số đều nhỏ nay sáp nhập vào thành phường mới sẽ quy mô hơn, tạo thuận lợi để phát triển. Từ làng Bảo Sài khi xưa chỉ có 50 nóc nhà tới ngày hôm nay, khi sáp nhập sẽ rộng hơn 2 km2 với gần 27.000 dân. Đặc biệt lại là phường có quảng trường Thống Nhất, có phố đi bộ của TP Hải Dương", ông Chiếm phấn khởi nói.
Mặc dù có chút tiếc nuối với tên phường Phạm Ngũ Lão xưa nhưng ông Chiếm và nhiều người thấy rất ý nghĩa, vinh dự khi phường mình được mang tên mới là tên cố Phó Chủ tịch nước Lê Thanh Nghị.
Về xã Gia Tân (Gia Lộc), nhiều người dân đang cùng nhau bàn luận ở quán nước đầu xã về ngày về chung một nhà với xã Gia Khánh thành xã Gia Phúc.
Ông Phạm Đình Hậu ở thôn Phúc Tân phấn khởi vì tên xã mới có chữ "Phúc". Ông Hậu nói đùa: "Giờ đi đâu ai hỏi quê ở đâu, tôi có thể tự hào nói tôi quê ở xã Gia Phúc, huyện Gia Lộc. Nghe đã thấy khí thế, nhiều phúc, nhiều lộc, lại còn là quê hương của cố Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị".
Những ngày này, trong các trụ sở xã, phường, thị trấn thực hiện sáp nhập có thể thấy không khí tấp nập, khẩn trương. Những hoạt động cuối cùng ở xã cũ được tổ chức như một lời tri ân, chia tay.
Những chuyến xe chở tài liệu, đồ đạc chuyển trụ sở rộn ràng hơn. Không khí chuẩn bị phòng ốc, chia tay, làm quen cũng rôm rả. Cán bộ về hưu cũng phấn khởi vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ngày sáp nhập đã tới, cán bộ, nhân dân Hải Dương đều chung niềm tin vào tương lai của xã, phường, thị trấn mới.