Bình luận

Hy vọng mới cho hòa bình Trung Đông

TB (tổng hợp) 28/11/2024 20:41

Hơn lúc nào hết, khu vực Trung Đông rất cần một thỏa thuận đình chiến để khôi phục hòa bình sau hơn 1 năm chiến tranh cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người dân vô tội.

lenh-ngung-ban.jpg
Người dân phải sơ tán vì xung đột Israel - Hezbollah trở về nhà ở Tyre, miền Nam Liban, ngày 27/11/ 2024

Thỏa thuận đình chiến giữa Israel và Liban vừa được công bố đã tạm thời chấm dứt cuộc xung đột kéo dài và đẫm máu nhất giữa hai bên trong nhiều thập kỷ, đồng thời mang lại hy vọng một thỏa thuận tương tự sẽ đạt được ở Dải Gaza.

Có hiệu lực từ rạng sáng 27/11 với thời gian ngừng bắn trong vòng 60 ngày, thỏa thuận giúp cho các địa phương miền Bắc Israel yên tĩnh trở lại sau nhiều ngày hứng chịu các trận tấn công dữ dội bằng rocket và thiết bị bay không người lái do phong trào Hezbollah phóng sang.

Tại Liban, hàng nghìn người dân sơ tán đã bắt đầu hành trình trở về nhà. Tuy nhiên, phía Israel cảnh báo người dân chưa được trở lại các khu vực gần biên giới cho tới khi thực sự an toàn.

Cộng đồng quốc tế và khu vực đã nhanh chóng hoan nghênh lệnh ngừng bắn.

Mỹ, Pháp tin tưởng thỏa thuận này sẽ tạo điều kiện cho “sự bình yên lâu dài,” giúp chấm dứt giao tranh tại Liban và bảo đảm an ninh cho Israel. Hai quốc gia đồng bảo trợ cũng cam kết sẽ nỗ lực để thỏa thuận được thực thi đầy đủ và sẽ hỗ trợ năng lực quân sự cho Liban.

Chính quyền Palestine hy vọng thỏa thuận “sẽ góp phần chấm dứt tình trạng bạo lực và bất ổn mà khu vực đang phải gánh chịu," đồng thời lưu ý cần thực thi nghị quyết của Liên hợp quốc về ngừng bắn tại Dải Gaza.

Lệnh ngừng bắn sẽ kéo dài trong 2 tháng, cho thấy các bên đã tỏ rõ quyết tâm hướng tới chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột kéo dài gần 14 tháng, và đặc biệt trở nên khốc liệt kể từ 2 tháng qua.

Giao tranh qua lại biên giới giữa Israel và Hezbollah bắt đầu chỉ 1 ngày sau khi cuộc chiến tại Dải Gaza bùng phát đầu tháng 10/2023.

Sau khi cơ bản trấn áp được phong trào Hamas ở chiến trường Gaza, từ cuối tháng 9 vừa qua, Israel mở chiến dịch đổ bộ “hạn chế” sang miền Nam Liban và tăng cường các cuộc không kích vào sâu lãnh thổ nước này.

Bên cạnh làm tiêu hao phần lớn bộ máy lãnh đạo, chỉ huy và hạ tầng quân sự của Hezbollah, chiến dịch của Israel đến nay cũng khiến gần 3.800 người tại Liban thiệt mạng và 15.600 người bị thương. Phía Israel tổn thất hơn 100 người, trong đó có 44 binh sỹ.

Theo Liên hợp quốc, cuộc xung đột còn khiến hơn 1 triệu người dân Liban, chiếm gần 20% dân số, phải rời bỏ nhà cửa.

Ước tính hơn 60.000 người dân Israel phải di tản khỏi các khu vực biên giới phía Bắc để tránh tên lửa của Hezbollah, khiến các hoạt động sản xuất, thương mại, du lịch bị sụt giảm nghiêm trọng.

Giới quan sát cho rằng Israel phải chấp nhận đình chiến do quân đội nước này đã chạm ngưỡng thiếu hụt nhân sự khi phải căng mình ra nhiều mặt trận cùng lúc.

Việc giảm tải chiến trường Liban sẽ giúp giảm bớt sức ép cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu khi ông đang bị các thành viên trong chính phủ liên minh phản đối về chính sách ép buộc cộng đồng Do Thái chính thống phải nhập ngũ.

Hơn nữa nguồn đạn dược và vũ khí của Israel, vốn phụ thuộc vào nguồn cung viện trợ và mua sắm từ Mỹ, đã bị gián đoạn nghiêm trọng.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây liên tục yêu cầu Israel phải quan tâm hơn nữa để bảo đảm vấn đề nhân đạo cho người dân bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công.

Với Israel, mục tiêu lớn nhất trong chiến dịch tấn công Hezbollah lần này là đưa người dân sơ tán ở miền Bắc trở về.

Hơn 1 năm qua, 60.000 người dân sơ tán đã trở thành gánh nặng kinh tế và chính trị rất lớn đối với Chính phủ Israel nói chung và Thủ tướng Netanyahu nói riêng.

Thăm dò dư luận cho thấy trên 30% dân số Israel ủng hộ một cuộc tấn công toàn lực nhằm triệt tiêu vĩnh viễn năng lực quân sự của Hezbollah. Tuy nhiên, xét thực lực cán cân hiện nay, mục tiêu này với Israel là quá sức.

Nếu thỏa thuận ngừng bắn giúp triển khai thành công kế hoạch đưa người dân sơ tán trở về, thì triển vọng để lệnh ngừng bắn được gia hạn lâu dài là khá cao.

Tuy nhiên, thỏa thuận đình chiến cũng đối mặt với nhiều thách thức.

Thứ nhất, đây là thỏa thuận giữa hai chính phủ Israel và Liban, dưới sự dàn xếp của Mỹ và Pháp, trong đó cơ bản quy định các bên quay lại thực hiện các điều khoản trong Nghị quyết 1701 của Liên hợp quốc.

Trước khi nổ ra cuộc xung đột hiện tại, nghị quyết này vẫn còn hiệu lực nhưng đã bị phá vỡ trên thực tế và về lý thuyết Israel và Liban vẫn trong tình trạng chiến tranh.

Thứ hai, tại Liban, phong trào Hezbollah không chỉ đóng vai trò chủ chốt về mặt quân sự, mà còn có tiếng nói quan trọng trong chính phủ và nghị viện, nơi thỏa thuận ngừng bắn sẽ cần phải được thông qua.

Thứ ba, thỏa thuận quy định quân đội Liban sẽ triển khai lực lượng ở miền Nam, nơi cả Israel và Hezbollah sẽ rút đi. Liệu quân đội Liban có đủ năng lực để duy trì an ninh tại khu vực này hay không vẫn là một câu hỏi.

Giới phân tích cho rằng thỏa thuận ngừng bắn mới có bền vững hay không phụ thuộc vào việc phong trào Hezbollah có tái diễn các vụ tấn công hay không và Israel sẽ hiểu tình huống nào đồng nghĩa với “nguy cơ bị tấn công.”

Cuối cùng, vấn đề gây bất đồng quan điểm mấu chốt là “Israel vẫn có quyền tự vệ phù hợp với luật pháp quốc tế” đã được các bên tạm đưa vào điều khoản đi kèm.

Điều khoản này được hiểu là trong trường hợp Israel bị Hezbollah tấn công trở lại hoặc phát hiện nguy cơ bị tấn công thì có thể thực hiện đòn răn đe phủ đầu.

Giới phân tích cho rằng thỏa thuận ngừng bắn mới có bền vững hay không, phụ thuộc vào việc phong trào Hezbollah có tái diễn các vụ tấn công hay không và Israel sẽ hiểu tình huống nào đồng nghĩa với “nguy cơ bị tấn công.”

Israel sẽ phải hành động quyết đoán để buộc Hezbollah rút lui về phía Nam, thiết lập các biện pháp phòng thủ biên giới đầy đủ, cho người dân phía Bắc cảm thấy đủ an toàn để trở về nhà. Đây sẽ là phép thử thực sự của thỏa thuận.

Dù chỉ là tạm thời, thỏa thuận đình chiến giữa Israel và Liban đã giúp khôi phục hòa bình ở một trong những điểm nóng nhạy cảm nhất thế giới, tạo điều kiện để thúc đẩy đàm phán cho cuộc xung đột tại Dải Gaza.

Song song với lệnh ngừng bắn tại Liban, Mỹ sẽ tiếp tục các nỗ lực cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và các đối tác khác để thúc đẩy một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.

Hơn lúc nào hết, khu vực Trung Đông rất cần một thỏa thuận như vậy sau hơn 1 năm chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người dân vô tội.

TB (tổng hợp)