Để bộ máy cồng kềnh là có lỗi với dân
Khi bộ máy cồng kềnh, đông cán bộ, ngân sách - tiền thuế của dân phải chi nhiều nuôi bộ máy.
Những ngày qua, báo chí, truyền thông nói nhiều đến những phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm. Đó là “bộ máy cồng kềnh nó khó khăn lắm, nó kìm hãm sự phát triển”, “trung ương không chờ cấp tỉnh, đấy là gương mẫu đi đầu làm từ trên xuống dưới”, “một cửa vẫn là thủ tục, vẫn lằng nhằng, mình phải cải cách đi”, “người ta đã ngồi trên ô tô rồi, mình vẫn đi bộ”…
Những phát biểu của Tổng Bí thư có một mẫu số chung là vì dân. Đó là những phát biểu về tinh giản bộ máy, cải cách thể chế; về nâng cao năng lực, trách nhiệm, đạo đức của cán bộ, đảng viên; về nhận thức lại thực tiễn phát triển để không bị "ru ngủ" bởi những thắng lợi của công cuộc đổi mới.
Những phát biểu đó được nhiều người quan tâm, tán đồng. 1 video ngắn phát trên trang TikTok Báo Hải Dương đã nhanh chóng có trên 1 triệu lượt xem, hàng nghìn tương tác. Những bình luận như “Bác nói quá đúng”, “Bác Tô Lâm phát biểu rất chuẩn, rất thực tế”, “Lãnh đạo cấp cao nhất nói thực trạng rất thẳng thắn”, “Tôi thích cách nói chuyện của bác rồi nhé”… rất nhiều.
Vì sao người dân lại quan tâm lớn đến chủ trương tinh gọn bộ máy, biên chế, cải cách thể chế, những vấn đề không mới như vậy?
Từ góc độ của một người quan sát tôi thấy có mấy vấn đề:
Việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế trước đây đã nói nhiều nhưng chưa làm được nhiều. Bộ máy vẫn cồng kềnh, thậm chí có chỗ còn phình to. Ngân sách là tiền thuế của dân tốn kém nuôi bộ máy. Con số được công khai mức chi đã lên đến 60 - 70%, thậm chí nếu tăng lương có thể lên 80%... Trong khi ở các nước phát triển chi tiêu cho bộ máy hành chính chỉ dưới 50% ngân sách.
Tiền chi cho bộ máy tốn kém còn đâu chi cho phát triển, cho an sinh phục vụ trực tiếp đời sống người dân. Như thế bộ máy cồng kềnh, đông cán bộ là có lỗi với dân. Nói nhiều, làm ít, đó là giáo điều. Bây giờ người đứng đầu Đảng nói vào thực chất, vào vấn đề nên người dân quan tâm, người dân thấy có hy vọng. Họ hy vọng Đảng và Nhà nước lần này sẽ làm nhanh, làm quyết liệt để đi đến kết quả tốt.
Nhìn ra thế giới, nhiều nước đã phát triển rất nhanh, đi trước ta rất nhiều, hằng ngày lại có những thành tựu khoa học – công nghệ mới giải quyết được những vấn đề về quản trị quốc gia, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, về phục vụ đời sống các cá nhân thay thế con người hay giúp tăng năng suất của người lao động.
Giải thưởng Nobel kinh tế năm nay được trao cho 3 nhà khoa học Mỹ nghiên cứu liên quan thể chế. Nội dung nghiên cứu có so sánh sự phát triển hay thụt lùi của các quốc gia, vùng đất. Các thể chế "dung hợp" tạo điều kiện, khuyến khích mọi người dân đóng góp vào hoạt động kinh tế, hưởng lợi từ thành quả của tăng trưởng. Các thể chế "khai thác" được thiết kế để khai thác tài nguyên, tìm kiếm đặc quyền đặc lợi, vì lợi ích của một số ít người. Thể chế tiến bộ sẽ đưa quốc gia phát triển bền vững.
Giờ đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã so sánh Việt Nam với bên ngoài, tầm nhìn rộng mở, điều này mang đến hy vọng mới cho người dân.
Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư trong quý I/2025 phải hoàn thành tổng kết Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và báo cáo Trung ương về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị. Việc tổng kết nghị quyết chính là quãng thời gian xem xét thấu đáo các vấn đề cũng như chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện việc tinh gọn bộ máy - một cuộc cách mạng mới cho đất nước phát triển.
Những ngày qua đã xuất hiện nhiều tin đồn, trao đổi trên nhiều hội nhóm về các phương án sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị, thậm chí cả việc sáp nhập ngay nhiều tỉnh, thành phố. Hầu hết những thông tin này không dẫn nguồn, có những thông tin đã bị cơ quan chức năng phản bác, nhưng nhìn ở góc độ tích cực, nó cũng phần nào giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên chuẩn bị tâm thế ở lại hay ra đi khi cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy diễn ra.
Người dân hy vọng tinh giản bộ máy sẽ mang đến nhiều lợi ích hơn cho họ.